Xe tải né trạm ken kín một cây xăng ở Can Lộc |
Gặp trạm cân là… trốn!
Chiều 7/4, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau đậu dọc quốc lộ 1A hoặc trú tránh vào cây xăng, sân nhà hàng suốt chiều dài từ Thạch Hà ra đến giáp thị xã Hồng Lĩnh. Không ai bảo ai, cánh tài xế chạy xe quá tải cứ bám đuôi nhau tấp kín dọc đường. Riêng quán ăn phục vụ xe tải ngay sát cầu Già (Thạch Hà), có đến khoảng 40 – 50 xe tải đậu san sát kín sân và tràn cả dọc đường. Sau một chặng dài mỏi mệt, việc ghé xe vào né trốn trạm cân cũng là thời gian để các bác tài tranh thủ chợp mắt hoặc kiếm trò giải lao cho khuây khỏa.
Tại quán ăn ở cầu Già, chúng tôi gặp hàng chục tài xế, với chung một vẻ mặt là uể oải và mệt mỏi. Chỗ này, hàng loạt tài xế mắc võng ngủ say tít như chưa bao giờ được ngủ; chỗ kia, các nhóm tụm năm tụm bảy đánh bài giải khuây hoặc buôn chuyện giết thời gian…
Xe tải nằm dọc nằm ngang ở quán cơm cầu Già |
Thấy chúng tôi xuất hiện, cả nhóm hàng chục người kéo đến tiếp chuyện. Hỏi “sao không chạy mà rủ nhau tấp cả vào đây?” Tất cả đều không ngại ngần trả lời rằng: “Mấy ổng cân trước kia, tụi em ghé vào đây né trạm, lúc nào mấy ổng nghỉ lại chạy tiếp. Xe tụi em chở quá tải nhiều, phải né trạm, nếu không sẽ phải hạ tải và chịu phạt rất nặng”.
Trong số xe tải chúng tôi có dịp trao đổi với cánh tài xế, rất nhiều xe chở dưa hấu từ Phú Yên, Bình Định ra Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc. Mỗi xe chở trung bình từ 25 – 30 tấn hàng, vượt khoảng 50% trọng tải theo quy định. Các tài xế cho biết, với trọng tải này, kinh phí vận chyển là khoảng 30 triệu đồng/xe. Sau khi trừ các chi phí, trong đó có rất nhiều chi phí cho việc “không tên”, họ còn lãi mỗi chuyến trung bình 8 triệu đồng.
Một tài xế chở dưa, đến từ Bình Định, cho biết: “Lâu nay chúng tôi ai cũng chở vượt tải như thế. Chở vượt 50% quy định mà chỉ còn 8 triệu tiền lãi. Nếu chở đúng tải thì sẽ lỗ nặng nên buộc chúng tôi cứ phải chở như thế. Gặp trạm cân ở đâu thì tránh đó chứ biết làm sao”. Cũng theo tài xế này, chỉ trong ngày mồng 7/4, xe anh đã né trạm và vượt được 3 tỉnh, từ Huế đến Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trước đó, xe đã phải né lại ở nhiều tỉnh khác. Anh này tính, từ Bình Định ra đến Lạng Sơn, thông thường anh sẽ chạy hết hai ngày một đêm, nhưng chuyến này, do né trạm cân nên chạy 4 ngày rồi mới đến Hà Tĩnh! Nếu các tỉnh cứ làm đều đặn thì ra đến cửa khẩu Lạng Sơn, có khi dưa đã hỏng hết! Song, vì xe quá tải nên họ không có cách gì khác mà buộc phải cứ gặp trạm cân là… né!
Lực lượng chức năng bất lực!
Khi hàng trăm xe tải đậu kín đường và các quán ăn, cây xăng từ Thạch Hà ra giáp TX Hồng Lĩnh thì khu vực Trạm cân lưu động (đóng trước Bến xe Hồng Lĩnh) không hề có bóng dáng xe quá tải qua lại là chuyện đương nhiên. Vì thế, thi thoảng mới có vài chiếc xe đầu kéo, contener hiên ngang lao tới nhưng theo các cán bộ trong Trạm cân lưu động cho biết thì đều là xe không!
Xe tải nối đuôi nhau dừng bên QL1A đoạn chỉ cách trạm cân vài trăm mét |
Để chứng minh điều đó, vào lúc 17h56 phút, Trạm cân lưu động vẫy một chiếc container BKS 54L-6787 to đùng vào cân nhưng chưa đủ trọng tải quy định. Các cán bộ trong trạm cân cho biết, cả ngày 7/4, trạm cân được 24 xe nhưng trong đó duy nhất chỉ 1 xe quá tải! Điều này có nghĩa là, toàn bộ số xe quá tải đều đã né trạm, chờ khi lực lượng này nghỉ thì mới ùn ùn kéo nhau qua.
Trao đổi với chúng tôi, các lực lượng chức năng tại đây cho biết: Từ hôm triển khai cân đồng loạt đến nay, xe quá tải vẫn liên tục né trạm. Mặc dù trên thực tế có hàng trăm, hàng ngàn xe quá tải lưu thông trên quốc lộ mỗi ngày, nhưng số xe quá tải “bị” cân là cực ít. Từ ngày 1/4 đến ngày 7/4, mỗi ngày chỉ có không quá 10 xe quá tải được cân và xử phạt, trong đó, chỉ có một ngày nhiều nhất là cân được 14 chiếc quá tải. Việc xe tải trốn ở quán ăn, trạm xăng, đậu bên đường đều không vi phạm quy định giao thông nên không thể đẩy đuổi hay xử phạt họ. Vì vậy bộ phận chức năng cân thì cứ cân, còn xe quá tải né trạm thì cứ né!
Suốt cả ngày 7/4, Trạm cân chỉ đón 24 xe và duy nhất 1 xe quá tải |
Một lực lượng khoảng chục người gồm: CSGT, CS 113, quân đội, thanh tra giao thông… cùng với máy móc hiện đại nhưng chỉ cân được mấy chiếc xe qua tải mỗi ngày là điều bất cập.
Trước ngày 1/4/2014, khi mới chỉ có Hà Tĩnh và một số tỉnh tổ chức cân thí điểm, việc xe né trạm là điều dễ hiểu, bởi thiếu tính đồng bộ giữa các tỉnh. Tuy nhiên, khi Bộ GTVT quy định tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc đều cân xe mà việc xe cứ tiếp tục né trạm trước sự bất lực của các cơ quan chức năng như hiện nay thì phải xem xét lại khâu tổ chức thực hiện và cả những chế tài có thể áp dụng!
Chính Thu – Đức Thiện