AHLLVT Nguyễn Xuân Trường dành hết thời gian cho việc trồng cây, gây rừng sau khi nghỉ hưu
Từ TP.Hà Tĩnh ngược gần 100 km lên miền núi phía tây huyện Kỳ Anh, qua sông Rào Trổ sang xóm 4 xã Kỳ Lạc, hỏi Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Trường, người dân chỉ người đàn ông nhỏ thó, quần ống thấp, ống cao đang lầm lũi vác cuốc vừa ngang qua: “Đó! Anh hùng đó”.
Mỗi người lính là một người thân
Líu ríu dẫn tôi men theo đường đất vào căn nhà cấp 4 nứt nẻ khắp nơi, ông Trường chui tọt vào trong căn buồng tối, 5 phút sau mới xuất hiện trong bộ quân phục xuân hè gọn gàng, chân xỏ trong đôi dép nhựa nâu vẫn bê bết đất và cười: “Hồi đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mời các anh hùng về dự, tôi được tặng bộ này, giờ mặc khi có khách đến nhà”. Chất củi đun ấm nước chè xanh, vừa thổi lửa phù phù, ông vừa thắc mắc: “Lâu lắm không ai hỏi chuyện đánh biên giới. Sao anh lại biết nhỉ?”.
Trong cuốn Các Anh hùng lực lượng vũ trang do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản ghi rõ: Nguyễn Xuân Trường sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhập ngũ tháng 2.1968. Khi được tuyên dương là trung úy đại đội trưởng bộ binh thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 46, sư đoàn 326, Quân khu 2. Từ tháng 2.1968 đến tháng 4.1975, Nguyễn Xuân Trường chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên.
Trong cuộc chiến đấu tháng 2.1979, chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy 21 lần tấn công của địch, giữ vững trận địa, bị thương nặng vẫn kiên quyết chiến đấu… Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba và tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) ngày 20.12.1979.
Ông thì kể: Sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc tràn sang đánh chiếm điểm cao 551 thuộc địa phận huyện Sìn Hồ (Lai Châu), đơn vị ông lúc đó đang đóng quân dưới Điện Biên được lệnh lên thay quân trên 551.
Đến nơi, do không thể xin ý kiến của trên, ông đã hội ý chỉ huy và thống nhất vận động lên chiếm lại điểm cao và sau 3 tiếng đồng hồ, đơn vị ông đã chiếm lại 551.
Ngay sau đó, địch ào ạt bao vây tấn công cao điểm. Bộ đội ta dần cạn đạn dược, lương thực, nước uống; chỉ có người bị thương nặng rời trận địa về tuyến sau với lý do “Về nhiều sẽ làm ảnh hưởng tinh thần bộ đội sắp lên biên giới”. Bản thân ông bị thương vào đầu, tay nhưng cũng kiên quyết không cho cấp phó thay, chỉ chịu rời trận địa khi có lệnh rút. “Cả đại đội 80 người, hy sinh 30 nhưng chúng tôi đưa được hết thi hài anh em về, không ai phải nằm lại”, ông kể và lặng người: “Mỗi đứa ngã xuống, mình như mất một người thân”.
Đơn độc trong rừng thẳm
Về tuyến sau, ông được máy bay trực thăng chở từ sân bay Điện Biên tới Bạch Mai (TP.Hà Nội), đưa xuống Bệnh viện Quân y 7 ở Hải Dương điều trị, sau đó an dưỡng tại Vĩnh Phúc. Thời điểm được phong danh hiệu AHLLVT, ông vẫn đang trong thời kỳ an dưỡng.
Năm 1982, do mức thương tật 41%, ông được cho về theo chế độ mất sức và bắt đầu cuộc sống nông dân ở vùng miền núi xa xôi tít miền tây Nghệ An. Làm ruộng được ít năm thì tỉnh thu hồi đất làm đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng; nhà còn 2 sào đất trồng sắn trên đồi, ông dồn sức vào những vốc đất cằn khô khốc để trồng nhiều vụ rau củ.
Mỗi sáng, người anh hùng 70 tuổi dậy từ rất sớm, xách nắm cơm, cá khô, ấm nước trà, túi trầu, lầm lũi đi bộ cả tiếng đồng hồ lên đồi cuốc xới, buổi trưa tìm bóng râm nằm ngủ, tối nhọ mặt người mới về nhà.
Năm rồi, UBND xã cấp cho ông 2 ha đất trồng rừng trong rú Ngàn Chô, sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, cách nhà vài chục ki lô mét đường rừng, đi bộ nửa ngày mới tới. Ông lại lụi hụi vào khai phá trồng trọt, dựng lán ở luôn trong rẫy có khi mấy ngày mới về. “Mình vào làm, nhiều bà con được phân đất trong nớ cũng học vào theo”, ông cười bảo vậy.
Tôi hỏi “Tiền chế độ của bác giờ được bao nhiêu?”, bà vợ ông mau mắn: “Tiền AHLLVT 1,1 triệu đồng/tháng, tiền bệnh binh là 2,6 triệu đồng”. Ông Trường cười giải thích: “Tôi bị thương xác nhận thương tật 41% nhưng không được thương binh bởi các anh ấy bảo thiếu mấy tháng nữa mới đủ 15 năm bộ đội và không tính mấy năm làm công nhân”.
Giấy chứng nhận AHLLVT của ông Nguyễn Xuân Trường phải gỡ xuống lau thường xuyên vì mưa dột và mối mọt trong căn nhà cũ
Nói thì vậy nhưng chục năm nay ông bà chỉ còn khoản 1,1 triệu đồng tiền AHLLVT để chi tiêu hằng tháng, bởi sổ lương bệnh binh đã thế chấp vay cho cậu trai út mua chiếc xe tải cũ chở học sinh THPT trong xã đi học cách đó cả chục ki lô mét.
Ngồi ngoài hiên căn nhà cũ nát, ông bảo: “Nhà xây từ 1990, muốn sửa lắm nhưng tiền lương dành mua xe chở bọn trẻ con đi học. Mưa gió bão bùng là chui xuống bếp trú, có đổ sập cũng toàn mái lá” và an ủi: “Hai thân già, sống được bao nhiêu nữa đâu”.
Ước ao lớn nhất của ông là được quay lại thăm điểm cao 551 mà ông đã gìn giữ 38 năm về trước. Ông bảo: Muốn đi lắm nhưng không có tiền và cũng chẳng biết đường. Suốt 38 năm nay, chuyến đi xa nhất của ông là ra Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Càng về già, tôi càng nhớ điểm cao mà đơn vị đã đóng giữ và chiến đấu không cho quân địch tràn xuống quốc lộ 12, kéo về tàn phá Điện Biên”, ông thở dài và lẩn mẩn: “30 chiến sĩ của tôi ngã xuống những ngày ấy, giờ vẫn quấn quýt với từng nắm đất, hòn đá nơi biên cương. Tôi không lên thăm lại là có lỗi với anh em”. Câu nói của ông hực lên, trong chiều miền Trung lành lạnh… (Còn tiếp)
Mai Thanh Hải