|
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý phương tiện chở quá tải, xe hết hạn đăng kiểm |
8 tháng ra quân không bằng 10 ngày “tổng lực”
Đó là câu nói vui nhưng rất thực tế mà Đại úy Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, cũng là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt khi trao đổi với PV Báo Giao thông đêm 13/1, sau hơn chục ngày Hà Tĩnh nhập cuộc xử lý xe quá tải: “Các biện pháp chúng tôi triển khai hiện không khác 8 tháng qua đã áp dụng: Kiểm soát ở nơi xuất, nhập hàng và xử lý phương tiện vận chuyển trên đường. Nhưng với cách xử lý cương quyết, không kiêng nể, đánh thẳng vào những “nhóm lợi ích” ngoan cố nhất nên công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng xe thực sự đã cải thiện”, Đại uý Hùng nói.
Trong các ngày từ 10-13/1, PV đã nhiều lần thị sát tại các khu vực trước đây là điểm “nóng” của xe quá tải, nhưng không phát hiện bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu cơi thùng, chở hàng quá tải. Tương tự, trên các tuyến QL1A, QL1B (tuyến tránh thị trấn Kỳ Anh), QL12C cũng hoàn toàn “vắng bóng” các loại xe này.
* Từ 1/1 đến nay, có 160 trường hợp phương tiện bị xử lý, nhưng chỉ có 30 xe quá tải và cơi nới thành thùng, còn lại 130 trường hợp bị phát hiện vi phạm quá hạn kiểm định hoặc hết niên hạn kiểm định. * Ngày 12/1, đại diện gần 20 mỏ đá ở Kỳ Anh thống nhất thành lập Hiệp hội các mỏ đá Kỳ Anh. Hiệp hội sẽ làm việc với các đối tác để đưa ra mức giá cước vận tải phù hợp, đồng thời ký cam kết đối với các loại xe ben từ 3 chân trở lên, như xe: Howo, Dongfeng, nếu vi phạm chở quá tải vượt quá 30% tải trọng thì bị phạt 100 triệu đồng, lần thứ hai 200 triệu đồng, lần ba là 300 triệu đồng. Ngoài việc phạt bằng tiền, các chủ mỏ cũng thống nhất sẽ cung cấp danh sách các xe vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục xử lý. |
Lý giải về điều này, Đại úy Hùng cho biết: “Suốt 5 ngày qua, chúng tôi vẫn duy trì đều đặn các tổ TTKS lưu động trên tuyến như trước, nhưng số lượng xe chở quá tải bị phát hiện gần như không có. Minh chứng rõ nhất là hiện có đến gần 100 xe (60%) trong tổng số xe hoạt động được các chủ xe, chủ DN tự đưa xe đi cắt bỏ phần thành thùng hàng cơi nới, các mỏ đã chủ động bốc, xếp hàng đúng tải trọng, không còn việc lái xe cố tình trốn tránh, lợi dụng thời điểm lực lượng chức năng không làm việc để “vượt trạm” .
Chiều 13/1, tại cảng Vũng Áng, nơi cách đây 10 ngày có 30 xe chở clinker quá tải đi vào cảng bị xử lý, ông Nguyễn Duy Linh, PGĐ Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào cho biết: “Tất cả các xe ra, vào đều phải xuất trình sổ kiểm định trước khi leo bàn cân để đối chiếu. Các xe đều chịu sự kiểm tra chéo của ba bộ phận: Quản lý kho hàng, bảo vệ và đội giám sát an toàn. Đến nay, cảng không tiếp nhận bất cứ trường hợp xe quá tải nào”.
Ông Trần Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, trước đây, lực lượng mỏng không thể phủ sóng hết địa bàn rộng lớn, lưu lượng xe cả nghìn lượt mỗi ngày, nhưng nay với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới nên việc kiểm soát tải trọng được doanh nghiệp vận tải, đơn vị khai thác mỏ thực hiện nghiêm túc.
Rời “lãnh địa”, chờ thỏa thuận giá cước mới
Đại úy Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau ba ngày lực lượng chức năng ra quân quyết liệt, một số các chủ xe, DN đã có ý định đưa phương tiện của mình “chạy” sang địa bàn khác để hoạt động tiếp. Vào 2h đêm 3/1, nhận được tin có năm xe “cơi thùng“ loại khủng của Sông Đà 5 đang di chuyển từ Kỳ Anh hướng ra phía Bắc, Đại úy Hùng đã chỉ huy Tổ công tác truy đuổi. Sau gần 20 km, Tổ công tác đã bắt kịp năm xe tại thị trấn Voi và buộc cả năm xe quay đầu trở lại Kỳ Anh. Năm xe này sau đó, ngoài việc bị lập biên bản xử phạt hành chính lỗi cơi nới thùng hàng, còn buộc phải cắt bỏ phần thành thùng cơi nới. Ngay sau đó, nhiều chủ xe đã ngoan ngoãn tự giác đưa xe vào cắt thùng cơi nới.
Do bị siết chặt, hiện nhiều DN kêu “khó” về giá cước vẫn tính theo đơn giá cũ và các chủ mỏ đã tạm ngưng khai thác. Động thái này có thể là nhằm tạo sức ép với khách hàng, chủ dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng để nâng giá sản phẩm bù vào giá cước vận tải. Tại các mỏ đá ở huyện Kỳ Anh mấy ngày qua cũng im ắng khác thường, mỏ đá Cơn Tria và rất nhiều mỏ khác đã “đóng cửa” .
Theo ông Đỗ Hồng Phú, Giám đốc mỏ đá Cơn Tria, trong mấy ngày qua, mỏ đã phải sản xuất cầm chừng vì các đơn vị vận tải không chở theo giá cước cũ mà chờ thoả thuận với bên mua hàng bởi giá bán không thể giảm.
Bà Phạm Thị Hảo, chủ DN vận tải Hòa Tiến cho biết: “Trước đây, chở 35 m3 giá cước 42 nghìn đồng/m3, sau khi cắt thùng chỉ còn 7 m3 do vậy giá cước thấp nhất cũng phải từ 180 -200 nghìn đồng/m3 mới đủ tiền dầu”.
Liên quan đến việc các mỏ đá “đồng loạt” tạm dừng hoạt động chờ nâng giá, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hiện đang cho cán bộ vào kiểm tra thực tế tại các mỏ, sau đó sẽ báo cáo UBND tỉnh.
Văn Thanh – Trần Lộc