Phụ huynh bị “móc túi”, học sinh học được gì?
Có biết bao phụ huynh đã “thắt lưng, buộc bụng” để dành một khoản tiền không hề nhỏ trả học phí cho con em mình tại các cơ sở như PL&DS đã đề cập ở bài viết Góc khuất các "trung tâm giáo dục" ở Hà Tĩnh- Kỳ 1: Nơi bị phạt "te tua", chỗ... bất chấp để mở
Nhưng họ đâu ngờ rằng con mình đang theo học tại một đơn vị dạy học “ngoài vòng pháp luật”. Ở đó, ngoài việc thu tiền học phí là điều hiển nhiên, thì chất lượng dạy và học, giáo trình, đội ngũ giáo viên…chỉ có chủ cơ sở biết!?
Để có thể tiến hành mở các cơ sở, trung tâm đào tạo giáo dục thuộc diện quản lý trong thông tư 04 của Bộ GD&ĐT thì bắt buộc phải tuân thủ Điều 4, Điều 5 và Điều 6 thuộc Chương II của Thông tư về nội dung điều kiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Ngoài ra khi các trung tâm này đi vào hoạt động phải có sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước. Hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, giảng dạy lại phải trải qua một quá trình hoạt động mới có thể đánh giá được.
Phụ huynh đâu biết rằng đằng sau sự phô trương, hoành tráng này là hành vi vi phạm pháp luật, họ đâu biết mình bị "móc túi" còn con cái thì biết có học được "chữ" gì ở những cơ sở giáo dục thế này? |
Trở lại với vấn đề các trung tâm giáo dục không phép tại tỉnh Hà Tĩnh, từ nông thôn tới thành phố Hà Tĩnh hàng chục đơn vị, cơ sở giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa đang tiếp tục được mở thêm. Nhiều phụ huynh chọn lựa được chỗ tốt cho con mình theo học, không ít người lại mất tiền vào các cơ sở đang hoạt động "chui".
Nhiều phụ huynh khá “ngạc nhiên”, thậm chí “tá hỏa”, lo lắng vì cứ nghĩ các trung tâm hoạt động công khai, quảng cáo chất lượng tốt, đội ngũ giáo viên dạy giỏi…đủ điều kiện nên đã cho con học. Họ đâu biết các trung tâm này hoạt động “chui” mà không bị các cơ quan nhà nước “tuýt còi”, mạnh tay “dẹp” để dân khỏi bị mất tiền.
Điều mà phụ huynh lo nhất, không biết thời gian qua con mình học cái gì, học chất lượng ra sao, khi mà những nội dung học chưa được cơ quan nhà nước đánh giá, thẩm định, chấp thuận mà vẫn đưa vào dạy học. Không biết những người “giáo viên” đó đã “nhồi nhét” chương trình gì vào đầu các em.
Những cơ sở mang tính giáo dục, là nơi hình thành nhân cách, sự trung thực, nhân văn mà lại hoạt động có dấu hiệu chỉ vì đồng tiền, lợi nhuận?. Đánh vào chủ trương không tổ chức dạy thêm học thêm tại các trường, các đơn vị này cứ thế "mọc lên" rồi hoạt động bất chấp chỉ để thu cho được những đồng tiền từ túi phụ huynh.
Các phòng giáo dục có dấu hiệu “tê liệt” về quản lý nhà nước?
Có một thực tế đáng báo động đó là công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh đang có dấu hiệu “trên nóng, dưới lạnh”. Thậm chí trên thì dứt khoát, chấn chỉnh, nhưng dưới thì nghe chừng đang “lúng túng”. Chính điều này khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp có “đất sống, cơ hội” và “bày trò” mở cơ sở đào tạo giáo dục không phép.
Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà, khi trao đổi với PV về việc người dân phản ánh một cơ sở dạy học tiếng Anh hoạt động chui, do bà D làm chủ, hoạt động ngay tại nhà riêng, mẹ bà D từng là chuyên viên phòng GD&ĐT huyện này…lúc đầu thì ông Phan Thanh Dân – Huyện ủy viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà trả lời: "Chưa nắm được". Nhưng sau đó lại nói rằng: “Từng được nghe trình bày việc bà D xin hướng dẫn làm thủ tục để dạy tiếng Anh nhưng rồi không thấy trình hồ sơ gì cả và cũng không thấy thông báo hoạt động…”.
Một ngày sau câu chuyện này, PV tiếp tục liên hệ xin biên bản kiểm tra để xem Trưởng phòng GD&ĐT huyện này có “sốt sắng” xem xét, kiểm tra về cơ sở dạy học của bà D hay không thì nhận được câu trả lời “lành lạnh” rằng: “Đang bận nên chưa thể kiểm tra được!”.
Còn câu chuyện tại huyện Cẩm Xuyên, liên quan tới hàng loạt các chi nhánh của trung tâm Anh ngữ và Toán trí tuệ Việt Á có dấu hiệu hoạt động nhưng chưa được cấp phép, vị Trưởng phòng giáo dục huyện này là ông Đặng Quốc Hiền cho biết sẽ cho kiểm tra lại và trả lời cho PV nhưng rồi “mất hút”. Để có câu trả lời, PV đã liên hệ lãnh đạo Sở để xác minh rõ thông tin đối với những chi nhánh này.
Nếu các Phòng GD&ĐT ở các huyện không chịu vào cuộc thì Sở GD&ĐT sẽ không thể "kham nổi" trước sự "sôi động" của những đơn vị, trung tâm tiếng Anh, Toán tư duy, Kỹ năng sống... |
Thời gian qua, trước những bài phản ánh của PL&DS về các tổ chức thành lập doanh nghiệp, tự ý mở trung tâm, cơ sở giáo dục để dạy chui, dù chưa được Sở GD&ĐT tỉnh thẩm định, cấp phép đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn bất chấp tuyển sinh, thu tiền bất chính của phụ huynh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã nghiêm túc tiếp thu phản ánh từ báo chí, với những hành động hết sức quyết liệt.
Với chỉ đạo từ lãnh đạo Sở, các phòng ban liên quan thuộc Sở đã trực tiếp xuống địa bàn, xác minh thông tin báo phản ánh đối với những đơn vị, trung tâm hoạt động giáo dục chui. Đồng thời lập biên bản, yêu cầu dừng ngay việc dạy học, tổ chức các hoạt động khi chưa được cấp phép.
Lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng ban thuộc sở làm việc nghiêm túc, vì học sinh, vì phụ huỵnh, thể hiện sự nghiêm khắc trong quản lý nhà nước là vậy. Trong khi đó ngược với sự cần mẫn, trách nhiệm này thì cấp dưới, điển hình như Trưởng phòng GD&ĐT hai huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên mà PV đã ghi nhận được thì cho thấy họ "đang lạnh”, “lạnh” với chính chức năng, nhiệm vụ và cả trách nhiệm với nhân dân.
Rõ ràng, để quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các cơ sở giáo dục lại tổ chức hoạt động giảng dạy khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép thì riêng Sở GD&ĐT không thể kiểm soát, kham hết được. Điều 13 trong Thông tư 04/2014 của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ trách nhiệm của phòng giáo dục. Với những trường hợp thiếu trách nhiệm thì đề nghị Sở giáo dục tỉnh Hà Tĩnh cần có biện pháp chấn chỉnh nghiêm.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh