Tin Hà Tĩnh

Kỹ nghệ “cải tiến” nhà dân sinh thành Học viện Saki và câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”

Bất chấp những quy định của luật pháp, thách thức cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp “nhào nặn” từ một căn nhà dân sinh hai tầng thành Học viện Saki để hoạt động “rầm rộ” giữa thành phố, thu tiền học phí của người dân.

Kỹ nghệ “cải tiến” nhà dân sinh thành Học viện !

Ở bài trước Chưa được cấp phép, Học viện Saki vẫn ầm ầm tuyển sinh, đào tạo, PL&DS đã thông tin về Học viện Saki vẫn "tự tung, tự tác" tuyển sinh đào tạo, tổ chức hội thảo dù chưa được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động.

Nghe qua cái tên Học viện Saki, chắc hẳn nhiều người vẫn nghĩ ngay đó là một nơi hoành tráng, được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên chuẩn…để thực sự là một môi trường đào tạo giáo dục bài bản, chuyên nghiệp dành cho người học.

Nhưng trên thực tế, Học viện Saki của Cty TNHH Dịch vụ - Đào tạo và cung ứng lao động Sao Kim (có trụ sở chính đặt tại TP Vinh, Nghệ An) do bà Đặng Thị Soa làm đại diện pháp luật lại được “cải tiến” từ ngôi nhà dân sinh "thổi phồng" thành một học viện hoành tráng.

Ngôi nhà dân sinh tại số 109 đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) khá chật hẹp được "cải tiến" thành 3 phòng, bao gồm: Một phòng tầng 1 và hai phòng tầng 2 với mục đích là để đào tạo, giảng dạy, tổ chức ăn bán trú.

Phía sau cái "mỹ từ" Học viện Saki thực chất được cải tiến từ một ngôi nhà dân sinh, ba phòng kín, thiếu ánh sáng vẫn được trưng dụng thành nơi đào tạo, dạy học

Phía ngoài ngôi nhà có nhiều biển quảng cáo với những hình ảnh đẹp đẽ cùng biển hiệu “Saki Open The World” (tạm dịch: Saki mở ra thế giới).

Liệu rằng, Học viện Saki có đủ điều kiện để được cấp phép theo đúng tinh thần, quy định trong thông tư 04/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/2/2014 Quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hay không? Cũng như tuân thủ những quy định tại Thông tư Số: 21/2018/TT-BGDĐT về nội dung Quy chế hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, tin học?

Không những vậy, dù chưa được bất kỳ một cơ quan thẩm quyền thẩm định cơ sở vật chất, thẩm định chương trình học, nhưng học viện này vẫn quảng cáo, mời gọi phụ huynh đăng ký học cho con và thu tiền.

Khóa học kỹ năng sống, khóa học toán tư duy có giá 500 nghìn nhưng nếu phụ huynh đăng ký trong tháng 5/2019 sẽ được giảm 10%. Sau khi được tư vấn, một phụ huynh sẵn sàng móc túi mình để gửi tiền cho nhân viên học viện này. Những tưởng coi như câu chuyện “hè này con sẽ học ở đâu” đã xong thì bất ngờ nhận được thông tin học viện mà họ đăng ký cho con theo học chưa có giấy phép, và thậm chí sau này có được cấp phép hoạt động không?

Sau khi PL&DS phản ánh về việc hoạt động "chui", ngay lập tức chủ cơ sở này "tung chiêu" xoa dịu phụ huynh qua tin nhắn.

Biết phụ huynh đang “ngồi trên” đống lửa khi có thông tin từ báo chí đưa lên, Học viện Saki đã nhanh chóng dùng "chiêu" gửi tin nhắn để “dỗ dành” phụ huynh. Với nội dung “Học viện Saki thông báo: Từ chiều thứ 6 ngày 24/5 đến 2/6 do thầy cô tập huấn nên các lớp nghỉ học, từ 3/6 các lớp học lại”.

Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” !

Khó có thể tin rằng, hoạt động rầm rộ ngay trên tuyến đường Nguyễn Du, một trong những tuyến đường phố chính, lớn của TP Hà Tĩnh và gần nhà của cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh nhưng Học viện Saki của bà Đặng Thị Soa lại “qua mặt” các đơn vị quản lý một cách “ngoạn mục”. Thậm chí, ngay cả ông Nguyễn Thăng Long - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du cũng “bất ngờ” về thông tin học viện này “mọc lên” và hoạt động thời gian qua khá rầm rộ.

Chỉ sau khi có thông tin phản ánh từ PL&DS thì Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh mới có động thái cụ thể. Thế nhưng, ngoài việc lập biên bản, yêu cầu chủ cơ sở này phải đóng cửa dừng hoạt động thì chưa thấy có đề xuất xử lý biện pháp xử lý nghiêm minh hơn với chủ doanh nghiệp mở Học viện chui này.

Phụ huynh bất ngờ khi báo chí thông tin việc Học viện Saki đang hoạt động chui, ngang nhiên thu tiền, tổ chức đào tạo, hội thảo của phụ huynh.

Trước đó, qua liên hệ làm việc, bà Soa yêu cầu chúng tôi cung cấp đủ giấy tờ pháp lý cùng với nội dung công việc, hứa sẽ liên hệ để làm việc nhưng nhiều ngày trôi qua, bà Soa vẫn “im lặng”. Một vấn đề khác được đặt ra: Chương trình Toán tư duy Soroban, Kỹ năng sống, Tiếng Anh... của học viện này quảng cáo đã có bản quyền nhượng quyền đào tạo hay chưa trong khi vô tư thu tiền của học viên?

Chưa được thẩm định cơ sở vật chất, chương trình đào tạo nhưng Học viện Saki đã dùng đủ mọi chiêu trò quảng cáo, tờ rơi, mạng xã hội với những "mỹ từ" khiến phụ huynh dễ cả tin mà "gửi vàng" cho họ.

Nhiều câu trả lời cần bà Soa sớm thông tin một cách trung thực và có trách nhiệm. Đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ hành vi thu tiền trái phép diễn ra tại học viện "chui" này.

Liên quan tới nội dung thông tin bà Soa là thành viên của Luật Thành Vinh, qua xác minh của chúng tôi từ Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cũng như Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Vinh thì không có danh sách bà Đặng Thị Soa (Sn 1984, Công Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Học viện Saki sau khi PL&DS phản ánh


Được biết, sau khi PL&DS thông tin, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã lập đoàn kiểm tra Học viện Saki. Liệu cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh có xử lý dứt điểm những dấu hiệu sai phạm của Học viện Saki?

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP