Tin Hà Tĩnh

Góc khuất các "trung tâm giáo dục" ở Hà Tĩnh- Kỳ 1: Nơi bị phạt "te tua", chỗ... bất chấp để mở

Những năm gần đây, tại tỉnh Hà Tĩnh, các trung tâm đào tạo tiếng Anh, Toán tư duy “mọc như nấm sau mưa”. Đi kèm với sự phát triển ào ạt này là những “góc khuất” mà ít ai ngờ...

Rầm rộ mở trung tâm dạy học "chui"!

Thời gian qua, PL&DS đã có nhiều bài viết về các trung tâm dạy tiếng Anh, Toán tư duy, Kỹ năng sống… nằm trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, một số chi nhánh, trung tâm giáo dục lại đang lợi dụng mục tiêu tốt đẹp hoạt động giáo dục, ngang nhiên hoạt động khi chưa đủ điều kiện pháp lý, thực hiện quảng cáo rầm rộ, làm "mê hoặc" phụ huynh để rồi vô tư “móc ví” họ.

Với những loại hình giáo dục này, dù Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD& ĐT) cũng đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/2/2014, kèm theo những quy định cụ thể về việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước khá nghiêm ngặt. Nhưng thực tế, công tác quản lý ở cơ sở còn quá nhiều bất cập, có sự dễ dãi khi thực hiện thẩm định…đó cũng chính là “kẽ hở” để nhiều người "lách luật", sẵn sàng làm trái để thu lợi bất chính.

Ngay giữa trung tâm TP Hà Tĩnh, học viện Saki dù không phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, chỉ khi PL&DS phản ánh mới bị Sở GD&ĐT xử lý.

Cụ thể, ở một số trung tâm, sau khi PL&DS có bài phản ánh, dù đã bị thanh kiểm tra, nhưng còn có đơn vị vẫn “cố đấm ăn xôi”. Không cho phô trương, quảng cáo rộng rãi thì các trung tâm này “lặng lẽ” hoạt động.

Điển hình như cơ sở giáo dục mang tên Học viện Saki tại số 109 đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh. Dù Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý rất quyết liệt, từ kiểm tra, đến văn bản chỉ đạo nhưng hiện nay, đơn vị này vẫn thường xuyên mở cửa, dường như là để chờ “cấp phép”.

Trong khi đó, đối chiếu quy định thông tư của Bộ GD&ĐT, đơn vị này khó đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chưa nói đến các điều kiện cần thiết khác để được hoạt động dưới cái tên thì nghe rất “oách” nhưng thực tế nơi dạy học lại nhà dân sinh.

Còn tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà một người có tên là D, trú xã Thạch Châu là con gái ruột của một vị chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà vừa nghỉ hưu, dù chưa có bất kỳ một thủ tục pháp lý (chưa được thẩm định năng lực, chưa được thẩm định cơ sở vật chất, giáo án, tài liệu, chương trình giảng dạy)…nhưng bà D vẫn tổ chức quảng cáo rầm rộ, biển bảng phô trương, tuyển sinh và dạy tiếng Anh cho học sinh đủ mọi lứa tuổi.

Hoạt động đã được một thời gian dài, cơ sở dạy tiếng Anh này của bà D dù không có giấy phép nhưng vẫn "nổ" dạy chương trình Bộ GD&ĐT nhưng Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà kêu bận chưa kiểm tra

Mỗi học sinh cứ thế đóng 1 triệu đồng/ khóa học, biến nhà riêng thành “trung tâm” dạy học. Bà D còn “nổ” với phụ huynh đăng ký cho con học rằng chương trình mình dạy là của Bộ GD&ĐT, hay nói cách khác là chương trình chuẩn nên cứ an tâm đóng tiền mà học. Điều đáng kinh ngạc là dường như chủ trung tâm này bất chấp với sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí thách thức luôn cả dư luận.

“Thùng càng rỗng, kêu càng to… ”!

Không chỉ coi thường kỷ cương phép nước, pháp luật, “thách thức” cơ quan quản lý nhà nước mà các tổ chức, cá nhân này còn có dấu hiệu lừa dối phụ huynh để đút túi những khoản tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Cụ thể, như hệ thống chi nhánh của Trung tâm Anh ngữ và Toán trí tuệ Việt Á. Qua tìm hiểu được biết, đơn vị chính không nằm tại tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị mới thành lập tại tỉnh Hà Tĩnh chỉ là những chi nhánh thuộc hệ thống. Với vẻ ngoài khá quy mô, hoành tráng, quảng cáo rầm rộ…các chi nhánh này vẫn liên tục tuyển sinh đào tạo với số tiền 5 trăm nghìn/ khóa học/ 12 buổi cho Anh ngữ và tương tự với môn Toán tư duy dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

"Chơi trội" hơn các đơn vị khác, Trung tâm Anh ngữ và Toán trí tuệ Việt Á có tới hai chi nhánh tại huyện Cẩm Xuyên rầm rộ khai trương, tuyển sinh, thu tiền...

Trong vai phụ huynh cần cho con theo học, PV đã thực sự “choáng” với cách phô diễn về “tài năng” của những người được coi là chủ các chi nhánh tại cơ sở và đặc biệt là sự “lắt léo” của một người tự xưng bà X - chủ toàn bộ chi nhánh trung tâm Anh ngữ và Toán trí tuệ Việt Á tại Việt Nam. Chưa được cấp phép hoạt động, nhưng đã bất chấp cơ quan quản lý nhà nước, cải tạo nhà dân sinh thành trung tâm dạy học. Dựng biển hiệu quảng cáo hoành tráng rồi vô tư tuyển sinh, đào tạo.

Khi PV đề cập tới vấn đề giấy phép hoạt động, pháp lý đâu mà tự ý hoạt động khi chưa có cấp phép theo quy định của Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT thì những người “dựng lên” các chi nhánh đó tuyên bố "cứng", rồi sẽ được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cấp phép trong nay mai!?

Hiện tại trung tâm Anh Ngữ và Toán trí tuệ Việt Á đã có chi nhánh tại xã Cẩm Duệ và chi nhánh tại xã Cẩm Thành. Qua xác minh của PV, ở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh thì chưa được cấp phép hoạt động. Còn đối với hoạt động của đơn vị này ở các tỉnh thành khác, PL&DS sẽ tiếp tục làm rõ trong các bài viết sau.

Quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, với những lời lẽ có cánh về lợi nhuận

Kinh ngạc hơn, qua tìm hiểu trung tâm Anh Ngữ và Toán trí tuệ Việt Á mới thấy quả đúng là đơn vị này đang “kinh doanh bằng giáo dục”, với những ngôn từ hết sức “choáng” như chỉ từ 35 triệu trở thành đối tác chi nhánh là thương hiệu nhượng quyền của Việt Á, cam kết lợi nhuận 30 triệu/ tháng và có thể lên tới 800 triệu ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Đúng là "chiêu trò" hệt như các công ty “đa cấp”.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP