hatinh24h

Chiến lược phát triển không gian xanh bền vững

Xây dựng không gian xanh hiện đang là mục tiêu hướng đến của nhiều đô thị, nhất là đô thị trẻ. TP Hà Tĩnh, với những lợi thế và đặc trưng riêng của mình cũng đang thực hiện mục tiêu xây dựng một đô thị bền vững, văn minh, hiện đại có không gian thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, hiện nay, trong quy hoạch của TP đã chú trọng việc quy hoạch cây xanh đường phố và cải tạo các điểm cây xanh công cộng hiện có nhằm định hướng phát triển hệ thống cây xanh – công viên, góp phần xây dựng không gian, diện mạo TP trẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị.

Theo đó, quy hoạch hệ thống cây xanh kết nối từ khu vực đô thị hiện hữu đến các khu đô thị mới và hệ sinh thái tự nhiên – nông nghiệp gắn kết hệ sinh thái sông nước bao quanh TP, nhằm đảm bảo phát triển hệ sinh thái bền vững cho toàn đô thị.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy cảnh quan kiến trúc trên địa bàn, Quy hoạch nhấn mạnh việc bảo tồn và phát triển các vành đai xanh gắn với mặt nước khu vực phía đông nhằm hạn chế sự ô nhiễm mỏ sắt Thạch Khê đối với TP; phát triển hệ thống cây xanh tại giải phân cách dọc các tuyến giao thông chính, đường bao quanh TP, tăng cường hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến phố và vườn hoa, tiểu công viên trong các khu dân cư, các cơ quan, xí nghiệp.

Xây dựng công viên trung tâm và công viên hoa tại Thạch Hưng và xã Thạch Trung; cải tạo công viên Bồng Sơn thành công viên thể thao phục vụ hoạt động thể thao của người dân TP; gìn giữ các hoạt động nông nghiệp tại một số khu vực trong TP để duy trì cảnh quan nông nghiệp tạo sự đa dạng về không gian xanh, hệ sinh thái bền vững cho TP; phát triển các khu sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu cho đô thị; hình thành làng nghề trồng hoa, cây cảnh kết hợp du lịch nông nghiệp tại xã Thạch Môn.

Hệ thống cảnh quan chưa đồng bộ

Lộ trình thực hiện việc phát triển hệ thống cây xanh nói riêng và từng bước nâng cấp đô thị mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng còn không ít khó khăn. Đối với tiêu chí cây xanh đô thị, TP Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn nợ chuẩn của đô thị loại III và việc đạt chuẩn còn một khoảng cách khá xa. Theo thống kê, tổng diện tích cây xanh TP hiện đạt 12,3ha với 4.321 cây, gồm 48 loại. Tỷ lệ cây xanh chia cho đầu người của TP hiện đạt mức 1,5m2/người, trong khi đó, chuẩn đô thị loại III là 2m2/người và loại II là 2,3m2/người.

Bên cạnh đó, nhìn chung, cây xanh đường phố phần lớn còn lộn xộn về chủng loại và hình thức; mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về cải tạo môi trường sống chứ chưa có nhiều điểm tạo được không gian văn hóa mang giá trị tinh thần cho người dân.

Giữa thành phố biếc xanh…

Mạng đường nội thị TP Hà Tĩnh hiện đang được cải tạo mở rộng nhưng chưa đồng bộ với việc cải tạo và xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng khác. Mặt lát vỉa hè chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều tuyến đường vỉa hè quá nhỏ như Lý Tự Trọng, vỉa hè lẫn lòng đường như Nguyễn Huy Tự, Xuân Diệu, vỉa hè bị lấn chiếm như Nguyễn Công Trứ, vỉa hè khấp khểnh như Hải Thượng Lãn Ông, Phan Đình Giót…

Hệ thống cây xanh được trồng tự phát, chưa có chiến lược và chưa có quy hoạch phát triển hệ thống nên các kết quả thu được còn hạn chế. Hệ thống cây xanh tập trung từ cấp TP đến cấp phường và khu dân cư đều chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Chưa hình thành các tuyến, điểm, diện cây xanh phân bố đều trong đô thị. Diện tích cây xanh còn thấp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của đô thị loại III. Cây xanh hiện nay chỉ đáp ứng được một phần về cải tạo môi trường vi khí hậu (giá trị vật chất) mà chưa đóng góp nhiều về cảnh quan, chưa tổ chức được thành không gian hoạt động văn hóa vui chơi giải trí (giá trị tinh thần) cho người dân TP.

Mặt khác tổ chức cây xanh hiện trạng đường phố Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do vỉa hè luôn có đường điện trên cao cắt qua các tán cây mới trưởng thành và đường cống thoát nước mưa chạy giữa vỉa hè, thậm chí nhiều tuyến đường cống kỹ thuật chạy không thẳng hàng, lộn xộn, đoạn có đoạn không… gây khó khăn cho việc bố trí các hố trồng cây.

Huy động nguồn lực xã hội hóa

Ông Nguyễn Duy Bằng – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh chia sẻ: Do chi phí phát triển hệ thống cây xanh rất lớn trong khi nguồn ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế. Việc phát triển, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở những tuyến phố đã hình thành khá lâu gặp khó khăn do trước đây chưa quy hoạch khoảng trống nên cây không đủ diện tích đất để sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, hệ thống đường điện chằng chịt vắt qua các tán cây mới trưởng thành đã hạn chế tốc độ phát triển cũng như các ý tưởng xây dựng không gian cây xanh đô thị.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về việc xã hội hóa nguồn lực trồng cây xanh, đầu năm nay, UBND TP đã chỉ đạo, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, DN đóng trên địa bàn góp nguồn lực và giao Đoàn Thanh niên tổ chức khâu nối, tiếp nhận, tổ chức trồng trên các tuyến đường theo chỉ đạo của ngành chuyên môn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị như Sở GD&ĐT, Bộ Chỉ huy Biên phòng, Tỉnh đoàn…; xã Thạch Trung, Thạch Yên đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Ông Hoàng Trung Dũng – Bí thư Thành ủy cho biết: Việc xã hội hóa trồng cây xanh cho TP không chỉ huy động được nguồn lực của cả cộng đồng mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Cùng với việc tăng cường sự đầu tư của ngân sách Nhà nước, thì đây chính là hướng thu hút nguồn lực hiệu quả bền vững đối với nhiệm vụ phát triển hệ thống cây xanh TP trong thời gian tới.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận, ông Đặng Quốc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Triển khai có hiệu quả quy hoạch TP nói chung, quy hoạch cảnh quan đô thị nói riêng sẽ là bộ mặt của TP, là điểm nhấn về mặt mỹ quan, về du lịch, về văn hóa của tỉnh nhà…”.

Để triển khai đồng bộ và hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định 3926/QĐ-UBND, giải pháp trước mắt là đầu tư thay thế dần các chủng loại cây nằm trong diện cấm trồng đường phố trên các tuyến đường, đầu tư trồng mới cây xanh theo quy hoạch trên các tuyến đường mới; Cần phải đầu tư để có được một vườn ươm để phục vụ lợi ích cho TP; Quy hoạch các tuyến đường mới, các khu đô thị mới cần phải đưa quy hoạch cây xanh vào dự án. Phải trừ khoảng đất trồng cây trên vỉa hè để cây có thể sống và phát triển; Quy hoạch mới phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng; Cần phải có phương án để hạ ngầm hệ thống dây điện và các loại dây thông tin khác trên các tuyến đường đang treo chằng chịt trên cột điện, trên cây xanh. Vừa mất mỹ quan đô thị, mất an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh; Chú trọng đầu tư và nhân rộng thêm khu vui chơi như công viên, hồ điều hòa, mảng rừng cây xanh trong TP để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân đô thị.

Hơi thở mùa Xuân đã ngập tràn không gian. TP trẻ đang bừng thức sức sống mới. Hy vọng trong tương lai gần, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ để những dự định, kế hoạch, mục tiêu sớm hoàn thành. Và TP trẻ mỗi ngày thêm biếc xanh…

Tuyết Mây/ Xây Dựng