Danh Nhân

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, một trí thức tận trung với nước

Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) sinh tại làng Yên Hồ, huyện Ðức Thọ, trong một gia đình, một dòng họ nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Ông sớm mang trong mình những tố chất đặc biệt: Hiếu học và học giỏi; yêu nước và tận trung với nước; sự quyết chí và kiên định.

Năm 1936, đang là sinh viên Luật khoa, do kết quả học tập xuất sắc, ông được nhận học bổng đi Pháp của một tổ chức tự nguyện là Hội Khuyến khích du học. Năm 1937, ông lấy bằng cử nhân văn chương và triết học ở Pa-ri. Có lẽ ông sẽ trở thành công chức hay nhà khoa học người Pháp nếu năm 1946 Bác Hồ không sang Pa-ri để vận động hòa bình và kêu gọi các trí thức về nước tham gia kháng chiến.

Cách đây không lâu, tôi được gặp bác Lê Tâm, người kỹ sư thiết kế và chỉ đạo thi công mở rộng con đường từ Lạng Sơn về Thái Nguyên, tức “Ðường Bắc Sơn – Ðình Cả – Thái Nguyên”, “Ðường ta rộng thênh thang tám thước” như trong thơ Tố Hữu viết. Bác Tâm học cùng trường với GS Trần Ðại Nghĩa. Chuyến tàu của bác Tâm và GS Hoàng Xuân Nhị về trễ, đúng ngày 23-12-1946, ngày Toàn quốc kháng chiến mới về đến Xin-ga-po. Ở Hải Phòng có đánh nhau to, tàu phải cập cảng Sài Gòn. Bác Tâm về quân giới, trở thành người chế súng bắn được xe tăng và tàu thủy Pháp y như GS Trần Ðại Nghĩa ở Việt Bắc.

Còn GS Hoàng Xuân Nhị thì được giao phụ trách công tác văn hóa, được coi là trí thức lớn của Nam Bộ. Tại bưng biền, năm 1947, GS được được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Văn hóa Kháng chiến. Ông sáng lập báo La Voix du Maquis (Tiếng nói kháng chiến), là tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Cùng với tờ La Voix du Maquis, công tác địch vận của chính phủ kháng chiến khiến binh lính Âu, Phi trong quân đội Pháp theo kháng chiến ngày càng nhiều. Do giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ðức… GS Hoàng Xuân Nhị được giao làm chính trị viên của binh đoàn quốc tế gồm các binh sĩ rời bỏ hàng ngũ của Pháp.

Khi ngành văn hóa thống nhất với ngành giáo dục, GS Hoàng Xuân Nhị được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha giáo dục Nam Bộ. Ông là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ; Ủy viên Khu ủy Khu 9.

Năm 1949, GS Hoàng Xuân Nhị chủ trì mở lớp sư phạm đặc biệt mang tên Phan Chu Trinh đào tạo đội ngũ giáo viên, trí thức mới cho Nam Bộ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hoàng Xuân Nhị tập kết ra Bắc, làm giáo sư tại Trường đại học Sư phạm, đại học Tổng hợp Hà Nội; Chủ nhiệm khoa Ngữ – Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1957 đến năm 1982.

Khả năng vượt trội về lòng quyết tâm và sự tự học của ông thật đáng kinh ngạc. Lẽ ra ông được phân công và có thể xin dạy văn học Pháp, văn học Ðức hay văn học Anh, Mỹ. Song, văn học Pháp thì đã có GS Nguyễn Mạnh Tường. Các môn khác chưa có trong chương trình. Mà văn học Nga thì cần. GS Hà Minh Ðức trong cuốn “Tài năng và danh phận” (NXB CTQG, 2014), một học trò và sau là đồng nghiệp, cùng tổ bộ môn của thầy Nhị kể rằng: “Thầy Hoàng Xuân Nhị có năng khiếu về ngoại ngữ và thuận lợi là đã biết nhiều thứ tiếng châu Âu như Pháp, Ðức, Anh,… nên việc học tiếng Nga tuy khó khăn nhưng thầy đã hoàn thành trong vòng 5 – 6 tháng để có thể nghiên cứu và dịch nhiều tác phẩm văn học Nga”. Với những bài giảng sinh động, với việc dịch các tác phẩm văn học Nga – Xô-viết, nhất là bộ “Lịch sử văn học Nga – Xô-viết” gồm năm tập được dùng trong tất cả các trường đại học; có thể nói GS Hoàng Xuân Nhị là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra cuộc tiếp xúc của văn học Việt Nam với một nền văn học vĩ đại của nước Nga và các nước Xô-viết. Ông cũng là người đã dịch bộ sách “Nguyên lý Mỹ học Mác – Lê-nin” (năm 1961) hàng nghìn trang; đem đến cho sinh viên và giới học thuật nước nhà những quan điểm mới và có hệ thống về mỹ học Mác – Lê-nin. Về văn học Việt Nam, ông chọn thơ Bác là sự nghiệp nghiên cứu và chuyên đề giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Việc lựa chọn này không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với Bác mà còn thể hiện sự nhạy cảm của một nhà nghiên cứu biết chọn những đề tài có giá trị.

Nhắc đến những đóng góp về khoa học của GS Hoàng Xuân Nhị, thể hiện một tình cảm sâu sắc của ông đối với dân tộc, với cách mạng còn là việc dịch ra tiếng Pháp Chinh phụ ngâm, Lưu Bình – Dương Lễ trước năm 1945; dịch và giới thiệu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh sau năm 1975. Chinh phụ ngâm được xuất bản tại NXB Mercure de France có lời giới thiệu của nhà triết học, nhà thơ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Pôn Va-lê-ry. Sách đã được tái bản nhiều lần.

GS Hoàng Xuân Nhị đã có công lớn trong việc đào tạo thầy và trò ở Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Những người có ảnh hưởng xã hội, được yêu mến và thường được truyền tụng với nhiều giai thoại.

Khi tôi vào trường, được nghe kể nhiều chuyện về thầy Nhị. Nào là để thể hiện quyết tâm học tiếng Nga, thầy đã cắt trọc đầu, thề rằng khi tóc tốt là khi làm chủ được tiếng Nga. Nào là chuyện cưỡi trâu đi họp khi trường sơ tán ở Ðại Từ (Thái Nguyên). Thầy Hà Minh Ðức kể thầy Nhị thường hay có “sáng kiến”, như việc mắc màn trùm cả bàn ghế để làm việc. Anh Nguyễn Ngọc Ký kể, nhà thầy ở sơ tán mà vẫn lắm sách. Sách tiếng Việt. Sách tiếng Tàu. Sách Pháp. Sách Nga. Sách bìa thường. Sách bìa cứng. Có cuốn dày cả nghìn trang, nặng tới mấy cân. Sách xếp chồng bên phải, bên trái. Sách xếp đằng trước, đằng sau. Sách ngự trên gác cao. Sách nằm la liệt đầy ắp cả dưới gầm giường. Mỗi lần giảng thơ Bác, thầy lại khóc. Thầy nhớ Bác, thương Bác chân thành, khóc từ năm 1969, cho đến năm 1974, dạy chúng tôi thầy vẫn khóc.

Có vẻ thầy Nhị là người đa phong cách. Thầy nhớ rất kỹ một đoạn văn trong tác phẩm nhưng quên tên ngay cả đồng nghiệp trong khoa. Thầy có mái tóc bạc phơ, dáng vẻ đạo mạo nhưng lại rất hồn nhiên, hóm hỉnh. Lại có thơ về thầy Nhị rằng:

Thầy Nhị nét mặt tươi cười

Mái đầu tóc bạc, mình ngồi Simson

Văn khoa là một giang sơn…

Ghi nhận công lao của GS Hoàng Xuân Nhị, ở TP Hồ Chí Minh đã có một đường phố mang tên ông. Nhưng còn có một con đường Hoàng Xuân Nhị trong niềm thương nhớ và kính yêu của những người Nam Bộ kháng chiến và các thế hệ học trò của ông…

NGUYỄN SĨ ÐẠI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP