Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Mỗi người con của xứ Nghệ xa quê nay trở về, lòng ai cũng nao nao khó tả. Mỗi du khách chưa một lần vô xứ Nghệ, nay có dịp nghĩ suy, chiêm ngưỡng, cảm xúc dâng trào.
Thời Bắc thuộc, Nghệ An và Hà Tĩnh có cái tên chung là Hoan Châu; đời Lý – Trần là Nghệ An châu; năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông, vùng đất này được gọi chung là xứ Nghệ. Năm 1831, vua Minh Mạng chia xứ Nghệ thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau đó sáp nhập gọi là An Tĩnh, rồi lại chia tách. Năm 1976, đất nước thống nhất, Nghệ An và Hà Tĩnh một lần nữa sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Nghệ Tĩnh lại chia tách thành Hà Tĩnh và Nghệ An. Dù tách hay nhập – trải qua nhiều thời kỳ, hàng trăm năm nay, cốt cách – văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán Hà Tĩnh – Nghệ An vẫn là một xứ Nghệ “Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”; vùng đất của cá gỗ, áo tơi, một xứ Nghệ “quê choa” có kẹo cu đơ, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn; nồi đất kho cá, cơm niêu chở đầy đường cái quan, để rồi “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”, “Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An”!
Phía Đông là “nước biếc”, đại dương bao la; phía Tây là “non xanh”, núi rừng trùng điệp. Nhiều đoạn núi hình vòng cung lan tận biển, tạo nên những danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn. Địa linh nhân kiệt – vùng đất của những người con hiền tài. Dân Nghệ dù bám trụ hoặc ra đi, ở bất cứ phương trời nào cũng rất nghĩa tình, thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Xứ Nghệ, do hoàn cảnh khách quan đã tạo nên cái sự “gàn”
trong tính cách của con người nơi đây. Người xứ Nghệ bám trụ đến cùng với cái nơi “thiên không thời, địa không lợi” – đất cằn đá sỏi, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, không cam chịu nghèo khó, gắng học hành đỗ đạt, góp sức mình dựng xây quê hương, đất nước!
Người ta nói, thời nào cũng vậy, dân Nghệ học giỏi, đỗ đạt cao, làm quan to, giữ nhiều trọng trách trong chính quyền. Dân Nghệ “học gạo”, học để mà đi, mà thoát thân. Chuyện cậu học trò nghèo ăn cơm cá gỗ, cũng là chuyện “học gạo” mà nên. Dân Nghệ trụ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” hơn 4 triệu người; dân Nghệ tỏa muôn phương lập nghiệp cũng bằng phân nửa, vị chi cũng là 6-7 triệu, chứ có ít ỏi gì đâu. Ở TP Đà Lạt, từ năm 1920 đã có hẳn một làng cả mấy trăm nhân khẩu, trăm phần trăm là dân Đức Thọ. Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái, công dân làng Nghệ xứ hoa đào tự hào: “Làng do quan đại thần triều đình Huế Phạm Khắc Hòe và cụ Nghiêm Trang lập ra, tồn tại hơn 9 thập niên mà vẫn rất Nghệ, cốt cách Nghệ”!
Các vùng miền khác trên cả nước, ở Bắc Mỹ và châu Âu, châu Á cũng hình thành nhiều làng xã, khu phố Nghệ tương tự. Ra đi, lập nghiệp, lập thân nơi xứ người, sự cố kết – tương thân tương ái tạo nên sức mạnh để người xứ Nghệ có cơ hội là phất lên thành triệu phú, tỷ phú. Trần Đình Trường, Trần Đình Chính, đứng đầu tập đoàn kinh doanh khách sạn, bất động sản tại Mỹ; Phạm Nhật Vượng là doanh nhân nổi tiếng xứ Bạch Dương… Việt kiều gốc Nghệ ở các quốc gia Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu và châu Á, châu Úc đông đảo. Nhiều người phát đạt thành triệu phú, tỷ phú, rồi chung tay góp sức xây dựng quê hương. Tạp chí Văn nghệ Quân đội có thời kỳ quá nửa nhà văn, nhà thơ quê Nghệ, bởi thế mới có biệt danh “Văn đội quân Nghệ”. Không chỉ nghiệp văn mà nghiệp báo cũng vậy, ước tính, hơn một phần tư nhà báo cả nước là người Nghệ An, Hà Tĩnh; gần 100 tổng biên tập, phó tổng biên tập và chức vụ tương đương trong số hơn 750 cơ quan báo chí cả nước. Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành người xứ Nghệ cũng không ít, họ xa quê để cống hiến cho đất nước, để… thoát nghèo và làm rạng danh một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hiếu học.
Phạm Quốc Toàn (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)
Báo Hà Tĩnh