Tuỳ bút Quê hương

Đức Thọ: Cuốn Lý lịch quân nhân của một người lính Điện Biên Phủ

Ông tham gia quân đội tháng 10 năm 1945, sau 9 năm tham gia chiến đấu, năm 1955 ông được phục viên theo nguyện vọng. Chiến tranh kết thúc ông trở về xây dựng gia đình, ông chọn cái tên Nguyễn Quốc Thắng để đặt cho người con trai cả với ngầm ý TỔ QUỐC ĐÃ CHIẾN THẮNG.

Đó là cuốn Lý lịch quân nhân của một người lính đã sống và chiến đấu suốt 9 năm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Người lính ấy là ông Nguyễn Văn Khâm, quê Đức Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.Có lẽ cũng không cần phải viết nhiều vì cuốn Lý lịch quân nhân này đã nói lên tất cả.

60 năm đã qua, những trang giấy đã ố vàng, những  nét chữ đã mờ đi theo thời gian, nhưng đây là kỉ vật vô giá của gia đình ông.

Còn nhớ, năm 2004 kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người con dâu cả của ông tham gia trong Đoàn đại biểu của tỉnh Nghệ An đi dự lễ kỉ niệm ở Điên Biên. Quà của 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là tấm hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp được in lên cái đĩa rất đẹp, cô con dâu mang quà này về tặng ông, khi đó ông đang ốm nặng và đã yếu đi rất nhiều, ông ngắm bức hình và thốt lên “Đại tướng đẹp quá”, rồi ông để cái đĩa ấy lên ngực mình và nước mắt trào ra. Có thể ông đang nghĩ về Đại tướng, người chỉ huy cao nhất của ông, cũng có thể ông đang nghĩ về một thời hào hùng, một thời tuổi trẻ của ông trên mọi chiến trường.

Thỉnh thoảng  ông nhắc về sự hi sinh, đổ máu rất lớn của đồng đội ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên, ông nói, điều này thì ai cũng biết. Tuy vậy, sự thiếu thốn về vật chất không phải ai cũng biết: Đói, rét, rận rệp, ốm đau thiếu thuốc men, vũ khí đạn dược ít ỏi… nhưng tuổi trẻ đã vượt qua tất cả và các ông đã làm nên chiến thắng diệu kì.

Người lính ấy cùng đồng đội đã chiến đấu ở nhiều chiến trường và cũng đã có những chiến công.

Xin giới thiệu cuốn Lí lịch này để bạn đọc biết thêm về một người lính, một giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua của dân tộc:

Đã được khen thưởng lần nào chưa? Lúc nào? Lý do khen? Hình thức khen và cán bộ quyết định khen?

4-48: Được BCH Trung đoàn Hà Tĩnh  cấp bằng khen, lý do ở mặt trận Ba na fào chặn viện đánh tan một đại đội địch giết 37 tên bên ta vô sự (trung độ phó)

49: Được Ban giám đốc Trường quân chính tuyên dương 2 lần vì tích cực học tập và công tác

53-54: Được Tiểu đoàn biểu dương 5 lần trong công tác lãnh đạo đơn vị học tập, công tác bà bổ sung quân Điên biên phủ

54: Được đại đội biểu dương 1 lần trong công tác lãnh đạo học tập kết quả

Đã tham gia chiến dịch nào? (Trực tiếp chiến đấu hay gián tiếp). Đã tham gia những trận có thành tích gì?

–         Đã tham gia mặt trận Quảng bình, trực tiếp chỉ huy đơn vị tác chiến (Trung đội phó)

–         Mặt trận Thừa Thiên trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu

–         Mặt trận Ba-na-fào chỉ huy đơn vị tác chiến

–         Mặt trận Na-pê phòng thủ mặt trận

–         Tham gia chiến dịch Điện biên fủ làm nhiệm vụ bổ sung quân

Trong trận Ba na fào chỉ huy một tiểu đội đánh tan một đại đội địch giết 37 địch fá tan kế hoạch tiếp viện của địch bên ta vô sự

LỚP HUẤN LUYỆN ĐÃ QUA

          1946: Lớp đào tạo chính trị viên trung đội 40 ngày do tỉnh đội Quảng bình mở

          1946: Lớp kháng chiến học hiệu đào tạo cán bộ trung đội do khu IV mở 2 tháng

          10-1949: Bổ túc đảng viên mới 20 ngày do hiệu ủy Trường quân chính khu IV mở

          1949: Bổ túc cán bộ Trung, đại đội 8 tháng do Bộ Tư lệnh khu IV mở

          1951: Chỉnh huấn chính trị sơ cấp do Bộ tư lệnh khu IV trực tiếp lãnh đạo 4 tháng

          1952: Quân sự mới 15 ngày do Trung đoàn 44 mở

          1953: Nghị quyết tổ chức, Trung đoàn 44 mở

                   Chỉnh quân chính trị 2 tháng 10 ngày trung đoàn 44 mở

          1954: Tài liệu chi bộ Đảng ra công khai

                   Cải cách ruộng đất phát động quần chúng

          1955: Nghị quyết Trung ương Đảng Lao động Việt nam 15 ngày

THUYÊN CHUYỂN TRONG QUÂN ĐỘI

(theo thứ tự tháng năm, trước sau)

45: Chi đội Đội cung, chiến sĩ

1-3-46: Học trường kháng chiến học liệu

3-46 ~12-47: Tiếp phòng quân Quảng bình , b phó

12-47~4-48: Mặt trận Thừa thiên, b phó

4-48~7-48: Mặt trận Quảng bình, b phó

7-48~7-49: Mặt trân Ba na fào, b phó

8-49~10-49: Mặt trận Na pê, b phó

10-49~4-50: Trường quân chinh Khu IV, b trưởng

4-50~6-50: Lục quân trung bộ, b trưởng

6-50~12-50: Cục quân huấn, đại đội phó phụ trách tác huấn

12-50~8-51: Tỉnh đội Thanh hóa c phó phụ trách lớp huấn luyện tiểu đội

8-51~10-51: E44 đại đội phó phụ trách huấn luyện

10-51 đến nay: E44 trung đội trưởng huấn luyện

NHẬN XÉT CỦA THỦ TRƯỞNG

(Cho giải ngũ hoặc chuyển nghiệp)

          Tư tưởng: Nặng gia đình nay chán sinh hoạt bộ đội muốn về hậu phương lo gia đình

          Trách nhiệm: Trước ý thức xây dựng đơn vị còn thiếu, ít công tác và sinh hoạt. Học tập Nghị quyết Trung ương tiến bộ nhiều, đã công tác, học tập, sinh hoạt khẩn trương và sát sao lãnh đạo q/c xây dựng cho q/c.

          Đoàn kết đấu tranh: Trước ít phê bình q/c và tự lãnh đạo thiếu, như tự ái phát ngôn, nay tiến bộ nhiều, đã phê bình phân tích xây dựng cho q/c. Trong học tập đã tự liên hệ sai lầm của mình. Phê bình có tiếp thu sửa chữa. Đối với anh em dễ thông cảm.

          Tổ chức tính: Trước ít chú ý. Nay tiến bộ nên mọi chế độ sinh hoạt đều chấp hành đầy đủ, có ý thức học hỏi anh em.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP