Di tích - Thắng cảnh

Đồng Lộc – Một thời đạn bom, một thời hòa bình.

Trở lại Đồng Lộc ngày rét nàng Bân thả những luồng se lạnh dịu ngọt vào không gian âm u, tôi như thấy những ồn ào của đời sống trong mình bỗng nhiên lắng lại. Từ trên miên man đồi núi tím ngát sim, mua nhìn về làng mạc thấy đâu đâu cũng tràn căng một sức sống mới – một Đồng Lộc máu lửa, chìm trong đạn bom giờ chỉ còn là quá vãng xa xôi…

Một thời đạn bom


Nhà thơ Huy Cận từng có những câu thơ rất triết lý về Đồng Lộc: “…Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam…”. 35 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 35 năm hàng triệu người dân Việt Nam sống trong niềm hạnh phúc lẫn nỗi hoài vọng về những mất mát đau thương của đồng bào. Và hôm nay trong mỗi trái tim Việt Nam chân chính sẽ luôn đập những nhịp đập biết ơn sâu sắc, luôn biết hướng lòng mình về những con người, những miền quê đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hàng hàng những địa danh lịch sử, Đồng Lộc với trái tim của mình – Ngã ba Đồng Lộc của thời đạn bom là một trong những địa chỉ đỏ cho những tấm lòng tri ân ấy.


Trong thời khắc cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, Ngã ba Đồng Lộc là một trọng điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại đây, không kể ngày đêm, đế quốc Mỹ đã ném xuống 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi mẹ các loại, 94 quả rốc két. Đáp trả lại hành động dã man đó, quân và dân ta đã ngày đêm chiến đấu anh dũng, bắn rơi 9 máy bay Mỹ, phá 1780 quả bom, hiến hàng trăm ngôi nhà, góp hàng ngàn ngày công để thông đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong 8 năm liền (1964 – 1972), góp phần quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng tại đây hàng trăm chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng để đất nước này ghi danh những người con anh hùng như La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tiến Tuẩn, Uông Xuân Lý v.v… Đặc biệt sự hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng đẹp, một kỳ tích anh hùng và cảm động của tuổi trẻ Việt Nam. Tất cả những điều đó đã làm nên một ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, một ngã ba anh hùng, một ngã ba có máu và hoa…


Một thời hòa bình


Ngày nay Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành khu di tích chiến tranh, ở đó có mộ và tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng, có những hố bom và vỏ những quả bom…Tới đây sẽ có thêm nhiều công trình mới như Cụm tượng TNXP do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát động ngành giáo dục quyên góp, Tháp chuông do nhiều đơn vị, cá nhân ủng hộ v.v…Những cung đường năm xưa bị bom đạn cày xới giờ cũng đã được nhựa hóa phẳng lỳ, ngày nào, tháng nào cũng nườm nượp người xe tứ xứ tìm về. Chuyến trở lại Đồng Lộc lần này của tôi đúng dịp kỷ niệm 30 – 4 nên gặp rất nhiều đoàn khách. Cả một đoàn xe dài nối đuôi nhau với đủ loại biển số các tỉnh chở những đoàn CCB, cựu TNXP… đến viếng và trở lại chiến trường xưa như chở cả những nỗi niềm của người lính sau chiến tranh. Trong ánh mắt mỗi người đều rưng rưng niềm xúc động, có những người không cầm được nước mắt khi thắp hương lên mộ 10 liệt nữ. Dường như trong họ có nỗi đau thương, có chút áy náy khi mình là những người còn được trở về… Bác Mai – một cựu TNXP rưng rưng nói: “Trở về vẹn nguyên sau chiến tranh, được sống trong cảnh thanh bình của đất nước tôi rất hạnh phúc nhưng lòng vẫn khôn nguôi nỗi nhớ những đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Dù đi đâu về đâu Đồng Lộc luôn là chốn để chúng tôi hẹn nhau tìm về trong những dịp như thế này. Và tôi cũng rất mừng là sau mỗi lần trở lại thấy quê hương Đồng Lộc ngày một đổi khác”.


Đúng vậy, Đồng Lộc giờ đây đang từng ngày thay vóc, đổi dáng. Từ tầng 2 trụ sở làm việc, Phó bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc Trần Đình Vương chỉ cho tôi địa điểm của những hố bom, những trận đánh ác liệt giờ đã là những ruộng lúa, đồng lạc ngút ngát màu xanh. Dù có cố tưởng tượng tôi cũng không thể hình dung lại được khung cảnh năm xưa. Ông Vương cho biết: “Thời kỳ khôi phục chiến tranh từ 1975 đến 1986, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Đồng Lộc đã tiến hành san đồi, lấp hố bom, khôi phục đường sá, cải tạo đồng ruộng, chính vì thế những dấu tích chiến tranh dần dần nhường chỗ cho sự hồi sinh”. Trong suốt thời kỳ đổi mới đến nay, được sự quan tâm của cả nước và bằng chính sức mình Đồng Lộc đang dần thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại. Bên cạnh việc mở rộng diện tích đồng ruộng, thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, lãnh đạo và nhân dân Đồng Lộc cũng biết tận dụng phát huy lợi thế vùng trà sơn để tăng cường đàn gia súc gia cầm. Chính vì thế đói nghèo đã lùi xa, cuộc sống ấm no từng ngày và đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 12 triệu đồng/năm, tăng 179% so với 5 năm trước.

Đồng Lộc – Một thời đạn bom, 
một thời hòa bình.

CCB, cựu TNXP các tỉnh về thăm Ngã ba Đồng Lộc và viếng mộ 10 nữ liệt sỹ nhân dịp 30/4.


Cùng với việc phát huy tốt vận động nội lực, lãnh đạo xã đã biết khai thác các nguồn lực bên ngoài, đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi như trường học, trụ sở, trạm y tế, đường giao thông. 5 năm qua xây dựng cơ bản đạt 16,735 tỷ đồng, trong đó trường học và trụ sở đều có nhà tầng kiên cố, các trường cấp I, II đều đạt chuẩn quốc gia, 100% đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi đã được bê tông hóa. Không chỉ có thế, hiện nay toàn xã Đồng Lộc đang hướng tới bê tông hóa giao thông nội đồng và mở rộng đường liên xóm từ 4m thành 8m. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng làng, xã, gia đình văn hóa cũng được chú trọng. Hiện nay Đồng Lộc có 3 làng văn hóa cấp tỉnh, 78% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, các phong trào văn nghệ, thể thao phát triển phong phú, đa dạng. Ông Trần Đình Vương cho biết thêm: “Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, chúng tôi xác định mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Đồng Lộc thành thị trấn của Can Lộc đồng thời phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.


Cũng chính là địa chỉ đỏ nên Đồng Lộc nhận được khá nhiều sự quan tâm của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, trong đó sự hỗ trợ lắp đặt 8 máy vi tính có nối mạng Internet của Trung Ương Đoàn và được trung tâm vì người nghèo PPC Can Lộc lắp đặt các ki ốt thông tin cung cấp tài liệu, sách báo, truy cập Internet miễn phí cho nhân dân trong thời gian qua đã tạo được những bước chuyển khá quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho bà con. Đặc biệt những nghĩa cử đó đã hỗ trợ các em học sinh rất nhiều trong việc bắt nhịp với sự phát triển hiện đại, vừa qua em Phan Thị Mỹ Long – học sinh lớp 4B (Tiểu học Đồng Lộc) đã đứng thứ 2 tỉnh và quốc gia cuộc thi giải toán trên mạng.


Trong nhịp độ phát triển chung của đất nước, thế hệ trẻ Đồng Lộc hôm nay đang noi gương cha anh, ra sức học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương để Đồng Lộc không chỉ anh hùng trong chiến tranh mà còn là đơn vị xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.


Anh Hoài

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP