Bến Tam Soa, phà Linh Cảm
– Qua bến Tam Soa, phà Linh Cảm dọc theo đường số 8 đến biên giới Việt – Lào chẳng còn bao xa nữa. Đơn vị mình không vào Đồng Me mà là Đồng Dâu. Đồng Me rộng, phẳng, cốt đất cao hơn. Vào Đồng Dâu gần trạm bơm Linh Cảm, gần phà, gần bến Tam Soa. Cảnh thì đẹp thật nhưng mà vất đấy. Đất trũng mùa mưa đến nơi rồi.
Đúng là dân tham mưu – tác chiến, thông thuộc địa hình. Tôi giở bản đồ ra.
Trận địa đây rồi, sát bờ kênh dẫn nước từ trạm bơm Linh Cảm. Đường số 8 phải qua dốc của quả đồi này mới thấy bến Tam Soa.
Xe, pháo không được đi trên bờ kênh. Mấy tay “xế” già định liều chạy một đoạn lên bờ kênh là đến đầu trận địa. Anh Đông kiên quyết phản đối. Anh Đông nói:
– Đại đội ta ôm sát vào cùng đại đội chín, đại đội mười ở bắc sông bảo vệ bến phà. Ta còn nhiệm vụ bảo vệ trạm bơm lớn nhất bắc Hà Tĩnh – Trạm bơm Linh Cảm. Nước sông La tưới cả một vùng rộng lớn lúa khoai hai huyện Đức Thọ và Can Lộc, vùng lương thực quan trọng nhất Hà Tĩnh
Mùa mưa đến. Sấm ầm ỳ trên đỉnh Giăng Màn. Gió heo may thổi từ biển vào thổi hắt qua sông La, báo hiệu những cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ biển tràn vào bị dãy Giăng Màn, Vụ Quang ách lại, gây mưa lũ khủng khiếp trên lưu vực sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Mưa ập đến. Mới mưa buổi chiều qua đêm các hồ, đầm, ao xung quanh Đồng Dâu đã ngập tràn, nước đục ngầu ứ lại trong trận địa. Thế này thì nguy rồi, nước có thể ngập đến tận giường pháo, rồi mấp mé mâm pháo. Anh Đông quần xắn trên đầu gối, hai chân ống đồng đầy lông, lội từ hầm pháo nọ sang hầm pháo kia, tay phải xách quần trông như các bà đi cấy lội nước. Khẩu đội trưởng Quả báo cáo:
– Báo cáo đại đội trưởng, hầm pháo nền đất yếu, kích pháo bị lún, sáng nay lấy bọt nước thăng bằng, phá hòm đạn, kê chân kích mãi mới lấy thăng bằng được. Cái kiểu úng ngập thế này chỉ bắn vài loạt pháo nghiêng như lên dốc. Làm thế nào bây giờ thủ trưởng ơi!
Khu Sở chỉ huy cũng lội bì bõm. Lán trinh sát phải thả gạch mới đi lại được. Tôi dặn Tuấn trực ban trinh sát lắng nghe tiếng động cơ, thời tiết xấu bọn A7 thường đến quấy ta cho mệt để đánh bến phà. Tuấn vác cái cuốc chim, tôi mang xẻng pháo ra bờ kênh tính chuyện tháo nước. Ra đến nơi, hai anh em cùng kêu lên: “Nước ngoài kênh cao hơn mặt nước trong trận địa. Làm thế nào bây giờ”. Ngồi im trông trời nước các ao hồ lên nữa ngập pháo, có vũ khí thành tay không, rồi có kéo pháo ra cũng không được. Tuấn đứng im, vầng trán rộng nhăn lại. Một lát sau cậu ấy nói:
– Tôi làm nông ở trong ni tôi biết. Vùng ni nước lũ rút rất chậm. Cả vùng Hương Khê thoát nước có mỗi sông Ngàn Sâu như một con mương, nước từ hai phía núi tống xuống, dềnh lên, rồi từ Ngàn Trươi, Ngàn Phố đổ về Tam Soa thành cơn đại hồng thủy, ngâm cả tháng. Chỉ còn một cách xẻ đất đắp bờ vây quanh trận địa thành đê con, nện cho chắc rồi dùng tất cả các xô chậu tát nước ra.
Tôi nhìn Tuấn, tay lực điền đậm thấp, ít nói, làm ăn gì cũng tính kỹ, khi đã quyết việc gì thì nhất định phải làm bằng được.
Lúc sau, tôi bảo Tuấn:
– Cũng chỉ có cách ấy thôi. Để mình báo cáo anh Đông cho làm nhanh, không nhanh, máy bay trinh sát đến nó tia thấy cảnh này gọi bọn cường kích bổ nhào cho mấy cú, cả pháo và người thành bùn nước.
Anh Đông đồng ý phương án chống lụt cho người và pháo. Tất cả xô, chậu các khẩu đội, soong, đĩa đựng cơm ở sở chỉ huy mang ra tát nước. Xẻng đào đất đắp bờ đê bao, trận địa hũm xuống giống như người Hà Lan đắp đê biển giữ cho sự sinh tồn cả một quốc gia. Anh Đông phân chia các khúc bờ đê bao cho các khẩu đội quản lý. Trên cái đoạn “đê” ấy nước rỉ, nước sủi khẩu đội phải cho người xử lý ngay. Nếu bờ “đê bao” vỡ, khẩu đội trưởng phải chịu kỷ luật.
Gần trưa, anh Đông nói tôi đi với anh vào nhà bếp. Chúng tôi cởi quần áo để bơi qua hồ nước vào làng. Bỗng khẩu đội trưởng Quả nói to:
– Báo cáo đại đội trưởng, xê tám có một quy ước ngầm, giờ cao điểm ông “tham mưu trưởng” không được ra khỏi trận địa. Ông này “quen mặt” bọn máy bay. Ông đi khỏi, có máy bay, ở nhà đánh nhau lúng túng lắm.
Anh Đông quay lại:
– Hôm nay phá lệ. Đồng chí Thành lên chỉ huy trực. Chúng tôi có việc phải vào làng. Mà về nhanh thôi.
Sang bờ bên kia mặc vội quần áo, anh Đông vuốt nước trên tóc nói:
– Anh Nhâm bảo mình có quyết định rời xê tám về trung đoàn. Có thể đi học rồi không quay về trung đoàn nữa.
– Bao giờ đi hả anh?
– Tối nay đi bộ về cơ quan tham mưu gặp ông Cường – Trưởng ban tác chiến, chờ gặp cơ quan chính trị. Trung đoàn bộ về chợ Hạ, sở chỉ huy ở ven đê, gần rồi.
– Đã có ai về thay anh chưa?
– Không có ai! Thủ trưởng, đảng ủy Trung đoàn quyết định đưa Thành lên. Thành còn trẻ, chưa được đào tạo sĩ quan, sẽ gặp khó khăn trong chỉ huy. Giúp Thành với nhé!
– Thành còn tiến bộ nữa. Anh yên tâm, chúng tôi là bạn anh ạ!
Đến gần bếp, anh Đông khoe:
– Chiều tối qua mình vào hậu cần. Bếp đặt trong gia đình có cô gái đang học sư phạm về chơi, xinh quá. Da trắng, mắt đen sóng sánh, hương thơm, tóc dài đến kheo chân, đúng là con gái sông La.
– Anh quen chưa?
– Chào nhau và cười. Cô ta gọi mình là thủ trưởng.
– Cô ta tên là gì hả anh?
– Thảo! Tớ đi “bàn giao” cậu. Hôm nay cậu đi với tớ, ta “bàn giao”. Tớ có ngoài kia rồi. Cậu đã có gì đâu!
– Thủ trưởng đã xúc cảm rồi, tôi đâu dám.
– Anh con trai nào ở nơi khác đến đây mà chả xúc cảm. Bài hát mới của ông nhạc sĩ Doãn Nho hay thế “Người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta”.
– Thì tôi đã có cả sông La rồi còn gì. Anh đi đừng quên sông La nhé.
Anh ôm lấy tôi.
– Thành nỗi nhớ cả đời rồi. Quên làm sao được!!!
*
* *
Hai chiếc A7 bay luồn trong mây. Trời vẫn lắc rắc mưa. Thành cầm lá cờ chỉ huy gọi tôi:
– Sang đây với mình. Hố rộng. Đứng hẳn xuống dưới hố. Hai chúng tôi đứng tựa vào nhau. Tôi cảm thấy hơi thở nén lại trong ngực Thành. Thành cao hơn tôi cái chỏm mũ sắt, vành mũ sắt của tôi cọ vào cằm Thành, gây vướng. Tôi phải hơi ngửa cổ ra.
Thành nói:
– Trời xấu, bọn A7 cậy thời gian bay được lâu hơn A4, F4, nó vòng vèo cho mình mệt rồi mới bất ngờ lao ra.
– Yên tâm, mình nghe tiếng động cơ biết nó bổ nhào hay chưa. A7 bay chậm, nó nhô ra ta vẫn quật được hai điểm xạ.
Giọng Thành vang hơn:
– Phải đánh vỗ mặt. Để nó lao thẳng xuống, chùm bom sẽ nằm gọn trong trận địa.
Chiếc A7 rít lên o… o… Tôi nói nhỏ:
– Nó bổ nhào đấy, hướng 32, thẳng núi mồ côi lên.
Chiếc máy bay như rơi tọt ra từ trong mây, nó lấy lại cân bằng, nghiêng cánh quan sát, quyết đánh vỗ mặt với những nòng pháo đang đợi ở mặt đất. Tôi nói:
– Cánh nó cong thế kia, nó bổ nhào vào trận địa mình đấy Thành ạ.
Thành hô to:
– Đại đội chuẩn bị đánh bổ nhào!
Số 4 khẩu đội ba hét to:
– Góc bổ nhào 40 độ.
Thành hô to:
– Góc bổ nhào 40.
Đo xa hô:
– 40. (4000)
– 35.
Thành phất cờ:
– Điểm xạ ngắn.
– Bắn!!!
Xác chiếc máy bay A7 bị bắn rơi ngày 19-5-1972. Ảnh tư liệu.
Đạn túa ở đầu máy bay. Nó vẫn lao xuống. A7 có tấm thép dày dưới ghế ngồi bảo vệ phi công. Bọn nó liều hơn.
– Cho nó một điểm xạ vừa.
– Điểm xạ vừa. Ngắm thẳng vào đầu máy bay.
Quả gào lên:
– Bắn đi. Nó cắt bom, thua nó bây giờ.
– Bắn!!!
Chiếc A7 cắt vội bom. Bốn quả bom nổ phía trái trận địa giữa hồ. Nó còn bốn quả bom thế nào cũng bổ nhào nữa. Cuộc đấu tay đôi chưa kết thúc. Nó rơi mất hai phi công. Bom vào trận địa mình mất cả chục người.
Quả, khẩu đội trưởng, bỗng hô:
– Ông “Tham mưu trưởng” đã về chưa!
– Về rồi.
– Đứng trong hố đây rồi.
– Hai mà một đây rồi!
Quả cười rất to:
– Đ… mẹ thằng A7. Các bố cho mày cắm đầu xuống sông La.
Bút ký lịch sử của Đại tá – nhà văn ĐÀO THẮNG
QDND