Tuỳ bút Quê hương

Dọc miền Hà Tĩnh (kỳ 3)

Trận đánh rất ác liệt. Các tốp máy bay sau chiếm độ cao, ném bom, bắn tên lửa, rốc-két vào đài ra-đa và các trận địa phòng không. Đài ra-đa bị phá hỏng. Nhiều chiến sĩ phòng không, dân quân hy sinh, máu của các anh chị thấm trên từng gốc cây hoa dẻ Rú Nài – cầu Phủ.

hatinh24h

Máy bay Mỹ sẽ sử dụng bom xuyên trong trận đánh ở cầu Phủ. Đánh nhau ở cầu Già, cầu Họ chúng chưa dùng loại bom này. Đại đội tôi bị vấp một lần khi phục kích bảo vệ sân bay Vinh để máy bay MIG của ta cất cánh. Đại đội tôi đánh hai chiếc F4 bay trinh sát. Chúng quay lại tương luôn bốn quả bom mẹ, xuống gần bom mẹ mới tách vỏ, bom con túa ra lao xuống rít chói óc, hàng ngàn mũi khoan thép khoan vào pháo, khoan xuyên qua nắp hầm, khoan thủng mũ sắt đưa lọt qua nắm tay. Chuyện cũ lướt nhanh trong trí nhớ. Trinh sát Hải Triều hô to:

– Máy bay chuẩn bị công kích trận địa.

Pháo 57 ly của Đại đội 3 bắt đầu bắn. Anh Toại hỏi tôi:

– Bố Hồng (Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hồng) đánh sớm, bọn nó còn đang lượn quan sát. Cậu giao cho thằng Triều bám chặt thằng này, canh chừng cho Đại đội 3.

Cả tốp A4 (con vịt) bụng to, cánh tam giác, đuôi hướng cao, lưng cong, đầu vươn ra hơi quắp xuống, nghiêng cánh lượn. Tôi nghĩ bọn này bày ra quẻ gì đây?

Anh Toại nói:

– Nó quan sát bay kiểu nhử mồi tìm trận địa để công kích.

Anh Toại giơ cao ngọn cờ, tay lăm lăm dùi kẻng. Bỗng Triều hô to:

– Máy bay bổ nhào vào trận địa!

Anh Toại hỏi gấp:

– Nó đâu? Các khẩu đội bắt được chưa?

Triều lại hô to:

– Nó ném cái gì ấy bay đầy trên trời.

Anh Toại quát:

– Cậu xem nó là cái gì?

Tôi giơ ống nhòm lên mắt.

– Mảnh các tông lót bom.

Tôi hét to:

– Bom bi khoan.

Tiếng ai đó:

– Cái gì? Sao lại bom bi khoan. Toàn mảnh bìa các tông thôi. Trinh sát các ông mù à?

Tôi quát lên:

– Các tông là đồ lót! Đừng bị lừa. Bom xuống bây giờ đấy.

Bom con rít chói óc. Nó hắt từ nửa trận địa chúng tôi ra bờ sông cầu Phủ. Loạt bom thứ hai. Loạt bom thứ ba. Chúng tôi như bị mê đi trong các loạt bom lạ. Tiếng rầm rập của trận mưa đá. Mưa bom. Mưa cái chết. Tôi nghe tiếng Triều hô:

– Máy bay A4 bổ nhào vào trận địa.

Anh Toại gầm lên:

– Bắn chiếc A4 hướng 12 (hướng núi Nài) bổ nhào.

Trong ngàn vạn mảnh bìa các tông bay đầy trời tôi phát hiện chiếc A4 chuyển hướng bổ nhào vào Đại đội 3 pháo 57 ly.

Tôi hô to:

– Báo cáo A4 công kích Đại đội 3!

Anh Toại hét lên:

– Bắn A4 chi viện Đại đội 3.

Chiếc thứ nhất là lên. Nó đã cắt bom sát thương. Ngực tôi tỳ vào thành hố rung lên. Chiếc thứ hai xuống thấp cắt bom xuyên. Bọn máy bay Mỹ vừa sợ, vừa thù pháo 57 ly vì uy lực pháo mạnh hơn. Trong những trận đánh như thế này chúng thường rình rập, lừa miếng đánh vào pháo 57 ly đòn nặng nhất. Trận đánh này của không quân Mỹ giống như một trận đòn thù cho trận thua đau ngày 26 – 3 – 1965. Có lẽ là như vậy.

*

*     *

Sau này trong lần họp mặt bạn chiến đấu Đoàn Đống Đa tại thành phố Vinh (Trung đoàn pháo cao xạ 233) Võ Sỹ Hưng người Vinh, chiến sĩ Đại đội 3 nói trên diễn đàn:

– Tôi ở ngoài nhảy vào hầm pháo, mắt tối lại không nhìn thấy gì. Máu trong hầm ngập đến mắt cá chân. Tôi ngã xuống nền hầm pháo bò mà như bơi trong máu đồng đội. Tất cả các số vẫn còn trên mâm pháo mũi khoan xuyên thủng cả lá chắn pháo bảo vệ trước ngực và bụng pháo thủ số 1, số 2, các vết thương miệng tròn, rộng hoác như các vết cắn của một loài thú dữ. Chiếc A4 sau còn thả bom pi-giăng (bom nổ trên không). Trận ấy anh Toại cho bắn quyết liệt, nó cắt bom muộn, bom nổ phần lớn mảnh hắt ra ngoài không thì xê 3 còn bị nặng hơn. Anh Toại buồn vì đơn vị cũ của anh, đơn vị vẫn được gọi là “Anh cả đỏ” của trung đoàn tiếp tục bị thương vong, 7 chiến sĩ đã hy sinh. Anh Toại gọi tôi lại bên hầm đại đội trưởng, anh hỏi:

– Trận địa Đại đội 3 có kín đáo không?

– Kín đáo hơn trận địa mình anh ạ.

Tôi nói tiếp:

– Có điều ta ở bên này gần núi, nhiều cây, bắn xong điểm xạ khói tan nhanh trong tán cây. Xê 3 ở bên kia đường cây rậm thấp lúp xúp bắn xong khói quẩn lâu tan. Trên máy bay nó nhìn rõ.

Anh cố giấu tiếng thở dài:

– Trong cụm 57 của trung đoàn xê 3 bị đánh nhiều quá!

– Bị đánh nhiều. Anh em hy sinh nhiều ở lộ thiên vì bom bi, bom pi- giăng. Phải xem lại. Phải làm hầm ngách hai bên hầm pháo. Trinh sát phát hiện bom bi, bom pi-giăng cho anh em nhảy vào ẩn nấp. Bom nổ xong, chỉ mấy giây lại nhảy lên mâm pháo. Như đại đội ta đấy. Phải làm sao cho bộ đội ít hy sinh nhất. Tính mạng chiến sĩ, mạng người anh ạ.

Phần II: Tháng Năm rực rỡ chiến công

Tháng 5 năm nay – 2010, chúng ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhớ lại trung đoàn chúng tôi có một vinh dự đặc biệt mà cũng là kỷ niệm sâu sắc của tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 233 (Đoàn Đống Đa), tháng 5 – 1972, trong đợt phát động thi đua lập công dâng Bác chúng tôi đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống hai giặc lái. Đặc biệt nhất ngày 19 – 5 – 1972, trên đất Hà Tĩnh, trung đoàn chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ hai máy bay Mỹ. Đây là chiến công lịch sử kính dâng lên Bác. Theo ý nguyện của Trung đoàn trưởng Bùi Thúc Nhâm, Chính ủy Lê Kim Tuyên, Chủ nhiệm chính trị Trần Duy Huynh, sau nhiều lần trao đổi về tư liệu với anh Nhâm người trung đoàn trưởng đáng kính tôi viết lại trận đánh này.

… … …

Anh Toại nói nhỏ với tôi:

– Cụm chiến đấu của trung đoàn về cầu Cầy. Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 24 ở lại Vinh – Bến Thủy. Trung đoàn trưởng Nhâm, Trung đoàn phó Tình trực tiếp chỉ huy. Tối nay ta và xê 3 nhập về đội hình lớn.

Tin cụm chiến đấu của trung đoàn về cầu Cầy loang ra đơn vị rất nhanh. Ai cũng phấn khởi ra mặt. Hỏa lực mạnh tập trung. Hai cụ “cốp” chỉ huy thì phen này ăn cờ.

Thông đường cầu Cầy đêm 19-5-1972. Ảnh tư liệu.

Trời chưa tối hẳn chúng tôi đã dỡ hầm, thu dọn đồ dùng của từng người cho vào hòm đạn. Đánh nhau liên tục, hòm đạn ứ thừa, mỗi anh nhận một hòm. Đồ dùng chung, bát đũa, xoong đựng cơm, đĩa nhôm, mấy cái xoong biến thành nồi thỉnh thoảng cải thiện cua cá bị củi đốt đen sì cho vào bao tải buộc đầu bao lại quăng lăn lóc. Được cơ động gần, tôi đi tiền trạm với xe chở anh nuôi. Trận địa xác định bố trí ở mom đất làng Thạch Thượng nhô ra cái vụng lớn của cầu Cầy. Trinh sát và tham mưu đề xuất ý kiến bố trí đại đội tôi như một đơn vị đánh tiên phong. Đại đội 3 ở vẫn gần chúng tôi, lui ra phía sau trong khu huyện lỵ của huyện Thạch Hà. Đại đội 1 pháo 57 ly phía bên kia sông, sát bờ đê trên khu đất trồng khoai lang. Đại đội 4 pháo 37 ly hai nòng mới nhận bốn khẩu, tám nòng pháo mới toanh hỏa lực rất mạnh ôm gần phía Nam cầu. Trung đội súng máy 12 ly 7 của dân quân xã Thạch Linh gần sở chỉ huy cụm chiến đấu (thực chất là sở chỉ huy Trung đoàn) đối diện với xê 4, bảo vệ sở chỉ huy. Tôi trực ban trinh sát dùng ống nhòm quan sát đội hình toàn cụm, đưa ống nhòm nhiều lần nhìn không rõ, mí mắt cứng đờ vì buồn ngủ. Nhớ lại tối 6 tháng 4 đại đội chúng tôi rời tây núi Quyết tới nay đã là 19-5, đúng ngày sinh nhật Bác. Đã một tháng mười ba ngày, tức là bốn mươi ba ngày đêm. Bốn mươi ba ngày đêm lính đại đội chúng tôi cơ động quanh mục tiêu bảo vệ. Kéo pháo đến nơi ở mới, đào công sự, đắp hầm, cấu trúc khu chỉ huy sở. Chưa một đêm nào được ngủ yên một giấc để bù lại sự khát thèm ngủ. Đầu óc tôi mụ mị, tôi cố bước đến cái ghế đẩu ngồi xuống, ống nhòm thả trước ngực, hai tay đặt lên đầu gối ngủ khan, mê đi, không nghe, không biết gì nữa. Bỗng tôi giật bắn người vì có bàn tay vỗ mạnh vào vai cùng tiếng chiến sĩ thông tin hốt hoảng:

– Anh ngủ à? Thủ trưởng Nhâm trực chỉ huy nhắc có nhiều tốp máy bay trên tiêu đồ gần cửa Sót. Anh sục sạo xem có phát hiện được gì không?

Tôi tát hai cái rất mạnh vào hai bên má cho tỉnh, vừa giơ ống nhòm lên đã nhìn thấy hai chiếc A6A bay dọc bờ biển cửa Sót. Còn một tốp A7 bốn chiếc bay phía ngoài. Tiếng trung đoàn trưởng Nhâm vang trầm trong cáp thông tin:

– Toàn cụm về cấp I. Có triệu chứng địch tổ chức đánh cầu Cầy. Chuẩn bị thật tốt. Bắn rơi máy bay mừng sinh nhật Bác.

Bầu trời tháng 5, đã sắp vào mùa gió Lào. Vào dạo này phía chân trời thường xuất hiện những vạt mây lớn đen thẫm; nhìn mắt thường hai chiếc A6 rất rõ, bay ngang nhau, lùi lũi, cái râu (ra-đa sục sạo mặt đất) nhìn ngồ ngộ bay chầm chậm có vẻ hiền. Này đừng có lầm, hai tên lái trên mỗi máy bay đều là loại cáo già, số bom nó mang gấp mấy lần bọn A4. Cách đánh của bọn A6 theo kiểu nhà giàu, rải bom một lần 24 quả. Thời tiết xấu, mây mù hay ban đêm chúng dùng máy bay A6 ném bom tọa độ. Nhưng loại máy bay này có một nhược điểm, máy bay A6 bay chậm, đường bay ổn định, ít cơ động. Tổ chức đánh tốt dễ bắn rơi. Tôi gõ kẻng báo động, miệng hô to:

– Hướng 14. Hai máy bay A6 bay vào.

Anh Nhâm hô lớn trong máy:

– Toàn cụm bắt A6 bay đầu. Đại đội nào bắt được mục tiêu báo cáo.

Tiếng anh Toại rắn đanh tỉnh queo:

– Xê 8 bắt mục tiêu!

Hai chiếc A6 bay ở độ cao trên hai cây số, đường bay ổn định, cái bụng lặc lè mấy tấn bom.

Anh Nhâm hô to giọng gằn nặng:

– Tiêu diệt A6 bay bằng! Lập thành tích mừng ngày sinh nhật Bác.

Toàn cụm nhằm vào nó nổ súng. Tám nòng pháo của xê 4 phun lửa thật ghê gớm. Đại đội tôi ở phía trước đội hình đánh rất chụm. Anh Toại cho bắn hai điểm xạ ngắn. Chiếc A6 vụng về nghiêng cánh.

– Bắt chiếc thứ hai!

Hỏa lực mạnh mẽ toàn cụm thúc vào chiếc A6. Anh Nhâm quát lên:

– Bắn vào chiếc bay đầu.

Chiếc A6 là xuống với một góc nhỏ. Cái giống “kẻ đột nhập” này hay bay bằng cắt bom, nó không cần bổ nhào với góc lớn. Anh Toại hô to:

– Góc tà 30. Bắn!!

Bom vãi ra thành vệt dài. Bom nổ ở phía Đại đội 1 pháo 57 ly phía nam sông. Đại đội 8 và Đại đội 4 ở phía bên này sông thao tác nhanh. Trung đoàn trưởng Nhâm cho đánh một điểm xạ nữa. Chiếc A6 lạng xuống thấp bay loạng choạng ra phía biển. Anh Toại cười giọng ồ ồ:

– Mẹ mày không thoát nổi đâu con ơi!

Có lẽ nó rơi ngay bờ biển. Chiếc A6 còn lại hoảng hốt bay thẳng ra biển. Ngay lúc đó một tốp 4 chiếc A7 bay vào. Anh Nhâm nhắc rõ từng tiếng:

– Các đơn vị chú ý. Tốp này đánh cầu và lùng trận địa ta.

– Toàn cụm đánh tập trung theo lệnh trung đoàn.

Chiếc A7 bay đầu làm động tác giả vừa là xuống đã ngóc lên.

Tôi hô to:

– Chiếc thứ hai bổ nhào vào cụm.

Anh Nhâm quát rất to trong máy:

– Tập trung tiêu diệt chiếc thứ hai!

Mấy chục nòng pháo tuôn đạn lên trời. Khói từ nòng súng, từ bom của chiếc A6A rải xuống, bụi cát bốc lên hòa vào với nhau che cả vùng quanh cầu Cầy. Đạn bắn rất chụm. Trong ống nhòm tôi nhìn rõ hàng trăm viên đạn cao pháo lao tới chiếc máy bay mang tên “giặc biển”. Tôi vui sướng quá, chưa khi nào chỉ huy hợp đồng chiến đấu toàn cụm bài bản như thế này. Chiếc thứ ba lao xuống đúng theo đường bay chiếc thứ hai. Chết cha mày! Các phần tử bắn đang ổn định. Số 2 các khẩu pháo 37 ly, số 1 các khẩu pháo 57 ly chỉ việc dận cò. Chiếc A7 ăn đạn cắm xuống tưởng như nó không ngóc lên được nữa. Nhưng không, nó cố là lên. Máy bay A7 đáy khoang lái được bọc thép dày phi công được bảo vệ tốt. Chiếc máy bay bốc cháy lửa phun ra phía sau thành một vệt lửa chếch lên rất dài. Tiếng hò reo từ trong các làng Thạch Thượng, Thạch Linh dội ra đường, truyền nhau trong các trận địa:

– Phi công nhảy dù, dù đỏ, thằng lái này là chỉ huy bà con ơi. Chiếc máy bay không còn người lái giống như ngọn đuốc lửa lao thêm một đoạn dài nữa rồi vỡ ra thành những mảng lửa lớn rơi xuống xã Thạch Hà.

– Máy bay rơi tại chỗ rồi bà con ơi!!!

Tiếng reo như sóng dậy. Bà con từ trong các làng ùa ra trận địa.

Anh Nhâm lệnh cho trung đội xe tự hành AM cơ động nhanh nhất đến Thạch Hà cùng dân quân bắt phi công Mỹ.

Bút ký lịch sử của Đại tá-nhà văn Đào Thắng

QDND

  Từ khóa: Dọc miền Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP