Trên đất Xuân Giang có miếu thờ cụ Tả Ao, thầy địa lý, nhà phong thủy nổi tiếng nhất nước Việt ta. Tôi ngỡ ngàng thấy thú vị nhất là ở ven sông nơi có cơ quan vận tải đường sông của H. đóng quân có bến Giang Đình. Bến Giang Đình trong thơ cụ Tố Như – Nguyễn Du, từ bến ấy đi thuyền sang bên Xuân Giang II, một cồn lớn trù phú trên sông Lam. Tôi quen biết H trên bến sông Giang Đình của đại thi hào.
Tôi vác bó cành phi lao ngụy trang về trận địa. Cậu thông tin tai đeo cáp, tay cầm xẻng, bới cát dỡ hầm. Tôi hỏi…
– Lại cơ động à?
– Vâng.
– Đi đâu?
– Ra đầu cầu Già.
Tôi vất bó ngụy trang xuống nền cát, cầm xẻng đào đất dỡ hầm. Mấy chiếc Gaz đã vào trận địa, lùi vào cửa hầm ngoắc pháo.
Anh Toại gọi tôi lại bên nhắc:
– Để một vô tuyến 2w mở máy trực bên này, cho mắc dây hữu tuyến sang bên trận địa mới. Cậu cho thông tin làm hầm chỉ huy, trinh sát trực ban chiến đấu ngay.
Trận địa mới đặt ngay khu lò gạch cũ, cách mố cầu chỉ ba trăm mét. Các lò gạch cũ đổ nát cả, tiện cho khu chỉ huy cấu trúc công sự. Gạch mộc vứt chỏng chơ, nhặt về xếp bờ, xúc đất cát đổ xung quanh là thành chiếc hầm chắc chắn. Tôi thấy bố trí trận địa gần sát mố cầu, gần như hàng dọc thế này đánh máy bay tốt nhưng cũng rất nguy hiểm, chỉ cần chùm bom của chiếc A4 hay A6 đánh chệch cầu là phủ trùm lên trận địa. Anh Toại nói:
– Trên đã lệnh thế ta vào. Trinh sát quản chắc từng chiếc. Đánh mạnh, đánh tập trung bom sẽ dạt sang hai bên. Xong trận này ta đề nghị cơ động sang trận địa khác.
Chiều tối, một đoàn xe vận tải mấy trăm chiếc qua cầu. Những chiếc tải hạng nặng chở đầy hàng từ mặt cầu va vào mố cầu rung cả chiếc phản tôi nằm. Tối nay hoặc ngày mai máy bay Mỹ nhất định sẽ đánh cầu. Trận đánh sẽ quyết liệt hơn. Hải Triều trinh sát đo xa, Quốc Tuấn đã lăn ra ngủ. Tôi nghe tiếng con gái hỏi cậu trực ban thông tin. Vừa ngồi nhổm dậy thấy H. đã đứng ngay trước mặt. Em xúc động ngồi xuống cạnh tôi.
– Răng các anh vô sát cầu như rứa. Nguy hiểm lắm! Máy bay hắn thả bom là trúng các anh.
Tôi cố cười :
– Mình đánh trước hắn chớ.
– Vâng!
– Xa vậy, tối em về thế nào? Nguy hiểm lắm.
– Em ở lại đây đến sáng mai chịu nguy hiểm cùng với anh.
– Có mà kỷ luật!!!
Chính trị viên Hiền đi qua lán trinh sát ra trực chỉ huy. Cả tôi và H. đều lúng túng. Anh dừng bước cười hiền hậu:
– Hai bạn cứ tự nhiên!
Tôi biết ơn nhìn anh. Câu nói của anh tôi được nghe một lần duy nhất trong cuộc đời mấy chục năm làm lính.
Cầu Phủ-Rú Nài
Đại đội tôi được “bắn” thẳng từ cầu Già vào cầu Họ, cách nam thị xã Hà Tĩnh mười hai cây số (giờ thuộc địa phận thành phố Hà Tĩnh). Sau này họp Ban Liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn pháo phòng không Đống Đa tôi hỏi vui anh Hà Văn Cường, khi đó với cái chức rất oách – Trưởng ban tác chiến, tham mưu trực tiếp cho thủ trưởng điều binh khiển cán:
– Sao hồi ấy bác “xùy” chúng em ghê thế. Độc lập (một mình) bảo vệ cầu Già, vút một phát bác cho chúng em nhảy vào cầu Họ cách nhau đến ba mươi cây số.
Anh cười rất hiền:
– Tớ có điều đâu. Thủ trưởng Bùi Thúc Nhâm đích thân chọn lựa rồi ra lệnh. Cụ ấy bảo xê 8 các cậu có tay Toại phó của ông Nguyễn Huy Hồng, Đại đội ba pháo 57 ly, máu đánh mà tỉnh táo. Tỉnh hơn tay Hồng. Đại đội các cậu lại có một đám trinh sát giỏi. Anh cười tủm tỉm :
– Có tầm cỡ đấy!
Rồi anh khịt khịt mũi theo thói quen:
– Đánh nhau với máy bay phản lực Mỹ, với những thằng giặc lái già dơ, trinh sát mà tậm tịt kinh bỏ mẹ.
Rồi anh hỏi lại tôi :
– Hồi đó đánh mấy trận ở cầu Họ?
Tôi được dịp khoe luôn:
– Chúng em ở Cẩm Tiến, ngã ba Quốc lộ 1 và đường ra Cửa Nhượng, cái bãi tắm Thiên Cầm nổi tiếng bây giờ ấy, lúc đó bọn em chỉ nghe nói chứ không được phép ngó ra xem mặt “nó”. Đánh ba trận, cầu gục, bị thương ba pháo thủ, một thông tin đi nối đường dây, bác Nhâm lại điều về cầu Phủ, hợp nhau với đại đội ba pháo 57 ly bảo vệ cây cầu từ phía Nam vào thị xã. Cầu Phủ bây giờ nổi tiếng với kẹo Cu Đơ xịn (kẹo lạc gừng mật ong) to bằng cái đĩa tây, mềm, dẻo, thơm ngọt, như kẹo nhà bà Thư Viện nổi danh nhất loại kẹo đặc sản của xứ Nghệ.
Đại diện chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh tặng quà bộ đội cao xạ sau trận bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.
Cầu Phủ ngay cạnh Rú Nài quê hương của nhà văn Văn Linh. Khi ấy bác còn đang đội cái án mập mờ cái vụ tiểu thuyết “Mùa Hoa Dẻ”. Đang tháng 5 tây, đúng mùa hoa dẻ. Quanh chân Rú Nài có nhiều hoa dẻ thật, tôi đi lấy lá ngụy trang không nỡ chặt cây, loanh quanh một lúc hái hoa dẻ, cho vào chật hai túi quần. Những cánh hoa chín vàng, thơm nức nở, tôi vác bó ngụy trang trên vai, đưa cả cái bầu hương dẻ ấy về trận địa. Tới lán trinh sát Lưu Quốc Tuấn dân Diễn Châu, Nghệ An cười khồng khộc
– Đi lấy lá ngụy trang, anh tranh thủ tựa vào vai cô gái thị xã Hà Tĩnh nào mà mang cả mùi hoa về nhà rứa?
Tôi móc trong túi ra liền mấy bông hoa dẻ, Tuấn ngoắc bông hoa năm cánh lên dây phơi khăn mặt, cậu xuýt xoa:
– Hoa có mùi thơm thật lạ, vừa hoang dại, vừa cao quý, vừa quyến rũ. Cậu Huấn trinh sát có cặp mắt màu lửa với biệt danh “Mắt lửa con ngươi vàng” ra vẻ giảng giải: Hương hoa dẻ ngấm vào từng trang sách của cụ Văn Linh thế nên đời nó mới choảng cho cụ một vố!
Tôi cười:
– Bác ấy được tôn vinh rồi ! Bây giờ bác ấy là quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Bác ấy đã viết được mười mấy quyển sách về đất nước và con người Lào. Bác Văn Linh bảo sẽ có ngày quay về Rú Nài viết sách nữa đấy.
Tôi dừng nói quay sang giục Tuấn:
– Thôi, gác cái chuyện hoa dẻ lại đã, xong trận này kể tiếp. Anh em mình “khoét” công sự xong chưa? Hố cá nhân phải đâm ngách, nắp chống bom bi thì phải đắp cho dày, nện cho kỹ. Mỹ sử dụng bom xuyên nhiều trận rồi. Mũi xuyên (còn gọi là bom bi khoan) khoan qua lớp đất dày tới hơn 40cm đấy.
Tuấn bô bô:
– Chúng “em” xong hết rồi. Cứ mê mải với hoa như bố, tí nữa đánh nhau, hầm hố bèo nhèo mấy cành cây, lấp qua mấy xẻng cát, nó tương vào trận địa mấy quả bom mẹ, thì cha con khiêng nhọc.
Rú Nài – Cầu Phủ nơi diễn ra trận đánh “kinh điển” (theo cách nói bây giờ) giữa bộ đội phòng không của ta với máy bay Mỹ ngày 26 tháng 3 năm 1965. Bộ chỉ huy Mỹ trinh sát, vạch kế hoạch tập trung một lực lượng lớn máy bay hải quân tập kích đài ra-đa quốc gia của ta trên đỉnh Rú Nài. Phía ta dự kiến Mỹ sẽ đánh Rú Nài – cầu Phủ và cũng nắm được tin mật một phần kế hoạch này. Ta chủ động điều Tiểu đoàn 8 (đoàn Bình Hà) thuộc tỉnh đội Hà Tĩnh. Tiểu đoàn 6 học viên Trường Sĩ quan Phòng không đang đi thực tế chiến đấu ở tuyến lửa khu Bốn về “ôm” sát Rú Nài. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6 là các chiến sĩ ưu tú ở các đơn vị đã qua chiến đấu được đưa đi đào tạo sĩ quan. Một số trung đội dân quân cơ động sử dụng súng máy phòng không của các xã thuộc Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng được lệnh bí mật phục kích xung quanh đài ra-đa trên núi. Sáng sớm ngày 26 tháng 3 năm 1965, máy bay hải quân Mỹ bất ngờ tập kích đài ra-đa Rú Nài, cầu Phủ. Mấy tốp A4 đuôi cong, “bụng chửa” lao vào gặp ngay hỏa lực đánh tập trung chính xác của Tiểu đoàn 6. Chúng vọt lên, ưỡn những bàn cánh tam giác ra. Tiểu đoàn Bình Hà (tỉnh Hà Tĩnh kết nghĩa với tỉnh Bình Định) thổ công của đất Hà Tĩnh thông thuộc địa hình như lòng bàn tay, khôn ngoan lui ra phía sau, sát cầu Phủ vã đạn vào những cái bụng kềnh càng bom. Máy bay hải quân ăn đạn pháo cao xạ tầm thấp rơi như chim sập bẫy.
Bút ký lịch sử của Đại tá-nhà văn ĐÀO THẮNG
QDND