Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hóa Làng K130 – xã Tiến Lộc

Với địa bàn chiến lược quan trọng, giặc Mỹ đã điên cuồng trút hàng  trăm tấn bom đạn xuống một mãnh đất chưa đầy 2km2 này. Nhưng với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời” và “Xe chưa qua nhà không tiếc“. Đảng bộ và nhân dân xã Tiến Lộc vẫn kiên cường bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Suốt trong những năm tháng chiến tranh nhân dân xã Tiến Lộc đã đóng góp sức người sức của, san lấp hố bom, thông xe, kéo phà, thuyên chuyển hàng hóa vượt trọng điểm ác liệt, tự nguyện đóng góp hàng ngàn gánh tấp, bổi, tre, phên để san lấp hố bom, đầm lầy, dời dân để làm đường xế tránh để xe tiếp tục chở hàng hóa, đạn dược, bộ đội vào chiến trường, góp phần đánh thắng giặc mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.

hatinh

Làng K130 ngày nay

Những đóng góp sức người, sức của và những thành tích  của đảng bộ và nhân dân xã Tiến Lộc đã được ghi vào sử sách của đất nước như: Làng K130, những trọng điểm cầu Già, Thượng Gia, Cổ Ngựa… là những nơi bị đánh phá ác liệt dữ dội. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đảng bộ và nhân dân xã Tiến Lộc đã được Đảng và Nhà nước tặng các danh hiệu cao quý như: huân, huy chương chống Mỹ cứu nước cho tập thể và các cá nhân anh hùng. Năm 1968 được tỉnh và Bộ Giao thông vận tải phong tặng địa danh lịch sử anh hùng Làng K130 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong chiến dịch bảo đảm Giao thông vận tải và đặc biệt vinh dự là năm 1999 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước phong tặng cho xã Tiến lộc.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã cố gắng đến mức tối đa để đánh phá hệ thống giao thông vận tải, nhiều tuyến đường phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn; nhiều đoạn đường bị xóa hẳn trong bãi lầy, bom đạn, hố bom. Nhưng bom đạn không ngăn nổi những chuyến xe hàng từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhân dân Hà Tĩnh cũng như nhân dân xã Tiến Lộc với quyết tâm sắt đá “địch đánh một ta làm mười, địch đánh đường này ta đi đường khác“. Vào những tháng cuối năm 1968, máy bay địch bắn phá ác liệt, đường 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn. Trước tình hình đó cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường xế để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A đoạn từ Cổ Ngựa đến Cầu Già. Xóm Hạ Lôi ( nay là xóm Tân Tiến và Minh Tiến) là nơi cần mở đường xế. Đêm 13 tháng 8 năm 1968, nhân dân xóm Hạ Lôi được sự giúp đỡ của lực lượng dân quân và nhân dân trong xã đã tự nguyện dời dọn nhà cửa của mình để mở đường xế thông xe. Với khẩu hiệu “xe chưa qua nhà không tiếc” cũng là ý chí quyết tâm sắt đá đồng tâm của Đảng bộ và nhân dân xã Tiến Lộc lúc đó. Những gia đình có đường xế đi qua được dỡ và dọn trước, nhà dời dọn đến đâu thì các lực lượng công binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong làm đường đến đó, chỉ trong 8 tiếng đồng hồ đường xế đã mở xong. Đoạn đường dài 1,2 km từ quán bánh gai (tiếp giáp đường 1A) đến bờ sông cơ bản đã hoàn thành. Chỉ còn phần mở phà, nhân dân đã tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Đến 3 giờ sáng thì công việc hoàn thành và chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe 130 chiếc chở xăng, lương thực và đạn dược đã chuyển bánh trên đường xế và xuống phà qua sông an toàn trong sự vui mừng xúc động của quân và dân. Từ đêm đó trở đi từng đoàn xe đi qua đường xế này vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến một cách an toàn, không còn ùn tắc sa lầy như trước nữa. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày cứ sáng ra một bộ phận dân quân ngụy trang lại đường xế, tối đến lại cất dấu ngụy trang. Cứ như vậy, đường xế được giữ bí mật cho đến ngày ngừng bắn.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân trong một đêm dời dọn 130 nóc nhà làm đường xế cho 130 chiếc xe chở hàng ra tiền tuyến, Ban bảo đảm giao thông tỉnh đặt tên làng Hạ Lôi là làng K130. Và chiến dịch vận chuyển này là chiến dịch K130. Ghi nhận sự kiện lịch sử này trong những ngày tháng 8 năm 1968 các báo ra hàng ngày của ta như báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo địa phương Hà Tĩnh đã đưa tin và ca ngợi quyết tâm sắt đá tấm lòng quả cảm của người dân, của hậu phương với tiền tuyến.

                                                                                   Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP