Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hóa Đền Tam Lang – Can Lộc

Đền Tam Lang, xã Xuân Lộc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006 tại quyết định số 1973/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

hatinh24h

Cổng vào đền

Theo lời kể của nhân dân địa phương kết hợp với tư liệu lịch sử và khảo sát thực địa cho biết rằng đền Tam Lang được xây dựng từ triều đại nhà Trần, khoảng niên hiệu Kiến Tân (1398-1400), do tín ngưỡng thờ thần của các bậc lão thần triều trần. Thờ thần Tam Lang (thần Rắn) – một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc ta, mà tín ngưỡng dân gian sơ khai thờ thần nước là bà Chúa Thủy, qua từng thời kỳ lịch sử, hình thức thờ được mở rộng mang tính tượng trưng như thờ rồng, rắn, hà bá…Tục thờ thần rắn khá phổ biến ở nước ta.

Upload

Đền tam Lang

Thần tích Tam Lang ở ngôi đền này không có hoặc bị thất lạc không ai hay biết. Hơn nữa, để lý giải thờ thần rắn có nhiều phần tích khác nhau, nhưng theo “làng cổ Hà Tĩnh” (Thái Kim Đỉnh – XB năm 200) thì thần Tam Lang Long vương xuất phát từ truyền thuyết thời Hùng Vương. Chuyện kể rằng: Trên một chiếc thuyền ở ngã ba con sông Bạch Hạc (Vĩnh Phú), vợ chồng Trang Hoa (em Hùng Vương thứ 3) đã sinh ra ba chàng rồng, sau này ba chàng làm thủy thần và được gọi là Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang; Tam Lang là chàng ba – con vua Hùng được sai làm thủy thần ở sông Bạch Hạc.

Ngôi đền thiêng này đã nổi tiếng dưới triều đại nhà Lê, tương truyền, trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh của nghĩa quân Lê Lợi thế kỷ XV, trước khi đem quân lên mở cuộc tấn công ở Đỗ Gia (Hương Sơn) vào năm Giáp Thìn 1424, nghĩa quân của Lê Lợi đã về nghỉ chân chốn này. Đêm đó, bỗng nhiên voi biến mất, như một điềm xấu, nhiều lần xuất quân, quân ta đều bại trận. Ông bèn cho thắp hương tế lễ cầu khấn ở ngôi đền này, bỗng nhiên tìm lại được voi ở đồi trọc  gần đó và sự linh ứng của ngôi đền thiêng đã trợ giúp triều thắng trận liên tiếp.

Thắng giặc trở về, vua cho đúc hai tượng voi chầu hai bên trước nghi môn và hai con ngựa chiến để thờ. Chính vì thế trong dân gian vẫn gọi ngôi đần này là đền Voi Ngựa:

“Ai về Mòi chợ mà coi

Trên đền dưới chợ hai voi phục chầu”

Ngôi đền thiêng này đã được các triều đại phong kiến phong ban nhiều sắc đạo. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan đến nay một số sắc này bị rách nát, hư hỏng nhiều.

Trước thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, khu vực đền rất trù mật, bốn bề cây cối rậm rạp với nhiều cây cổ thụ vài người ôm không xuể, lại có địa thế tiến thoái lưỡng nan nên đã được tổ chức  hội nghị chi bộ Đảng xứ Trung kỳ thời kỳ 1930-1931, do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chủ trì.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền là địa điểm tập hợp khởi nghĩa, cờ đỏ búa liềm đã được đồng chí Đặng Văn Hưng treo trên cây mít cố Thuyên cạnh đền để nêu cao tinh thền cách mạng của nhân dân xã Xuân Lộc. Năm 1940-1945 địa điểm đền đã nhiều lần tổ chức hội nghị tổng bộ Đoài do đồng chí Phan Cận chủ trì, tập trung bàn bạc kế hoạch cướp chính quền trong cách mạng Tháng Tám.

Đền còn là địa điểm tập hợp và huấn luyện đội dân quân du kích luyện bắn cung nõ, súng kíp, súng trường…phục vụ kháng chiến những năm 1946-1947.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Ngã Ba Đồng Lộc trở thành vị trí trọng điểm bắn phá ác liệt của kẻ thù, bởi chúng coi đây là yết hầu giao thông của đất Hà Tĩnh nối liền hậu phương lớn Miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam, thì khu vực đền và vùng phụ cận là nơi trú ngụ của các đơn vị  bộ đội pháo cao xạ, tên lửa, đạn dược, ra đa, lương thực, thực phẩm…cung cấp trực tiếp cho chiến trường.

Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP