Hải An học giỏi môn Toán và tiếng Việt. Con mơ ước trở thành bác sĩ thú y hoặc huấn luyện viên động vật. |
Chiều 22/2, bé Hải An qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa, căn bệnh hiếm ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn. Mẹ bé và gia đình đã hiến tặng giác mạc của con để trao ánh sáng cho những người khác. Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình khiến nhiều người xúc động. Hai bệnh nhân có các chỉ số tương thích cao nhất đã được ghép giác mạc của bé tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) chiều 26/2.
Nghe tin ca ghép đã xong và mắt của hai người nhận có phản ứng tốt, chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An, mới thả lỏng một chút. Trước đấy, chị đứng chờ ở Viện Mắt, căng thẳng lo giác mạc của con có được ghép thành công không. Xong xuôi, chị về chùa đọc kinh cho con đến đêm.
Mấy ngày nay, người mẹ trẻ giữ bên mình điện thoại và ipad để ngắm ảnh rồi xem lại video về con. Mỗi lần mở video cũ, thấy con cầm máy sấy giả làm micro hát bi bô hay hào hứng dạy cún cưng ngồi, chị Dương nhoẻn miệng cười nhưng nước mắt tuôn rơi.
Trong gian nhà cấp 4, bàn thờ bé An được kê gần giường con nằm trước lúc qua đời. Người mẹ trẻ chậm rãi thắp nén hương rồi nhìn di ảnh có hình bé gái bụ bẫm, đang mỉm cười, giới thiệu với con có khách đến chơi. Từ lúc con ốm và nằm điều trị, ngôi nhà của vợ chồng chị Dương phải bán đi. Hai mẹ con chuyển về nhà bà ngoại ở vì bố bận công tác lâu lâu mới về.
Người phụ nữ 33 tuổi có dáng người gày, gương mặt vương nỗi buồn, mệt mỏi ngồi xuống giường, ánh mắt liên tục hướng lên như đang trò chuyện với tấm ảnh con gái trên bàn thờ. Lúc sáng ra khỏi nhà đến trường dự lễ vinh danh Hải An, chị bỗng thấy hụt hẫng khi bình thường hai mẹ con hay đèo nhau đi; trời mưa, con thường rúc vào lòng mẹ. Hôm nay chỉ có một mình, chị Dương khóc cả quãng đường đến trường cũ của con. Chị quỳ sụp xuống chân nhóm bạn thân của con gái òa khóc khi chúng xin phép được gọi chị là mẹ.
Những ngày chiến đấu bệnh tật trong viện, Hải An luôn tỏ ra mạnh mẽ và lau nước mắt cho mẹ. |
Hành trình chiến đấu với ung thư
Tháng 9/2017, Hải An bắt đầu có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 khiến mồm méo, mắt có hiện tượng song thị. Gia đình sau đó đưa bé đi châm cứu và chữa bằng đông y nhưng tình trạng không tiến triển nhiều. Hai tháng sau, Hải An được chụp CT mới biết chính xác khối u ở đâu. Rút tờ kết quả chụp phim ra, chị Dương chết lặng khi thấy ghi "u thân não". Nước mắt chị trào ra, đôi chân chị chỉ muốn sụp xuống, không nhấc nổi. Chị chạy ra ôm con khóc.
"Tôi hỏi bác sĩ: '18 tháng được không chị?', chị ấy không nói gì, chỉ lắc đầu. '9 tháng được không?', 'chị ơi vậy tính ngày hay tính tháng?'. 'Tính ngày thôi em ạ', bác sĩ đáp. Cầm kết quả chụp trên tay, mẹ con tôi sang ngay Bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn. Họ bảo phải xạ trị, nghe thế tôi chỉ biết ôm con gục xuống. Hải An không khóc mà chỉ vuốt đầu mẹ", chị Dương nhớ lại.
Trong hành trình chữa bệnh cho Hải An, chị Dương bảo không thể mạnh mẽ bằng con gái. Lúc vào xạ trị trong viện, bé còn động viên bệnh nhân khác bằng sự lạc quan và nghị lực của mình. Không ít lần, Hải An còn phải lau nước mắt cho mẹ.
Thanh quản của Hải An có vấn đề khiến bé không nói được mà chỉ bập bẹ, một bên tay của em cũng bị liệt. Những lúc không chịu nổi đau đớn, bé khóc và đồng ý để mẹ truyền giảm đau. Với cân nặng của Hải An, con chỉ được dùng 1/3 chai giảm đau nhưng nhiều khi bé với tay giật dây mong được truyền hết. Từ ngày Hải An vào viện, chị Dương thường phải xay nhuyễn thức ăn và cho con ăn qua ống xông để bé không nôn.
"Hải An lúc nào cũng thèm ăn và hay nói câu: 'Heo quay rất ngon là heo quay thịt gà' vì con thích món nướng. Con muốn ăn qua miệng và không hợp tác đặt ống xông vì khó chịu. Tôi đặt đến 5-6 lần không được và phải rút ra. Cuối cùng tôi phải thuyết phục con mới đồng ý", chị Dương cho hay.
Bệnh của Hải An rất dễ ra đi vào đêm và gần sáng. Vì thế, chị Dương và người nhà luôn bên cạnh túc trực. Ban ngày, chị lau rửa phần miệng bị viêm nhiễm cho con, ban đêm thức trông. 10 ngày cuối cùng, Hải An rơi vào hôn mê, phải mở khí quản và chỉ mở mắt tỉnh ba lần.
Chị Dương hy vọng, qua trường hợp của Hải An, điều luật về hiến nội tạng được sửa đổi. |
Di nguyện hiến tạng cứu người của cô bé 7 tuổi
Nhắc tới con gái, chị Dương hào hứng kể về cô bé có nickname là tên một chính trị gia nổi tiếng nước Nga. Con thích lãnh đạo và đặc biệt thích bắt chước. Ở trường, bé học giỏi môn Toán, tiếng Việt và hòa đồng với bạn bè. Bé ước mơ trở thành bác sĩ thú y hoặc người huấn luyện động vật. Con biết vào mạng, hay sử dụng ipad để tìm hiểu thông tin.
Trong một chia sẻ trên mạng, chị Dương từng viết muốn được hiến xác cho y học, còn nội tạng được trao tặng cho ai trong danh sách chờ ghép; riêng đôi mắt sẽ tặng cho chị gái. Chị giải thích cho con gái biết mỗi bộ phận cơ thể đều có ích, dù sống hay chết; và hay nói vui với Hải An rằng mẹ phải chăm sóc nội tạng tốt. Mẹ con chị lúc nào cũng có tâm niệm muốn làm đẹp cho đời. Hải An cũng thường hỏi mẹ về ý nghĩa hành động bác sĩ cúi đầu cảm ơn bệnh nhân hiến tạng.
Chị Dương tâm sự, việc hiến tặng nội tạng là di nguyện của Hải An. Lúc Hải An còn tỉnh táo, hai mẹ con hay thủ thỉ trò chuyện và bé đã nói ra mong muốn của mình.
"Con hỏi thiên đường có đẹp không và nói sẽ chờ mẹ ở đấy nhưng không phải lúc này. 'Mẹ hãy đợi nghe tiếng tim con đập một lần nữa', Hải An nhắc mẹ. Tôi bảo con: 'Mẹ sẽ chờ nghe tiếng con đập trong cơ thể các bạn khác'. Chắc lúc ấy con biết mình sẽ ra đi", chị Dương nghẹn ngào.
Khi Hải An sắp qua đời, chị Dương gọi điện đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với nguyện vọng xin hiến tạng. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ nhận nguồn tạng hiến từ người đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Hải An mới 7 tuổi. Cuối cùng, chị Dương quyết định giúp con hoàn thành tâm nguyện bằng cách hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người có bệnh lý giác mạc.
Chị Dương đưa con về nhà để người thân gặp và ăn bữa cuối. Những phút cuối cùng, chị và một người khác vẫn gắng bóp bóng, ấn tim cho con.
"Tôi nói với Hải An: 'Con đừng bỏ mẹ, đừng buông và hãy mở mắt nhìn mẹ một lần'. Đúng phút cuối, Hải An mở mắt. Tôi không biết là đó là do cơn co giật hay đấy là ý thức của con, chỉ biết rằng Hải An nhìn mẹ, thế là tôi mãn nguyện", chị Dương kể. "Con ấm rất lâu và nằm trong lòng mẹ cho tới khi nhân viên trung tâm đến".
Gia đình chị Dương mong thông qua trường hợp của bé Hải An, điều luật quy định về độ tuổi của người hiến tạng sẽ được thay đổi. Theo chị Dương, người nhận giác mạc của Hải An vẫn có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
"Tôi hy vọng họ biết thông tin này và có thể tiếp tục việc làm ý nghĩa đó. Nếu được như vậy thì đôi mắt của Hải An sẽ còn mãi", chị Dương nói.
Tác giả: Hà Phương
Nguồn tin: ngoisao.net