Cô là giáo viên dạy Sử tại một trường làng ở Nghệ An. Ở vùng đất hiếu học này và cũng như nhiều vùng khác trong cả nước, trước đây rất nhiều học sinh giỏi chen chân thi vào Sư phạm.
Điểm chuẩn vào Sư phạm những năm đó cao ngất ngưởng. Học trò của cô, từ khoảng năm 2003 trở về trước, chỉ những em thật sự có năng lực mới dám và thi đỗ vào Sư phạm. Mỗi năm chỉ vài ba học trò tinh hoa nhất của trường đỗ vào Đại học Sư phạm 1, rồi những em ở nhóm học lực tốt tiếp theo mới đỗ được vào những trường Đại học Sư phạm ở các địa phương. Kể cả Cao đẳng Sư phạm khi đó điểm đầu vào cũng cao. Có em 20 điểm ở khối C vẫn không có cửa vào Cao đẳng Sư phạm.
Học sinh giỏi không còn mặn mà với nghề giáo? |
Ba đứa con của cô, 1 trai 2 gái, được giáo dục một cách chăm chút từ nhỏ với kết quả học tập nổi bật, được truyền lửa nghề giáo từ mẹ đều thi và đỗ vào Sư phạm. Với Sư phạm, cô mang niềm tự hào về nghề nghiệp cùng niềm kiêu hãnh về gia đình.
Ngày trước, sau mỗi kỳ thi, nhiều em đến chia sẻ niềm vui đỗ đại học, cô bắt tay chúc mừng rối rít nhưng cũng có khi buột miệng đầy tiếc nuối: “Điểm này vẫn chưa đủ đỗ Sư phạm”. Đúng là có những năm 24 - 25 điểm vẫn chỉ đứng “ngoài cổng” cánh trường Sư phạm.
Sau đó cô cũng tự trách mình vô tâm, vô tình... nhưng có lẽ sự tự hào về ngành nghề của mình trong cô lúc đó quá lớn. Trong ngành, cô cũng hiểu rõ, nghề giáo thật sự cần những người giỏi, tâm huyết. Cô luôn hướng học trò giỏi hướng đến công việc “trồng người”.
Nhưng rồi niềm kiêu hãnh của cô rơi rụng dần khi tầng tầng lớp lớp học sinh "quay lưng" với nghề giáo. Đã không thấy những học sinh là nhóm đầu đàn của mỗi khóa học chọn thi vào Sư phạm. Nghe đến thi Sư phạm là các em còn lắc đầu ngán ngại.
Có những em học sinh giỏi nói với cô: “Tụi em mà thi Sư phạm thì phí lắm cô ơi...”. Cô nghẹn chát ở cổ.
Vẫn có nhiều em thi vào Sư phạm nhưng không phải bằng niềm kiêu hãnh, tự hào như cô vẫn nghĩ. Giờ đây, có những em chọn ngành này vì năng lực hạn chế, không đủ sức thi vào các ngành khác. Cô biết, không phải cứ học ở phổ thông giỏi, thi đại học điểm cao mới có thể là một giáo viên giỏi. Nhưng nghề nào cũng cần nền tảng nhất định, có nhiều nơi đào tạo Sư phạm với điểm đầu vào thấp đến mức cô không dám hình dung về những người thầy tương lai trên bục giảng. Có những em chỉ cần 3 điểm/môn đã có thể theo học Sư phạm...
Bao năm nay, cô không dám nghe, không dám đọc bản tin về điểm chuẩn của nhiều trường, nhiều ngành Sư phạm. Không hiểu sao nó làm cô nhói tim, làm cô tổn thương, có thể làm cô trở nên yếu đuối đến chảy nước mắt.
Dường như niềm kiêu hãnh của cô về nghề giáo, về trường Sư phạm chỉ còn là chuyện của ký ức. Chỉ có nỗi đau đáu đang là hiện tại. Nhất là có lúc cô có những học sinh giỏi của mình theo nghề giáo báo tin “Em bỏ nghề rồi cô ơi!”.
Cô tự hỏi, chúng ta đã đãi nghề thế nào và nghề đang đãi chúng ta ra làm sao?
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí