Trong nước

Đạo đức là cội nguồn sức mạnh của Đảng

Theo PGS TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã gần nửa thế kỷ nhưng di sản Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Cả về tư tưởng, đạo đức lối sống, cả về phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách sống, sinh động lắm.

PGS TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

“Nếu chúng ta học hỏi Bác một cách nghiêm túc, cầu thị học vì đất nước, dân tộc, vì Đảng ta, vì chế độ vững vàng thì điều này có ý nghĩa sâu sắc cho công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin tưởng chúng ta học tập làm theo gương Bác, dù vẫn còn khó khăn phức tạp, còn những chuyện tiêu cực, nhưng nhìn đại cục cần hướng tới phát triển, hướng tới những điều tốt đẹp hơn cho đất nước”- ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra đời rất đúng lúc, lại được kết hợp thực hiện với NQTƯ 4 khóa XII để thúc đẩy quá trình xây dựng Đảng cả về tư tưởng, đạo đức, và phong cách làm việc.

Nhất là phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên ngày nay còn nhiều việc đáng phải bàn.

Sinh thời Bác Hồ luôn nhắc đạo đức là cái gốc của mọi việc. Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho nên trong xây dựng Đảng phải hết sức quan tâm đến đạo đức. Đạo đức như cái gốc, cội nguồn sức mạnh của Đảng, của cách mạng.

Ông Phúc nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng sở dĩ Đảng ta được toàn dân tộc suy tôn thì ngoài trí tuệ, đường lối cương lĩnh, ngoài sự lãnh đạo đúng đắn còn là những tấm gương đạo đức trong sáng của nhiều thế hệ những người cộng sản. Điều đó đã cảm hóa cả dân tộc.

Vì thế trong điều kiện hiện nay càng phải giữ gìn và hoàn thiện những tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của các thế hệ những người cộng sản.

Từ đó, thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng hướng tới mục tiêu cao cả: Xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng thành công CNXH.

Cùng đó, theo ông Phúc, phải nhìn thẳng vào sự thật có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có biểu hiện hư hỏng suy thoái về đạo đức, lối sống, điều đó không những ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Đảng mà còn làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng, uy tín ảnh hưởng của đảng với nhân dân. Vì thế, phải ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức. Bộ Chính trị cũng đã ra Quy định 90 có 20 tiêu chí với cán bộ cấp cao.

Tiêu chí, tiêu chuẩn ấy là yêu cầu khách quan để mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đấy tự tu dưỡng rèn luyện, những điểm gì mình làm chưa tốt phải phấn đấu theo tiêu chuẩn, điểm gì vi phạm phải sửa chữa, điều gì chưa vi phạm cũng biết chuẩn mực ấy để tránh xa cám dỗ, tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

Kỳ này, Hội nghị Trung ương 7 đưa ra một hệ tiêu chí, tiêu chuẩn những người cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược ấy trong hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn trong đó có tiêu chí về phẩm chất đạo đức.

“Còn làm thế nào để xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ giữa đức và tài, thì cần luôn nhớ lời Bác dạy. Đức bao giờ cũng là gốc và tài là cực kỳ quan trọng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Nhưng có tài mà không đức là người vô dụng. Toàn bộ yêu cầu lớn với xây dựng đội ngũ cấp chiến lược hiện nay theo Trung ương 7 chính là nội dung căn cốt trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong xây dựng Đảng”- ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Tác giả: Nguyên Khánh

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP