Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới

Trải qua bao khó khăn, Hà Tĩnh đã bước sang thời kì mới, thời kì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là 1 trong những yếu tố để làm nên thắng lợi.

Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị cùng với nhân dân Hà Tĩnh đoàn kết bên nhau xây dựng quê hương mình giàu đẹp. Là tỉnh mang truyền thống sản xuất nông nghiệp, chiến tranh kéo dài đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm cho nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nông thôn bị hạn chế về nhiều mặt, kể cả nhận thức và trình độ sản xuất. Hơn nữa, Hà Tĩnh lại là vùng có khí hậu khắc nghiệt chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Những trận lũ lụt, những cơn bão, những trận gió Lào đã cuốn đi biết bao thành quả lao động của người dân nơi đây. Vì vậy, trong tiềm thức của một số người không khỏi mang ý thức sản xuất manh mún.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng sẵn có, năm 2011 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Những ngày đầu của chương trình, thuận lợi không phải là ít, nhưng khó khăn gian khổ không phải là nhỏ, nhất là nguồn kinh phí và tầm nhận thức đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trục đường giao thông NTM ở Tượng Sơn, huyện Thạch Hà

Xác định được tầm quan trọng, nhân dân là chủ thể, là sức mạnh tổng hợp để đẩy con thuyền tiến lên phía trước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chỉ đạo, phối hợp với cả hệ thống chính trị, lấy mặt trận Tổ quốc là cầu nối vững chắc giữa các đoàn thể, lấy cán bộ nòng cốt có uy tín ở các cơ sở là những tuyên truyền viên giỏi, có đầu óc linh hoạt, sáng tạo, biết tổ chức, nói cho dân hiểu, dân tin: xây dựng nông thôn mới không những đưa lại lợi ích trước mắt mà còn là bản lề cho cuộc sống mai sau...

Chính vì vậy mà khả năng phát huy nội lực của các xã trong toàn tỉnh ngày càng được phát huy rõ nét, phong trào đã lan tỏa từ miền núi xa xôi đến đồng bằng và những miền ven biển, nơi cồn khô cát bạc, đâu đâu cũng tưng bừng náo nhiệt, người dân đã hiến đất, cây cối, tường rào, ngày công, những nhà hảo tâm, những con em xã quê, tất cả đều hướng về quê hương mình bằng vật chất và tấm lòng thành kính. Những vườn tạp trước đây được xóa bỏ, thay vào đó là những vườn mẫu, những xóm làng mẫu cây cối xanh tươi. Những con đường nhỏ lầy lội năm xưa không còn nữa, thay vào đó là những trục đường rộng với những hàng cây thẳng tắp, ánh điện sáng bừng. Những cánh đồng nắng hạn, ngập úng được kiên cố hóa bằng hệ thống mương cứng để tưới tiêu.

Chiến lược lương thực được phát huy trên toàn tỉnh, đặc biệt ở những vùng có truyền thống và khả năng thâm canh lúa như Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà. Hệ thống trường học và trạm y tế được chuẩn hóa, giáo dục, y tế được đổi mới. Các mô hình sản xuất được đầu tư và phát triển. Trong mấy năm gần đây tuy tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được quan tâm và phát huy lợi thế. Thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, số hộ nghèo giảm xuống rõ nét, đời sống của nhân dân thay đổi từng ngày, khí thế ra quân lao động sản xuất của người dân tưng bừng nô nức như ngày hội.

Điều cốt lõi là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm cho phong trào ngày càng lớn mạnh, mỗi người dân đều thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, góp phần hoạch định và xây dựng các công trình phúc lợi. Có dịp mời bạn đến Đức Thọ về với Tùng Ảnh - nơi quê hương khoa bảng hay vùng Trung Lễ - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng hoặc ghé xuống Yên Hồ để được đắm mình trong những ngôi trường học khang trang và được nghe tiếng giảng bài của các cô giáo thân thương dễ mến.

Chỉ mấy cây số thôi, ta sẽ đến Thái Yên - nơi có nhiều mô hình sản xuất mới. Mời bạn về Thạch Hà để được đến Tượng Sơn với những vườn mẫu, cánh đồng mẫu như những bức tranh thủy mặc làm xao xuyến lòng người. Qua dãy Ngàn Hống, về với quê hương cụ Nguyễn Du, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu như ở Xuân Mỹ, Xuân Viên...Và trên mảnh đất Hà Tĩnh này có biết bao bức tranh như thế...!

Năm 2011 – 2015, giai đoạn một của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh có những nét nổi bật như: Nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 5,46% /năm (cao hơn mức mức bình quân cả nước). Xây dựng và phát triển được hơn 7000 mô hình sản xuất, kinh doanh; thành lập 919 doanh nghiệp ở nông thôn; 429 hợp tác xã; 807 tổ hợp tác. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng nhanh, năm 2014 đạt gần 20 triệu đồng (tăng 2,3 lần so với năm 2010); tỉ lệ hộ nghèo còn 7,42% (giảm 16,49% so với năm 2010). Huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới đạt hơn 28 ngàn tỉ đồng. 106 xã được các tổ chức, đơn vị đỡ đầu, giúp đỡ tài trợ nguồn kinh phí với số tiền trên 560 tỉ đồng. 412 khu dân cư kiểu mẫu, 800 vườn mẫu làm tăng thêm vẻ đẹp hài hòa, thanh bình ở những vùng quê nông thôn. Năm 2015, có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã dưới 5 tiêu chí.

Những gì đã đạt được của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn một 2011-2015 trên địa bàn Hà Tĩnh là bước đệm vững chắc cho giai đoạn hai 2016-2020. Từ đó đến nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh không dừng lại ở những gì đã đạt được mà ngày càng được phát huy cao độ, trên mọi lĩnh vực, ở từng huyện, từng xã, từng thôn xóm, từng cá nhân, khắp nơi đều nở rộ những gương người tốt việc tốt, số xã về đích nông thôn mới năm sau cao hơn năm trước: năm 2013, toàn tỉnh mới có 7 xã; sang năm 2014 có 19 xã; năm 2015 có 26 xã; năm 2016 có 30 xã; năm 2017 có 33 xã. Cho đến thời điểm cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Tĩnh là địa phương được Trung ương đánh giá cao về những nỗ lực trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Như chúng ta đã biết, qua từng thời kì của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với các tổ chức mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã thực hiện đúng vai trò của mình, trong đó có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và các tổ chức mặt trận Tổ quốc: “Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị” là tổ chức liên minh chính trị, tập trung để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Thực tế trong những năm qua tại Hà Tĩnh, mảnh đất đã kiên cường chống giặc ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt. Đặc biệt là từ khi có quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn hai, vai trò của mặt trận Tổ quốc một lần nữa lại thấm sâu vào từng người dân, từng đoàn thể, tạo thành một sức mạnh hữu cơ để cùng với chính quyền hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Và mảnh đất “ chảo lửa, túi mưa” này lại tiếp tục đâm hoa kết trái./.

Tác giả: Dương Chí Sỹ

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP