Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã 92 tuổi |
Sức khỏe yếu vì… có nhiều nỗi buồn
Căn nhà cũ kỹ của nhạc sĩ nằm trong một con hẻm nhỏ với vô số âm thanh hỗn tạp, nào tiếng chó sủa, tiếng nói chuyện ầm ĩ, tiếng rao hàng rong ồn ào… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngồi một mình trong góc nhỏ hắt hiu, đưa ánh mắt nhìn qua khung cửa sổ và nói: “Sau khi hàng loạt nhạc sĩ ra đi, mọi người tỏ ra lo lắng cho tôi. Tuổi của tôi đã cao nhưng cũng may là sức khỏe còn tương đối”.
Dù tỏ ra lạc quan nhưng ít ai biết rằng hằng ngày người nhạc sĩ 92 tuổi này phải chịu sự hành hạ của nhiều căn bệnh. Sau hai lần tai biến mạch máu não, ông bị liệt nửa người bên trái. Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng chân ông đột nhiên giật liên tục…
Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hơn 20 năm qua, chia sẻ: “Bình thường, ông là người có thói quen sinh hoạt đúng giờ, thức dậy từ rất sớm để ăn sáng và uống sữa, sau đó ngồi ngắm phố phường. Tuy nhiên dạo gần đây, ông có một số biểu hiện bất thường như khó ngủ và thức dậy trễ hơn nên tôi lo lắm”.
Hỏi ông bị khó ngủ là do bệnh hay có nỗi buồn gì không, ngay lập tức nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xúc động: “Tôi có nhiều nỗi buồn lắm, đã lâu rồi người mà tôi yêu thương nhất vẫn chưa đến thăm. Giờ tôi muốn cho người lạ có hoàn cảnh thiếu thốn ở nhờ mà cũng không thấy”.
Trò chuyện được một lúc, nhạc sĩ ngả người dựa vào ghế, do có dấu hiệu chóng mặt và khó thở nên chúng tôi phải dìu ông vào phòng nghỉ.
|
Phòng ngủ của ông |
Mẹ yêu con là bài hát gắn liền với cuộc đời
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những ca khúc như Mẹ yêu con, Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa…
Ông là nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về các vùng miền nhưng ít ai biết rằng ông đã đi rất nhiều, nơi nào có bàn chân ông đặt tới, nơi đó sẽ đi vào âm nhạc và sống mãi với thời gian. Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, ông nói: “Trong một lần về Hà Tĩnh, tôi được ở khách sạn nhưng vẫn muốn sống cùng anh em để tìm nguồn tư liệu sáng tác. Đến nay, họ vẫn giúp đỡ tôi hằng tháng”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mỗi bài hát của ông đều xuất phát từ cảm xúc chân thật và là một kỷ niệm khó quên. Một trong số đó là bài hát Mẹ yêu con, gắn liền với cuộc đời thăng trầm của ông: “Tôi sáng tác bài Mẹ yêu con sau khi cưới vợ, lúc đó Mỹ đánh dữ lắm nên hai vợ chồng về quê mẹ tôi. Mỗi khi có máy bay địch, mẹ tôi đỡ con dâu bụng mang dạ chửa lên bè chuối đẩy ra giữa sông để tránh bom, vì thế mà thoát chết. Đó là bài hát kỷ niệm tôi viết tặng vợ và con, trong niềm hạnh phúc của những người làm mẹ khi chứng kiến con mình từ lúc mới biết cười, biết nói cho đến lúc trưởng thành”.
Tình yêu đối với âm nhạc là thế nhưng khi nói đến tình người nghệ sĩ, ông buồn bã: “Đối với tôi, Ánh Tuyết và Cẩm Vân như con cháu trong gia đình, ngược lại vẫn có người bất nhân chỉ biết lợi dụng. Nói như thế để biết có những người sống tình nghĩa và ngược lại”.
Dù tuổi cao sức yếu nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn rực cháy trong ông. Nhắc đến tâm huyết lớn nhất đời mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết: “Hi vọng có người giúp tôi thực hiện một chương trình nói cho được những bao quát của con người đối với cuộc sống, chỗ nào có chiến đấu thì nơi đó có tác phẩm. Đó là những đề tài lớn của thời đại như Bài ca năm tấn, Phụ nữ Việt Nam, Cô đi nuôi dạy trẻ... làm như vậy mới có ích cho xã hội”.
Trò chuyện với chúng tôi, nỗi cô đơn của ông dường như được chia sẻ. Giờ đây, niềm vui cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là được gặp gỡ và nói chuyện với những người yêu mến tác phẩm của ông.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật |
Dư âm là một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý |
Ảnh chụp cùng nhạc sĩ Phạm Duy |