Tin Liên Quan

Cuộc chiến… gìn giữ từng cung đường

Gần như cùng lúc, các địa phương trên cả nước đồng loạt mạnh tay xử lý xe quá tải, cơi nới thành thùng xe, nhất là các tỉnh có Quốc lộ 1A chạy qua. Đây cũng là hiệu ứng tích cực từ những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cũng như sự năng nổ, xông xáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, chỉ với mục đích duy nhất: Gìn giữ từng cung đường!

1
Yêu cầu xử lý cắt gọt thành, thùng xe cơi nới sai thiết kế ngay tại hiện trường.

Cuộc chiến không cân sức

Không hề ngoa ngôn khi nói rằng việc phát hiện, bắt, xử lý xe quá khổ, quá tải để gìn giữ từng cung đường thời gian gần đây trên khắp cả nước như là một “cuộc chiến”, giữa một bên là lực lượng chức năng và một bên là từng đoàn xe quá khổ, quá tải ngày đêm rầm rập trên quốc lộ.

Cũng không hề phiến diện, khi nhận định đây là “cuộc chiến không cân sức”, bởi phải thừa nhận sự thật, lực lượng chức năng quá mỏng và yếu, so với lực lượng quá hùng hậu của các nghiệp đoàn, doanh nghiệp có xe tải trọng lớn.

Làm một ví dụ: Ở tỉnh Hà Tĩnh, thống kê chưa đầy đủ, đã có trên dưới 5.000 xe có tải trọng lớn, loại 3, 4 chân, tập trung nhiều nhất ở Khu kinh tế Vũng Áng, Dự án Ngàn trươi – Cẩm Trang và phía Bắc của tỉnh – nơi có nhiều mỏ đá tập trung ven chân dãy núi Hồng Lĩnh. Trong khi đó, lực lượng chức năng có 01 trạm cân tải trọng cố định ở thị xã Hồng Lĩnh; 01 trạm cân lưu động liên ngành mới thành lập. Mỗi trạm như thế, cộng hết các lực lượng cũng chỉ có từ 7-10 người.

Đã có quy định, các trạm kiểm soát trọng tải xe phải làm việc 24/24 giờ, nhưng khi trạm lưu động làm đầu này thì đầu kia xe vẫn chạy, nơi trạm cân hoạt động thì xe quá tải án binh bất động. Ngày hôm sau, trạm cân lưu động sang địa điểm khác, thì tình trạng đó lại tái diễn.

Rồi hiện tượng xe quá tải chạy ngoài giờ hành chính, chạy cả ban đêm, chạy xuyên qua đường dân sinh, đường tỉnh lộ để “né” trạm cân…

Lực lượng tại địa phương không kham nổi! Hay đúng hơn, không thực sự quyết liệt để kham nổi! Đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phải thân chinh về địa phương “nóng” là Hà Tĩnh để bắt giữ xe quá khổ, quá tải. Kết quả là “nhìn đâu cũng thấy xe quá khổ, quá tải, vậy mà lực lượng chức năng không phát hiện ra để xử lý?”.

2
Thanh tra giao thông tháo biển một xe tải siêu khủng, với thùng xe đã cải tạo, tăng thêm diện tích 30%.

Ngay như ngày 06/8 vừa qua, Cục phó Cục Quản lý đường bộ 2, ông Đào Văn Minh cùng với cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam và Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh thành lập 01 đoàn đi kiểm tra, bắt xe quá tải, cơi nới thành thùng xe tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trong 02 ngày, đoàn đã bắt và xử lý…17 xe chở quá tải, cơi nới thành thùng xe. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế lượng xe quá khổ, quá tải đang hoành hành ở đây. Bất lực hơn, khi đoàn kiểm tra đang dừng xe tải này lại, thì các xe chở quá tải vẫn cứ nghênh ngang đi qua ngay trước mặt, bởi một sự thật là không thể dừng lại hết một lúc để xử lý được.

Giải pháp nào để cứu đường?

Đây là câu hỏi không khó để tìm câu trả lời, nhưng để hiện thực hóa thì không hề đơn giản. Ông Trần Văn Tùng, Trưởng Ban quản lý và điều hành dự án xây dựng giao thông thuộc Sở GTVT Hà Tĩnh từng bất lực phân trần khi phải “bóc” một số đoạn của tỉnh lộ 15 cũng như QL1A đoạn từ cầu Bến Thủy đến Bắc thành phố Hà Tĩnh lên để rải thảm lại: “Tất cả do xe quá tải hết. Làm được đầu này chúng nó (xe quá tải-PV) lại cày nát đầu kia, chúng tôi lập rào chắn, cử lực lượng tuần tra, kiểm tra giám sát cũng không cản nổi…”

Ông Tùng cũng cho biết thêm, dự kiến đến tháng 12, toàn tuyến thi công mở rộng QL 1A từ phía Nam thành phố Hà Tĩnh vào đến Đèo Ngang sẽ được bàn giao, hiện tại đã đạt 65% tiến độ. “Nhưng với tình trạng này, khó có thể đảm bảo chắc chắn mặt đường không bị xuống cấp sau khi bàn giao, bởi đây là vùng trọng điểm của khu kinh tế, mật độ xe tải hạng nặng quá dày đặc, không cách gì cản nổi”.

Hà Tĩnh là vậy, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… cũng chẳng hơn gì, khi thực trạng xe quá khổ, quá tải cũng đang khiến chính quyền và các cơ quan chức năng ở đây đau đầu tìm cách xử lý, mà báo chí đã phản ánh gần đây.

Không thể cứ nói như ông Đào Văn Minh- Cục phó Cục Quản lý đường bộ 2: “Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý đến chừng nào hết xe quá tải, tự ý hoán cải thành thùng thì thôi”. Khó lắm, bởi cái này thuộc về ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp xe tải, cũng như đối tác sử dụng xe. Trong lúc chế tài xử phạt hãy còn nương nhẹ, khi mức phạt chỉ dừng lại 900.000 đồng một lần vi phạm, cắt gọt thùng xe vi phạm cơi nới… Và trên hết, là quan niệm “Không sử dụng xe quá tải, xe đã hoán cải để chở được nhiều nguyên vật liệu, thì tiến độ các công trình sẽ chậm trễ…”.

Do đó, việc gìn giữ từng cung đường không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, mà còn là ý thức trách nhiệm với xã hội của các doanh nghiệp có xe vận tải, cũng như đối tác sử dụng xe vận tải và các chủ đầu tư. Không thể cứ để tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” xảy ra mãi như thời gian qua.

Cuộc chiến này hãy còn dài, nếu một bên còn bất chấp, một bên thiếu quyết liệt! Và chế tài xử lý chỉ như “gãi ngứa” như hiện nay!

Tiến Bùi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP