Trong nước

Có nên quy định cứng số ngày nghỉ Tết Nguyên đán?

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội vừa trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi đối với cán bộ, công chức, viên chức: Phương án 1 nghỉ 9 ngày, gồm 4 ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014 và 5 ngày đầu năm Ất Mùi 2015; phương án 2 nghỉ 7 ngày, gồm 1 ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014 và 6 ngày đầu năm Ất Mùi 2015.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015): 7 ngày hoặc 9 ngày.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại tá Phạm Trường Dân, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (Đại biểu Quốc hội Quảng Nam) đồng tình với phương án 1 (nghỉ Tết 9 ngày), vì sẽ phù hợp với phong tục tập quán của nước ta, nhiều người lao động đang phải làm việc ở xa quê hương sẽ có thời gian về thăm gia đình, thăm quê và được nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt nhọc.

Ông Dân dẫn thí dụ: “Những người quê ở đồng bằng bắc bộ vào TP Hồ Chí Minh hoặc vào miền Tây lao động, nên thời gian đi và về quê cũng đã mất mấy ngày rồi, thêm vào đó phương tiện đi và về cũng rất khó khăn nên nếu nghỉ Tết 7 ngày đối với những người lao động trong trường hợp này là không phù hợp”.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cứng số ngày nghỉ Tết nguyên đán.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng bày tỏ, phương án nghỉ 9 ngày sẽ được cán bộ, công chức, viên chức đồng tình, người lao động nói chung cũng vậy. Tuy nhiên, trong dịp nghỉ Tết, một số các doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài họ đã nhận đơn đặt hàng rồi mà nghỉ Tết 9 ngày thì rất khó khăn vì thiếu người lao động.

“Theo tôi, cũng phải cân đối cho phù hợp. Ví dụ, khối hành chính sự nghiệp thì nghỉ 9 ngày, còn khối doanh nghiệp thì tùy vào từng điều kiện cụ thể để bố trí nghỉ để làm sao vừa đảm bảo được công việc cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo cho người người lao động được nghỉ đúng theo quy định của nhà nước”, ông Vinh nói.

Còn theo Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì việc nghỉ Tết Nguyên đán có thể quy định “mềm” chứ không nên quy định “cứng”, tùy thuộc vào từng điều kiện doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp họ cần sản xuất liên tục chẳng hạn, nếu để nghỉ thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của bà An lại ngược với ông Vinh.

“Các cơ quan công quyền thì có thể nghỉ được 9 ngày, tuy nhiên nghỉ dài như vậy, các cơ quan công quyền cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề giao dịch của dân. Theo tôi, nên quy định như thế nào đấy, đừng có quy định cứng nhắc trong trường hợp này, nên là mềm hơn. Ví dụ quy định được nghỉ Tết từ 7 đến 9 ngày, do vậy các cơ quan đơn vị có thể áp dụng cho phù hợp. Tuy nhiên đối với lao động ở xa muốn về quê thì tuỳ theo từng điều kiện cụ thể để đưa ra ngày nghỉ cụ thể, phù hợp. Ví dụ như người lao động ở Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An mà làm tận ở trong Bình Dương, Cà Mau thì nên tạo điều kiện cho họ nghỉ dài sẽ phù hợp vì đây cũng là dịp để họ về thăm gia đình, còn các trường hợp khác thì cũng không nên cho nghỉ dài ngày.

Tôi thích phương án nghỉ ngắn hơn là dài, bởi vì nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến công việc. Ví dụ như cơ quan nhà nước được nghỉ 7 ngày, còn khối doanh nghiệp thì bố trí cho người lao động nghỉ 9 ngày”, bà An nói.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP