Người đương thời

Cô gái trong bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”

Trong khoảnh khắc lịch sử hiếm hoi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện đã ghi lại được khoảnh khắc nữ y tá xã Thạch Trung (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) Trần Thị Sâm đang băng bó vết thương cho viên phi công Mỹ, thiếu tá Obri Nicon sáng 19-5-1972.

Sau 31 năm bị quên lãng, bức ảnh mới được biết đến. Ít ai biết rằng, nhân vật chính, cũng là linh hồn của bức ảnh, giờ đang sống trầm lặng và gần như bị quên lãng trong một con phố nhỏ ở TP.Hà Tĩnh. Tìm đến khu phố Tiên Tiến (phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh), hỏi về bà Trần Thị Sâm, nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “Tấm lòng người Việt Nam” của nhiếp ảnh gia Từ Tiện, nhiều người chẳng ai biết bà gắn với sự kiện lịch sử này. Với họ, ở khu phố này chỉ có một bà Sâm bán gạo ngoài chợ tỉnh, có chồng là cán bộ công an về hưu. Câu chuyện của chúng tôi lần ngược trở về ký ức xưa cũ, những năm tháng hào hùng của thời thanh niên sôi nổi cứ nối tiếp nhau ùa về trong tâm khảm bà. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, 17 tuổi cô Trần Thị Sâm tham gia cách mạng, là nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt trên nhiều trận địa ác liệt từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị. Sau vì hoàn cảnh gia đình nên bà được điều động về công tác tại Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà, phụ trách lĩnh vực y tế. Năm 1972, Trần Thị Sâm lập gia đình với ông Nguyễn Văn Biên (SN 1948), là cán bộ ngành công an. Đám cưới được tổ chức dưới hầm quân sự, đó cũng là kết quả của mối tình chiến trận kéo dài hơn tám năm. Kể về khoảnh khắc lịch sử trong bức ảnh nổi tiếng, cô y tá Thạch Trung một thời nhớ lại: Lúc đó vào khoảng 10 giờ sáng 19-5-1972, sau khi máy bay Mỹ oanh tạc trên bầu trời thị xã Hà Tĩnh, đơn vị Trung đoàn 208 được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng trời thị xã đã bắn trúng một chiếc máy bay của giặc. Đang làm nhiệm vụ trực chiến tại văn phòng, y tá Sâm cùng bốn đồng nghiệp khác được lệnh đến xã Thạch Trung để băng bó cho bộ đội bị thương. Lúc năm người chạy đến đoạn giáp ranh giữa hai xã Thạch Trung và Thạch Quý thì phát hiện trên bầu trời một chiếc máy bay trúng đạn, bốc lửa đỏ rực đang quay cuồng, cùng lúc đó là một tên giặc lái nhảy dù xuống bãi trồng khoai ngoài đồng. Thấy vậy, mấy anh em tìm cách tiếp cận bằng cách trườn mình giữa các rãnh khoai. Lúc này, do viên phi công nhảy dù có bộ đàm nên vẫn liên lạc được, do đó trên bầu trời máy bay Mỹ lại quay lại quần thảo, bắn bom bi, rốc két xuống liên hồi để tìm cách cứu đồng đội. Khi tiếp cận được tên giặc lái, việc đầu tiên mọi người làm là đập nát bộ đàm để cắt đứt liên lạc. Sau đó, khống chế tên phi công Mỹ cao to, hắn ta trong tư thế vừa sợ vừa run, trên tay vẫn còn lăm lăm khẩu súng lục. Sau khi tước được súng, bà Sâm cùng mấy người đã khống chế và dẫn tên này về làng. Tên giặc lái được đưa đến trước cửa miệng hầm chữ A của một người dân tại xã Thạch Quý, lúc này mọi người mới biết hắn tên là Obri Nicon, quân hàm thiếu tá. Thấy Nicon bị thương và chảy máu nhiều ở mặt, dù rất căm hờn song chị Sâm vẫn kìm nén để băng bó vết thương. Đúng vào thời điểm đó, nhiếp ảnh gia Từ Tiện xuất hiện và ghi lại được khoảnh khắc đẹp trong chiến tranh này.


Bà Sâm đang tìm lại ký ức trong những tấm ảnh một thời hoa lửa


“Ông Từ Tiện đến và chụp ảnh lúc nào tui cũng chẳng biết. Mãi sau này, khi ông ấy mang tới nhà tặng cho gia đình một bức ảnh, tui mới biết” – bà Sâm kể lại. Cô y tá Trần Thị Sâm giờ đã lên chức bà, từ sau khi trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà vẫn tiếp tục công tác tại huyện Thạch Hà đến năm 1988 thì về hưu theo chế độ. Bà tâm sự rằng, về câu chuyện bắt sống viên phi công Mỹ, thiếu tá Obri Nicon, sau khi băng bó vết thương xong, trưa hôm đó người dân có nấu cơm cho Nicon ăn song phần vì sợ hãi, phần chỉ thấy cơm với rau muống nên viên phi công này không dám ăn mà chỉ luôn miệng kêu hai từ “Việt Nam”. Sau đó, các tổ chức như chính quyền, công an, huyện đội và người của Trung đoàn 208 đến chở Obri Nicon đi, còn đi đâu, số phận tên giặc lái đó sau này ra sao, bà cũng không được biết.Vợ chồng bà Sâm, ông Biên có với nhau năm người con, dù cuộc sống khó khăn song hai ông bà vẫn chắt chiu, nuôi con ăn học nên người. Hiện, ngoại trừ cô con gái đầu đang sống cùng khu phố, các con cháu đều lập nghiệp xa nên chỉ có hai ông bà quanh quẩn với nhau. Bà kể, thời kỳ sau khi nghỉ hưu, con cái đang học hành nên cuộc sống rất cơ cực, bà phải bán gạo ngoài chợ TP.Hà Tĩnh gần mười năm trời. Đến lúc bản thân bị tai nạn, không đạp xe được nữa, bà ngừng luôn việc kinh doanh. Giờ, hai ông bà sớm tối chăm lo mảnh vườn nho nhỏ, an hưởng tuổi già. Hiện bà đang được hưởng chế độ thương binh 4/4.



Văn Tình

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP