Chăm sóc sức khỏe

Chuỗi ngày ác mộng của những nạn nhân bỏng nặng

Cậu bé 12 tuổi nhập viện Nhi đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng hai cánh tay bị bỏng nặng nề. Tai nạn xảy ra khi Kỳ đang cầm cây lau nhà lúc trời mưa thì bị phóng điện từ đường dây cao thế gần đó. Các bác sĩ đã phải đoạn hai cánh tay đang vỡ mạch, hoại tử để giữ được mạng sống cho bé. Do vết bỏng trên đầu quá nặng, cậu bé với gương mặt đẹp trai, sáng sủa còn phải cắt bỏ một lớp da đầu.

Chống chọi với nỗi đau bị mất hai tay và những ca mổ cắt lọc, ghép da, Kỳ rơi vào trầm cảm, không muốn nói chuyện với mọi người.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết lúc được thông báo phải cắt bỏ hai tay, Kỳ buồn bã suy sụp còn người mẹ thì ngất xỉu. Bên trong căn phòng cách ly, cậu bé luôn đưa đôi mắt thẫn thờ nhìn lên trần nhà, từ chối trò chuyện cùng bác sĩ. Vừa đồng hành chia sẻ cùng bệnh nhân, các bác sĩ còn phải ổn định tâm lý cho người nhà để cả gia đình cùng nâng đỡ nhau vượt qua cú sốc nặng nề.

Ròng rã 6 tháng trời sát cánh trị liệu tâm lý cho đến lúc cậu bé xuất viện với đôi tay quấn băng trắng toát, có những lúc bác sĩ Trang không cầm lòng được. Bên cạnh việc giúp Kỳ mở lòng chiến đấu với nỗi đau thể xác, các bác sĩ còn phải chuẩn bị tâm lý “làm lại từ đầu” cho cậu bé ngày trở về với việc tàn phế, mất đi đôi tay, mọi sinh hoạt phải lệ thuộc vào người thân. Mất thời gian dài để nguôi ngoai, sau đó Kỳ trở lại trường học, tập viết chữ, đánh máy vi tính bằng chân và trở thành cậu học trò cấp 2 giỏi giang nghị lực.

con-ac-mong-cua-benh-nhan-bong

Những bệnh nhân quấn băng bỏng trắng toát là hình ảnh quen thuộc tại các phòng cách ly điều trị bỏng. Ảnh: Lê Phương.

Để làm dịu đi những tiếng khóc than xé lòng, bên cạnh việc điều trị bệnh, tập vật lý trị liệu thì nhiều ca bệnh nặng được các bác sĩ tâm lý sát cánh hỗ trợ từ lúc nhập viện. Qúa trình điều trị các ca chấn thương, tai nạn, đặc biệt là bỏng thật sự là một cuộc chiến. Bệnh nhân có thể may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần nhưng song hành cùng đó là những nỗi đau thể xác, dày vò về tinh thần và những dư chấn, vết sẹo theo suốt cuộc đời. Bước ra khỏi cánh cửa bệnh viện, những nỗi đau vẫn kéo dài dai dẳng. Không ít trường hợp khi xuất viện, trở về với cuộc sống mới là bắt đầu với chuỗi tuyệt vọng không gì bù đắp nổi.

Cách đây không lâu, vì không được đáp trả tình cảm, kẻ yêu đơn phương đã tàn nhẫn tạt axit cô gái 22 tuổi trước tin cô chuẩn bị lấy chồng. Tình trạng bỏng nặng vùng đầu mặt cổ khiến dung nhan cô gái xinh đẹp bị hủy hoại nghiêm trọng, các giác quan bị ảnh hưởng. Những ngày trên giường bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài những nỗi đau quằn quại vì thịt da bỏng rát, cô gái vật lộn trong nước mắt với những ám ảnh khủng khiếp về tương lai. Trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da, những di chứng về sẹo xấu, sẹo co rút… hoành hành khiến cô gái sống trong chuỗi ngày ác mộng kinh hoàng, làm bạn với chiếc khẩu trang và nhiều lúc muốn tìm đến cái chết.

Theo các bác sĩ điều trị bỏng, mỗi câu chuyện bệnh nhân bỏng dường như là một cảnh đời, tình huống thương tâm. Lúc điều trị, họ dặn lòng chỉ tập trung chuyên môn, không dám để mình xao động bởi những cảm xúc riêng tư gây ảnh hưởng việc chữa bệnh. Với những bệnh nhân bị tạt axit, bị đốt, hành hung để trả thù…, sẽ không tránh khỏi những áp lực từ dư luận xã hội, đối mặt với những tò mò, suy đoán về việc sống ra sao mà lại đến nông nỗi đó. Với những phụ huynh lỡ bất cẩn gây tai nạn cho trẻ, đó là quá trình dằn vặt, day dứt vì đã khiến con trở thành phế nhân cùng những lo lắng về tương lai, gánh nặng chăm con… Nhiều gia đình bất hòa, đổ lỗi, vợ chồng đánh bỏ nhau sau khi xảy ra sự cố.

Một bệnh nhi bỏng được tập vật lý trị liệu nhằm hạn chế co rút phỏng tại Bệnh viện nhi đồng 2.  Ảnh: Lê Phương.

Một bệnh nhi bỏng được tập vật lý trị liệu nhằm hạn chế co rút phỏng tại Bệnh viện nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương.

Gian nan vượt qua thảm kịch đau lòng, có những bệnh nhân đầy nghị lực khiến các bác sĩ càng thêm xót xa. Bác sĩ Quỳnh Trang vẫn nhớ mãi cô bé 5 tuổi người dân tộc Tây Nguyên từng điều trị bỏng xăng phải cắt bỏ cả hai chân. Người cha trong cơn say rượu đã rưới xăng đốt em khiến ngọn lửa bao trùm toàn thân như ngọn đuốc. Mẹ của em vì hoảng loạn ôm con chạy kêu cứu cũng đã bỏng nặng. Lúc tiếp nhận điều trị tâm lý, bác sĩ Trang đã chuẩn bị sẵn tâm thế đối mặt với tình trạng khóc la đau đớn của bé như thường gặp. Trái với những dự đoán, cô bé nhỏ nhắn đang nằm quấn băng trắng toát trong phòng hồi sức cười chào bác sĩ, rồi bảo: “Con hát cho cô nghe nhé”.

“Lúc đó tôi hoàn toàn sững sờ, nghe mà muốn rớt nước mắt. Nghị lực và sức sống của đứa bé quá lớn. Cái tuổi đáng lẽ được vui chơi thì bé phải cắn răng chịu đựng những cơn đau đớn một cách kiên cường”, bác sĩ Trang nhớ lại.

Những lúc phải oằn mình chống chọi hàng chục các cuộc phẫu thuật đoạn chi, cắt lọc, ghép da… cô bé ngoan ngoãn đều biết tự mình vượt qua nỗi đau một cách tuyệt vời. Tưởng chừng sẽ phải căm giận bố nhưng cô bé 5 tuổi chỉ tâm sự “con không muốn nói về bố”. Điều đó càng khiến các bác sĩ quyết tâm dồn nhiều tâm sức vào ca bệnh nhỏ bé này. Vượt qua những lúc nguy kịch với tiên lượng dè dặt tưởng chừng các bác sĩ phải buông tay, cô bé xuất viện khi đã không còn đôi chân và ngay cả hai bàn tay cũng co rút không thể cầm nắm.

“Tôi không dám hình dung về cuộc sống bé phải đối diện khi trở về nhà với tình trạng tật nguyền. Không còn chân để đi, tay thì co rút, bé sẽ phải bò, phải sinh hoạt như thế nào. Một đứa trẻ năng động, lạc quan như vậy nếu ở môi trường khác, không chịu cảnh người bố say xỉn thì hứa hẹn tương lai sẽ rất phát triển”, bác sĩ Trang xúc động.

Lê Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP