Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày chất vấn, có gần 250 lượt ĐB tham gia chất vấn và tranh luận.
Nội dung chất vấn đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng NN&PTNT: Nắm chắc vấn đề
Có 43 ĐB đặt câu hỏi và 14 ĐB tranh luận. Còn 5 ĐB đã đặt câu hỏi chưa được trả lời tại hội trường và 24 ĐB đăng ký nhưng chưa có thời gian để chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Minh Đạt |
Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước QH.
Theo Chủ tịch QH, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu minh chứng rất cụ thể; nêu rõ những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có giải thích, lý giải những nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập.
Bộ trưởng đã đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như của Bộ trưởng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài liên quan đến lĩnh vực chất vấn.
Bộ trưởng Công thương: Trả lời lưu loát
Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước QH.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Có 45 ĐB đặt câu hỏi và 9 ĐB tham gia tranh luận tại hội trường.
Chủ tịch QH đánh giá Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Minh Đạt |
Đồng thời Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua đối với công tác quản lý, quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.
Theo Chủ tịch QH, công thương là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.
Bà đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Công thương và các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan tới nhiệm vụ và các lĩnh vực đã được chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ: Thẳng thắn nhận trách nhiệm
Nội dung chất vấn đối với lĩnh vực nội vụ là những vấn đề luôn mang tính thời sự và trong thực tiễn đang có nhiều vướng mắc.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ có 40 ĐB đặt câu hỏi, 16 ĐB tranh luận, còn 30 ĐB và 4 ĐB chờ tranh luận nhưng không đủ thời gian.
Với lần thứ 2 trả lời chất vấn trước QH của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch QH nhận xét ông có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Đạt |
Phần trả lời của Bộ trưởng mạch lạc, rõ ràng, cầu thị và rất thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và QH.
Cũng theo Chủ tịch QH, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng rất sát sao qua những câu hỏi tranh luận cụ thể và rất trách nhiệm mang tính xây dựng cao.
QH mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng TT&TT: Có kinh nghiệm thực tiễn
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TT&TT là nội dung có tính chất đặc thù, mang tính thời sự.
Có 43 ĐB đặt câu hỏi, 12 ĐB tranh luận và còn 30 ĐB đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi tại hội trường.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Đạt |
Lần thứ 2 lĩnh vực TT&TT được đưa ra chất vấn trong nhiệm kỳ này nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là lần đầu tiên được đăng đàn.
Theo Chủ tịch QH, mặc dù mới nhận nhiệm vụ được hơn 1 năm nhưng Bộ trưởng có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm cũng như có những giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể.
Ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành TT&TT, Chủ tịch QH cho biết phiên chất vấn cũng là cơ hội để Bộ trưởng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của ĐBQH và cử tri góp ý, từ đó khắc phục những tồn tại hạn chế, xây dựng một xã hội tốt đẹp, lành mạnh, hài hoà cả trên mạng và ngoài đời thực an toàn, phát triển hơn.
Tác giả: Hương Quỳnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet