Ngày 4/11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Nội dung quan trọng nhất của tuần làm việc này chính là 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn dành cho các thành viên Chính phủ.
Theo chương trình nghị sự, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/11 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các đại biểu trong hội trường Diên Hồng. Ảnh: Hải Quân. |
Có 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này gồm: Nội vụ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông, tương ứng với trách nhiệm trả lời của 4 tư lệnh ngành: Lê Vĩnh Tân; Trần Tuấn Anh; Nguyễn Xuân Cường và Nguyễn Mạnh Hùng.
Người đầu tiên lên “ghế nóng” vào sáng 6/11 là Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ông Cường từng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá này.
Ông sẽ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Lần lượt sau đó là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, trả lời về công tác quản lý, điều tiết điện lực; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại...
Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm trả lời chất vấn với nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức...
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là tư lệnh ngành đăng đàn cuối cùng, sẽ trả lời về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt trên mạng xã hội...
Chia lửa với các bộ trưởng trong các phiên chất vấn là các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực cùng tư lệnh ngành của một số bộ liên quan.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 vị bộ trưởng là 2,5 ngày.
Chốt lại 3 ngày chất vấn, chiều 8/11 là thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trong tuần làm việc thứ ba, ngoài nội dung quan trọng này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về hàng loạt báo cáo tư pháp gồm: Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện cũng sẽ được Quốc hội lắng nghe, thảo luận trong tuần làm việc này.
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zing.vn