Ông Cao Hanh, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, một người dân sống ngay khu vực các em thường tắm cho biết, tầm khoảng 9 đến 10 giờ sáng hoặc 3 đến 4 giờ chiều, có khoảng 10 em nhỏ tụ tập trên cầu treo hoặc cầu xả tràn Giang Ly rồi nhảy vọt từ trên cầu xuống sông. Một em nhảy khởi đầu là những em còn lại thi nhau nhảy theo xuống dòng sông, đông nhất là ngày thứ 7, chủ nhật vì các em không phải đi học.
Cũng theo ông Hanh, ngoài phóng nhảy từ cây cầu treo Giang Ly, cách mực nước sông khoảng 25 m xuống nước, một số trẻ em nơi đây còn kéo nhau ra cây cầu tràn để bay nhảy xuống sông, suối. Đáng nói ở đây là có nhiều em tuổi còn rất nhỏ.
Theo quan sát của chúng tôi, mực nước tại điểm các em nhỏ nhảy cầu tắm xuống rất thấp, có nơi trơ đáy. Hai bên bờ nổi lên những mỏm đá, một số điểm ở dưới chân cầu dòng chảy rất xiết. Nếu nhảy từ trên cao xuống, nguy cơ gặp tai nạn ở dưới nước là rất cao, nhưng các em vẫn chủ quan khi tìm đến tắm và nghịch ở các vùng sông, suối.
Ông Pi Năng Hà Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giang Ly cho biết, chính quyền địa phương đã thường xuyên cho người kiểm tra tại các điểm sông suối, nhắc nhở các em. Việc kiểm soát rất khó vì ở đây, đa phần bố, mẹ đều đi rẫy, nên không quản lý được hết con em.
Tình trạng trẻ em miền núi tắm sông suối vào mùa nắng nóng, không có người lớn đi kèm đã diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. “Hiện Ủy ban nhân dân huyện đang chỉ đạo các xã, phường nơi có điểm cầu treo, sông, suối nguy hiểm kiểm tra thực trạng trên và báo cáo về huyện trong thời gian sớm để đơn vị có những biện pháp ngăn chặn kịp thời”, ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh cho biết.
Phan Sáu (TTXVN)