Họa sỹ Từ Thành
Tôi có ý định đi tìm tác giả bức tranh từ lâu, nhưng rồi do công việc bộn bề, tôi cứ lần lữa để ý định đi vào quên lãng. Một lần, bạn văn Đức Ban (quê Hà Tĩnh) rủ tôi đến thăm người đồng hương, họa sỹ Từ Thành. Và khi gặp người họa sỹ này, tôi tình cờ được biết, anh chính là tác giả bức tranh cổ động kia.
Từ Thành hơn tôi 3 tuổi, hơn Đức Ban 6 tuổi, nên tôi và Đức Ban thường gọi anh, xưng em rất thân mật. Từ Thành cũng là một người dễ gần…
…đến ấn tượng trong quán bia
Có lần Từ Thành rủ tôi đi uống bia. Câu chuyện đang rôm rả, bỗng có một ông khách mặt mũi nhăn nheo, đến ngồi bàn bên cạnh gọi một vại bia. Khi gã chạy bàn bưng bia đến, vừa đặt vại bia xuống, ông ta đã hỏi khẽ : “Bao nhiêu, hả?”. Câu hỏi quả là bất ngờ, bởi ở những quán bia hơi, người ta cứ uống hết vại này đến vại khác, có ai đi hỏi giá một vại bia bao giờ? Tuy vậy, gã chạy bàn cũng trả lời: “Bốn ngàn, cụ ạ!”.
“Bốn ngàn!”, ông già lẩm bẩm rồi cẩn trọng cầm vại bia lên, uống từng ngụm, từng ngụm. Với người khát, thì cứ phải tu ừng ực hết già nửa vại bia, mới ngừng. Đằng này ông già cứ uống nhâm nhi, mặc dù có vẻ đang khát và rất thèm. Uống xong vại bia (có lẽ không còn sót một giọt nào dưới đáy) ông già tần ngần một lúc, rồi lôi trong túi ngực ra một cái ví nhàu nhĩ…
Đúng lúc này, gã chạy bàn bưng đến cho chúng tôi hai vại bia sủi bọt. Từ Thành vội bảo: “Mang luôn hai vại nữa nhé!”. Tôi chưa kịp hiểu thì Từ Thành đã bê hai vại bia đặt trước mặt ông già, nhỏ nhẹ: “Bác uống nữa đi. Tôi mời bác!”. Ông già sững người, nhìn Từ Thành như thể cố nhớ xem, có phải người quen? Rồi ông ta lắp bắp : “Cám ơn! Cám ơn! Tui…”. “Thôi! Bác không phải khách sáo. Uống đi cho đã. Uống bia, là phải cho đã. Uống được nữa, tôi lại mời…”. Từ Thành trở về bàn, cũng vừa lúc gã chạy bàn mang bia tới…
Lúc chạm cốc, Từ Thành nói nhỏ với tôi : “Chắc ra thăm hay ra trông con ốm, cháu ốm chi đây. Phải cân nhắc, nghĩ ngợi lắm, mới dám vào uống một vại bia hơi. Một vại thì bõ bèn gì đâu. Nhìn mặt lão, tôi biết. Có khi đồng hương Hà Tĩnh với tôi đấy”.
Mỗi khi nghĩ lại lòng trắc ẩn của người nghệ sĩ, tôi mới hiểu vì sao Từ Thành lại có ấn tượng sâu sắc với dòng sông quê anh đến thế. Con sông Ngàn Sâu dường như là nỗi ám ảnh, đau đáu trong suốt cuộc đời anh. Bên bờ con sông, là những kiếp người lam lũ, lầm than, như ông già trong quán bia hôm ấy, nhưng họ gắn bó với nó cho đến lúc trở về với đất.
Tranh cổ động – Tranh “Ký ức dòng sông”- sơn dầu
Chứng nhân lịch sử
Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Từ Thành nằm trong cái ngõ nhỏ, ngay bên cạnh cổng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Bước vào nhà, là bước vào một phòng triển lãm tranh thu nhỏ. Mỗi lần đến nhà anh, lại như có một cuộc triển lãm mới. Lần chất liệu giấy dó. Lần khắc gỗ. Lần sơn dầu.
Tranh Từ Thành đa dạng. Nhưng những bức tranh găm sâu vào trí nhớ người xem, là dòng sông, bến nước, là đường làng, đền miếu, là bà mẹ, trẻ thơ. Nói tóm lại, đó là hình bóng của quê hương anh, vùng quê Gia Phố, Hương Khê – Hà Tĩnh, có con sông La hào hùng, con sông Ngàn Sâu thơ mộng.
Con sông Ngàn Sâu quê hương gắn bó và ám ảnh, đến nỗi anh có cả một loạt tranh về con sông này. Nó là chứng nhân lịch sử (tác phẩm Sông Ngàn Sâu). Nó gắn bó với những người con, người mẹ một nắng hai sương bên dòng sông (Mẹ Ngàn Sâu). Là tình quân dân cá-nước (Tình Ngàn Sâu). Lại như ánh mắt đau đáu đêm ngày (Mắt Ngàn Sâu) hoặc như dấu ấn không thể phai mờ (Thời gian)… Là một họa sĩ, nhưng Từ Thành còn là một nhà giáo. Bởi thế, hình như cái “chất” sư phạm với “chất” nghệ sĩ trong anh, lúc hòa quyện, khi mâu thuẫn. Tranh của Từ Thành có cảm giác vừa khuôn mẫu, vừa phá phách. Vừa hiện thực trần trụi, vừa bay bổng. Anh như đứng ở lằn ranh rất mong manh giữa thực và ảo. Cái thực đan xen trong cái ảo. Cái ảo nằm trong cái thực.
Nhìn những bức tranh mượt mà, mềm mại trong sương khói dòng sông, trên da thịt đàn bà… thì tưởng rằng cuộc đời của họa sĩ này rất phẳng lặng, bình yên. Rất ít người biết đến, cuộc chiến tranh đã để lại trong anh những vết sẹo tinh thần không thể nguôi ngoai. Năm 1968, gia đình anh bị bom B52, cả bố và mẹ đều mất. Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Từ, người anh trai của anh, đã hy sinh tại Điện Biên Phủ. Và cái bút danh của anh bây giờ, chính là tên ghép của hai anh em: Từ Thành.
Đỗ Bảo Châu