Trung Quốc

Trung Quốc lại điều máy bay ra Trường Sa

Trung Quốc tiếp tục điều máy bay ra đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) bất chấp phản đối của dư luận.

Chiếc máy bay vận tải Y-8, mang số hiệu 9271 của hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên hạ cánh xuống đường băng xây trái phép trên đá Chữ Thập, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày hôm qua (17/4).

Máy bay Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân bị bệnh về Tam Á. Ảnh: ChinaNews
Máy bay Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân bị bệnh về Tam Á. Ảnh: ChinaNews

Theo China News, máy bay trên đã đáp xuống sau khi nhận lệnh đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Trước đó, máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ được cho là tuần tra tại Biển Đông.

Động thái trên là diễn biến mới nhất liên quan tới các hoạt động trái phép của nước này trên vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó, vào ngày 2/1/2016, Trung Quốc liên tục thử nghiệm hạ cánh ở đường băng trên đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập. Trước việc Trung Quốc điều máy bay phi pháp ra đá Chữ Thập, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

Theo ông Bình, hành động này cũng làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự.

Tuy nhiên, ngày 6/1, Trung Quốc tiếp tục điều phi cơ dân sự Airbus và Boeing từ Hải Nam tới đá Chữ Thập của Việt Nam.

Hai phi cơ được được điều ra là chiếc Airbus A319, số hiệu B-6203, thuộc hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc và một chiếc Boeing 737-800, số hiệu B-5620, của hãng Hải Nam.

“Các chuyến bay thử thành công chứng tỏ rằng sân bay có năng lực đảm bảo hoạt động an toàn cho máy bay dân sự cỡ lớn”, Xinhua đưa tin, cho biết thêm rằng nơi máy bay hạ cánh sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nhân lực và y tế.

Trởi lại hành động điều máy bay mới đây của Trung Quốc, nhiều người nhận định, đây là biện pháp đáp trả của Trung Quốc trước cuộc tập trận tấn công giả định quy mô lớn giữa Mỹ và Philippines.

Theo đó, tổng cộng có tới 5000 quân Mỹ cùng tham gia ở khu huấn luyện Crow Valley. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 4/4/2016, khai diễn cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 11 ngày tại Biển Đông .

Trong cuộc tập trận này, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS của Mỹ được coi là ngôi sao sáng khi vũ khí này đã liên tiếp phóng tên lửa từ một sông cạn cách thủ đô Manila khoảng 3 giờ lái xe và tấn công chính xác vào nhiều mục tiêu khác nhau.

Để tham gia tập trận, các xe tải gắn hệ thống pháo được đưa tới Crow Valley từ đảo Palawan, phía tây Philippines, bằng một máy bay vận tải quân sự cỡ lớn. Tham gia cuộc tập trận còn có trực thăng tấn công Cobra của thủy quân lục chiến Mỹ và phi cơ S211 của Philippines.

Khi được hỏi tại sao Mỹ lại tin dùng pháo phản lực HIMARS trong cuộc tập trận chung với Philippines, Tướng John Toolan, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, cuộc tập trận chung của chúng tôi diễn ra với kịch bản chặn đứng một cuộc đổ bộ với quy mô lớn của kẻ thù. Vì vậy, sử dụng HIMARS sẽ rất hiệu quả.

Thái An (tổng hợp)

  Từ khóa: Máy bay , Trường Sa , Trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP