Thủy điện Hố Hô nằm trong dự án xây dựng một số nhà máy thủy điện nhỏ với công suất phát điện 13MW. Phần thân đập nằm trên địa bàn xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tuy nhiên phần lòng hồ có tổng diện tích ngập nước 264,5ha (gồm đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa và hoa màu, sông suối) lại nằm trên địa bàn xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Năm 2010, Nhà máy thủy điện Hố Hô đưa vào vận hành cũng là lúc hàng trăm hộ dân ở đây phải xót xa nhìn đất trồng lúa và hoa màu nuôi sống họ từ bao đời nay bị chôn vùi dưới lòng hồ thủy điện Hố Hô.

Ông Nguyễn Văn Nguyên ở xóm 4 xã Hương Liên bức xúc vì thủy điện Hố Hô dây dưa nợ dân 7 năm chưa đền bù xong. Ảnh: H.A

Ông Nguyễn Văn Nguyên ở xóm 4, xã Hương Liên nói: “Dân Hương Liên chúng tôi thuộc vùng sâu vùng xa, nhưng thiên nhiên đã ưu ái giữa núi rừng có một “lòng chảo” đất trồng lúa, trồng hoa màu tươi tốt. Giờ vùng lòng chảo này họ lấy làm lòng hồ thủy điện 7 năm rồi, dân mất hết đất sản xuất”. Ông Nguyên cho biết thêm: “Riêng gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất sản xuất lúa, ngô và hoa màu nhưng khi thủy điện Hố Hô xây dựng, gia đình phải nhường toàn bộ. Từ ngày mất hết đất sản xuất, vợ chồng tôi ở nhà nuôi con lợn, con gà trong vườn kiếm sống qua ngày. Chỉ tội 6 đứa con thì 4 đứa phải tha hương rời quê vào Nam làm ăn kiếm sống chứ ở nhà thì chết đói”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Bí thư chi bộ thôn 4, xã Hương Liên cho hay: Cả thôn có 130 hộ thì 100% phải nhường hết đất sản xuất nông nghiệp cho lòng hồ thủy điện Hố Hô. Trong đó có một số cánh đồng sản xuất lúa và hoa màu rất tốt bị mất 100% diện tích như vùng Đồng Nậy, Eo Bù”. “Đất sản xuất nông nghiệp dễ làm thì mất hết cho thủy điện rồi, còn đất lâm nghiệp muốn phát triển được, gia đình phải có điều kiện đầu tư, vì vậy người dân nơi đây càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đến nay cả thôn có 43 hộ thuộc diện hộ nghèo”- ông Ngọc buồn bã nói.

Dân mòn mỏi chờ đền bù

Ông Đinh Văn Sảnh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: “Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã Hương Liên là 240ha, trong đó gần 100ha của hơn 300 hộ bị chìm dưới lòng hồ thủy điện”.

“Hiện nay xã Hương Liên có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, trên 28,2%. Nguyên nhân dân nghèo khó là cho xã thuộc vùng sâu vùng xa, nghề phụ không có lại mất đất sản xuất cho thủy điện Hố Hô nhưng đến nay nhà máy còn nợ tiền đền bù của dân”.

Ông Đinh Văn Sảnh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên

Ngày 24.11.2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 3701 và sau đó là quyết định 4253 ngày 29.12.2009 về việc phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng xây dựng lòng hồ thủy điện Hố Hô đối với xã Hương Liên và Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A với tổng kinh phí 8,4 tỷ đồng. Cụ thể, các hộ mất đất được đền bù 6 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp nhường lại cho thủy điện đã 7 năm nhưng đến nay tiền đền bù, hỗ trợ cho dân thì nhà máy còn nợ. Phản ánh với phóng viên, ông Đậu Hồng Kỳ ở xóm 4, xã Hương Liên nói: “Gia đình tôi phải nhường hơn 3 sào đất sản xuất cho thủy điện, họ mới đền bù được hơn 30 triệu đồng, còn 1.390m2 từ đó đến nay đã 7 năm không thấy họ đả động gì. Vợ chồng tôi phải đi bóc vỏ cây lâm nghiệp thuê kiếm sống, mấy năm qua không thoát khỏi hộ nghèo của xã”.

Trao đổi với NTNN, Chủ tịch UBND xã Hương Liên-Đinh Văn Sảnh bức xúc: “Nhà máy thủy điện Hố Hô đã đi vào vận hành từ năm 2010, nhưng đến nay mới đền bù, hỗ trợ được 50% số tiền cho dân bị mất đất, còn hơn 3 tỷ đồng chưa đền bù xong. Sau nhiều lần phản ánh của địa phương, lãnh đạo nhà máy hứa sẽ hoàn thành xong trong quý III năm 2016. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy gì”.

Ông Sánh cho biết thêm: Không chỉ nhà máy thủy điện Hố Hô dây dưa tiền đền bù cho dân vùng bị ngập nằm trong quy hoạch lòng hồ mà nhiều vùng sản xuất của xã Hương Liên cũng bị ảnh hưởng khi thủy điện Hố Hô đóng cửa tích nước. Theo đó, vùng đất Cà Đay của xã Hương Liên bị sạt lở nặng mỗi lần thủy điện tích nước từ cốt 68 trở lên. Trước đây vùng đất này có diện tích hơn 7ha, nay chỉ còn khoảng 3ha nhưng không nằm trong quy hoạch vùng lòng hồ nên không được hỗ trợ, đền bù”.

Hữu Anh