Xã hội

Sập tường ở Đồng Nai: Người vợ còn sống vì chồng không cho lên cùng giàn giáo

Khuya 14-5, những người có mặt tại nhà đại thể Bệnh viện đa khoa Đồng Nai không khỏi xót xa khi chứng kiến 10 nạn nhân trong vụ sập tường công trình lần lượt được người thân đón về an táng. Nhiều câu chuyện đã được kể lại.

Anh nạn nhân Dương Huỳnh Minh Nhật thắp nén nhang cho em trai trước khi đưa xác em về quê lo hậu sự - Ảnh: A LỘC

Lúc 22h45, còn nguyên bộ đồ công nhân trên người, anh P. lặng lẽ thắp nén nhang cho em trai là nạn nhân Dương Huỳnh Minh Nhật (19 tuổi, quê Tiền Giang). Mặc dù anh không khóc, nhưng với ánh mắt thất thần cũng đủ khiến những người chứng kiến phải quặn thắt lòng.

Anh P. kể rằng do hoàn cảnh khó khăn nên hai anh em rời quê lên Đồng Nai kiếm việc mưu sinh. Tuy nhiên, Nhật xin làm thợ hồ mới được hai hôm nay thì không may gặp nạn. Nghĩ đến người mẹ đang chờ ở nhà, anh P. lại ứa nước mắt.

Hơn 23h đêm, sau khi hoàn tất thủ tục, thi thể ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi, quê Cà Mau) được chuyển lên ôtô chở về quê. Ngồi cạnh quan tài chồng, bà Nguyễn Thị Sương gần như kiệt sức vì đã khóc quá nhiều.

Theo người thân bà Sương, do cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà Sương khăn gói từ Cà Mau lên Đồng Nai thuê trọ để làm phụ hồ tại công trình xây dựng nhà xưởng thuộc Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc, đóng tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được gần 2 tháng nay.

Trước thời điểm tai nạn xảy ra, bà Sương đang làm chung giàn giáo với chồng. Bà muốn lên đứng chung với chồng nhưng ông Cường không cho nên bà đứng làm ở phía dưới.

Không ngờ đó cũng là lần cuối bà nói chuyện cùng chồng khi bức tường đang xây đổ sập và cướp đi sinh mạng của ông Cường sau đó. Chứng kiến người chồng chết trước mắt mình, bà Sương chỉ biết khóc nghẹn, nói không thành lời.

Ông Nguyễn Văn Cường được người thân đưa về Cà Mau lo hậu sự ngay trong đêm - Ảnh: A LỘC

Gần 24h đêm 14-5, anh Nguyễn Văn Nhí (29 tuổi, quê Cà Mau, làm công nhân tại Bình Dương) vẫn làm thủ tục nhận xác anh bà con là nạn nhân Nguyễn Văn Đẹp (37 tuổi). Theo anh Nhí, anh Đẹp và vợ sống bằng nghề nuôi tôm. Do vuông tôm thất bát, anh Đẹp một mình lên Đồng Nai làm phụ hồ để kiếm thêm tiền gửi về cho vợ phụ nuôi 2 con và mẹ già đã ngoài 60 tuổi.

"Sau lễ 30-4 ảnh lên, hôm nay là đúng 10 ngày. Tuần trước nhận lương xong ảnh gửi được 1,5 triệu đồng về cho nhà. Chủ nhật rồi ảnh còn qua tôi chơi, không ngờ đó là lần cuối hai anh em gặp nhau" - anh Nhí xúc động nói.

Khi nghe tin anh Đẹp mất, anh Nhí liền xin công ty cho nghỉ chạy qua Đồng Nai để nhận xác đưa về quê lo hậu sự. Trên chuyến xe đưa anh Đẹp về quê chỉ có anh Nhí và 3 người thân khác, còn người nhà ở xa không kịp lên. Chuyến xe đó, anh Nhí phải ký chịu vì không đủ tiền.

Đến 0h30 ngày 15-5, thi thể 9/10 nạn nhân đã được người thân làm thủ tục nhận và đưa về lo hậu sự. Trong đêm, 6 chuyến xe lăn bánh hướng về miền Tây, 2 xe khác chạy ra Gia Lai và Hà Tĩnh. Còn 2 nạn nhân còn lại ở ở Đồng Nai.

Mỗi chuyến xe rời đi là một lần vang lên tiếng thở dài, tiếng thút thít của người thân, đồng nghiệp phía sau.

Một số nhân chứng cho biết, nhiều công nhân bị nạn đều làm việc thời vụ, không có đồ bảo hộ đầy đủ. Vì vậy khi bức tường công trình đổ sập đã gây thương vong cao hơn.

"Quần áo, dép, nón bình thường thôi, nó có phát ủng, dây an toàn đâu. Người ta ai cũng như mình cả" - ông K., công nhân bị thương đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom cho biết.

Tác giả: A LỘC

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP