Giáo dục - Đào tạo

Những câu chuyện kỳ quặc của mùa tuyển sinh Đại học 2015

Là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi và xét tuyển mới, có lẽ vẫn còn nhiều bất cập và thiếu sót khiến mùa tuyển sinh năm nay xảy ra bao tình huống bi hài.

Thí sinh chen chúc nộp hồ sơ xét tuyển (Ảnh: Dân trí)

Đạt 27,75 điểm vẫn trượt đại học

Việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học làm một khiến không ít thí sinh rơi vào cảnh éo le: đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp. Đó là trường hợp của em L.Đ.H (SN 1997, Thanh Hoá).

Trong kỳ thi THPT Quốc gia, H. đạt được 27,75 điểm (Văn 7,75; Sử 7,75; Địa 8,75 cộng thêm 3 điểm vùng). Số điểm này khá cao và có thể giúp H. vào được nhiều trường đại học top đầu. Tuy nhiên do em học chuyên Văn, không giỏi Toán, với điểm liệt 0,5 môn Toán, H. không đủ điều kiện xét tuyển vào bất kỳ trường nào.

Biết tin H. trượt tốt nghiệp, mẹ em đã khóc rất nhiều và mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Có lẽ đây cũng là một cú sốc lớn đối với em bởi sau đó H. đã đăng tải lên mạng bức ảnh tờ giấy chứng nhận ghi rõ số điểm 27,75 kèm theo dấu đỏ đang bốc cháy bừng bừng.

(Ảnh: Chụp màn hình)

Đạt 26,75 điểm nhưng không xét tuyển đại học

Trong khi bạn bè đồng trang lứa và các bậc phụ huynh đang vô cùng hoang mang và sốt ruột về chuyện nộp hồ sơ xét tuyển thì Phan Văn Huy (Hà Tĩnh) lại không đăng ký xét tuyển vào bất kỳ trường nào dù em đạt 26,75 điểm trong kỳ thì THPT Quốc gia vừa qua.

Quyết định lạ lùng này khiến không ít người bất ngờ. Cậu bạn cho biết mình đã có lộ trình riêng, trước hết, cậu muốn dành thời gian và tiền bạc để trau dồi kỹ năng tiếng Anh.

Phan Văn Huy ngồi giữa (Ảnh: Facebook)

Huy chia sẻ trước đó mình từng định nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế quốc dân. Nhưng sau đó cậu lại cảm thấy học đại học cũng không có gì đảm bảo chắc chắn cho tương lai, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp hoặc làm trái ngành.

Huy quyết định muốn theo đuổi con đường kinh doanh như thần tượng của mình, bầu Đức, một người rất thành công dù không học đại học. “Bạn bè khuyên mình nên suy nghĩ lại. Hai anh trai và một số ít người vẫn ủng hộ. Chỉ riêng mẹ tới giờ vẫn chưa hiểu suy nghĩ của mình”, Huy nói.

Đạt 24,5 điểm nộp hồ sơ vào trường nghề

Trần Ngọc Nam ngồi thứ 3 từ trái sang (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Với số điểm 24,5 (Văn 7, Sử 7, Địa 9 cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên miền núi), Trần Ngọc Nam (Hà Tĩnh) hoàn toàn có khả năng đậu vào những trường đại học nhóm giữa. Tuy nhiên, cậu lại có một quyết định táo bạo khi nộp hồ sơ vào Khoa Cơ khí của trường CĐ nghề Việt Đức.

Nam cho biết mình đã bàn bạc với gia đình và quyết định chuyện này từ khi học lớp 12. Cậu muốn học trường nghề để sau này nếu không thể xin vào làm ở nhà máy, xí nghiệp thì vẫn có thể tự mở xưởng kiếm sống.

Đốt 4 tờ chứng nhận kết quả thi đại học

(Ảnh: Chụp màn hình)

Kiều Tuấn Vịnh (Ảnh: Facebook)

Nếu như em H. ở trên đốt tờ chứng nhận vì sốc và thất vọng thì hành động này của Kiều Tuấn Vịnh (SN 1994, Vĩnh Phúc) được cho là khá lạ lùng chỉ vì cậu “đã có một con đường khác”.

Vịnh cho biết mình không buồn chán hay hụt hẫng mà bởi cậu đã tìm được hướng đi khác cho tương lai và những tờ giấy này đã không còn ý nghĩa gì nữa.

Được biết Vịnh đã tham gia 4 kỳ thi đại học nhưng đều không đỗ. Năm nay, với số điểm trung bình 19,25 và phương thức tuyển sinh khá phức tạp, Vịnh quyết định từ bỏ con đường đại học và tìm một hướng đi mới.

Không nộp hồ sơ vẫn đỗ đại học

Đại học Đông Á (Ảnh: CAND)

Câu chuyện hy hữu này xảy ra ở Đà Nẵng, một số thí sinh bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Đông Á dù các em không hề nộp hồ sơ xin tuyển vào trường.

Nguyễn K.H (THPT Trần Phú, Đà Nẵng) kể lại trong lúc chờ kết quả xét tuyển của trường đại học mà em nộp hồ sơ thì H. nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Đông Á. H. cho biết em không hề có nguyện vọng hay làm hồ sơ dự tuyển vào trường này. Thậm chí, giấy báo này còn được gửi từ ngày 25/7, trước cả khi Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ xét tuyển.

Theo H., không chỉ có em mà một số bạn trong lớp cũng nhận được giấy báo nhập học của trường Đại học Đông Á. Kỳ lạ hơn là trên tờ giấy, mục tên ngành và mã ngành để trống để thí sinh tự điền vào.

Thuê xe 115 đi rút hồ sơ cho con

Lái xe kể lại hành trình “cấp cứu” hi hữu trong đời mình (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Hôm qua (20/8) là ngày cuối cùng của đợt tuyển sinh đại học năm nay, nhiều phụ huynh vẫn còn sốt sắng chuyện rút – nộp hồ sơ cho con. Một phụ huynh ở Hà Tĩnh thậm chí nghĩ đến biện pháp thuê xe cấp cứu 115 đi hơn 300km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút hồ sơ cho con.

Con chị Nguyễn Thị T. (Hà Tĩnh) đạt 25,75 điểm trong kỳ thi vừa rồi và đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện An Ninh. Tuy nhiên, đến giờ chót, lượng thí sinh rút, nộp hồ sơ quá lớn khiến chị T. thấy bất an và quyết định rút hồ sơ, nộp vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nhưng quãng đường 350km từ Hà Tĩnh đến Hà Nội là một nan đề và gia đình chị đã phải tính đến việc thuê xe cấp cứu 115 để kịp đi rút hồ sơ cho con. Dù có lạ đời nhưng cuối cùng hai mẹ con cũng thành công đến được cổng Học viện An Ninh vào lúc 15h38, kịp rút hồ sơ và nộp vào trường ĐH Bách Khoa lúc 16h30, chỉ nửa tiếng trước khi hết hạn nộp.

Tố Quỳnh/ Tin Nhanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP