Tin Hà Tĩnh

Ngư dân điêu đứng vì nạn giã cào

Nhiều năm nay, tại các vùng biển ngang ở Hà Tĩnh, nạn giã cào đã khiến cho cuộc sống của hàng ngàn dân chài gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc tận diệt nguồn hải sản ven bờ, những chiếc tàu giã cào còn làm hỏng, kéo mất ngư cụ của ngư dân khiến họ không còn muốn ra khơi.

Cuốn hết ngư cụ

Chúng tôi tìm về thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào những ngày đầu tháng 5, đây là mùa người dân nơi miền biển này vẫn thường ra kéo nhau ra biển đánh bắt vùng lộng. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, hàng trăm con thuyền nan, thuyền thúng nằm im lìm phơi mình trên bãi biển.

Hàng trăm con thuyền nan, thuyền thúng ở thôn Bắc Hải nằm phơi mình trên bãi biển chưa hẹn ngày ra khơi.

Ông Trần Văn Dương, Trưởng thôn Bắc Hải ngao ngán: “Từ bao đời người dân ở đây chỉ biết bám biển, mấy năm trở lại đây những con tàu giã cào từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... kéo nhau vào vùng lộng để đánh bắt cá, ngang nhiên kéo mất ngư cụ của ngư dân, dân không còn chài lưới để ra khơi”.

Cũng theo ông Dương, nhiều hộ dân vì mất trắng tài sản do tàu giã cào đã bỏ nghề đi biển.

Vị trưởng thôn dẫn chúng tôi đến nhà anh Hoàng Văn Nam – một hộ dân chuyên nghề đi biển ở thôn Nam Hải. Anh Nam kể: “Cuộc sống của gia đình tôi nhờ vào nghề đánh cá. Miếng cơm, manh áo, tiền con cái ăn học cũng trông cậy vào đó. Nhưng qua 2 lần vào tháng 2 và tháng 4/2018, tàu giã cào các tỉnh đã kéo mất 10 tấm lưới trị giá 20 triệu đồng của tôi. Để tiếp tục đi biển, gia đình phải đi vay ngân hàng, vay mượn khắp nơi để mua nhưng vẫn chưa đủ. Đấy là chưa kể đến hàng chục mét lưới bị tàu giã cào kéo xé tan tành nay chưa kịp vá”.

Hàng chục tấm lưới của gia đình anh Nam bị tàu giã cào kéo mất, số còn lại cũng bị rách nát tấp đống trên thuyền.

Cách nhà anh Nam không xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoành cùng chung cảnh ngộ. Ở tuổi lục tuần, vợ chồng ông chỉ có nghề đi biển kiếm sống nên đã vay mượn, chạy vạy để mua được vằng lưới, đóng chiếc thuyền nan ra biển kiếm con trích, con đục về bán đong gạo. Thế nhưng vừa rồi, một tàu giã cào "lướt " qua, kéo mất 15 tấm lưới.

Những chiếc tàu giã cào công suất lớn đánh bắt ngày đêm ở vùng lộng khiến nguồn hải sản bị tận diệt.

Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Thất, những chiếc tàu giã cào dùng lưới quét còn đỡ, có nhiều tàu sử dụng điện công suất lớn sục dưới chân lưới, tàu giã cào đi đến đâu thì tôm cá triệt đường sống tới đó.

“Ngư dân chúng tôi không có tiền để đóng tàu lớn ra khơi nên chủ yếu là đánh bắt vùng lộng, khoảng 2 hải lý trở vào bờ. Ngày xưa đi biển ngày ít cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, có khi trúng cũng được vài triệu đồng. Giờ tàu giã cào hoạt động như vậy, con trích, con đục cũng bị quét sạch nói gì những con cá khác, có ra biển cũng mang lưới không về. Rồi đây những người dân biển như chúng tôi không biết làm gì để sống” – ngư dân Thất lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Thiết – Trưởng Công an xã Thạch Hải cho biết: “Ở Thạch Hải có 5 thôn, thì có 4 thôn người dân đi biển. Gần 3 năm trở lại đây, tình trạng tàu giã cào kéo rách và mất ngư cụ đánh bắt cá xảy ra liên tục, khiến ngư dân hết sức bức xúc. Mỗi lần người dân bị kéo mất ngư cụ đều báo về chính quyền xã, nhưng chúng tôi chỉ biết báo cáo lên cấp trên chứ không làm được gì nhiều. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có đến khoảng 35 hộ dân trên địa bàn bị tàu giã cào kéo mất hoặc làm hư hại ngư cụ.”.

Manh động, khó xử lý?

Cho đến bây giờ, sau hơn 1 năm bỏ nghề đi biển, anh Nguyễn Văn Nhin, trú thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in giây phút kinh hoàng khi anh đang cuốn lưới trên biển thì bị tàu giã cào cuốn chìm.

Anh Nhin kể về giây phút bị tàu giã cào nhấn chìm khiến anh khiếp sợ bỏ luôn nghề đi biển.

"Vào khoảng 21h một đêm tháng 5/2017, khi tôi dùng chiếc thuyền thúng ra biển cuốn lưới thì bất ngờ có 2 chiếc tàu giã cào lao tới. Tàu lướt qua, kéo tấm lưới rồi cuốn cả chiếc thuyền thúng của tôi đi theo. Được một đoạn, thuyền thúng bị lật, tôi cố bơi vào bờ. Sau gần 1 giờ vật lộn trên biển, tưởng kiệt sức thì có thuyền bạn đến cứu. Từ lần đó đến nay, một phần chưa có tiền để sắm lại ngư cụ, một phần tôi sợ hãi nên chưa dám tiếp tục đi biển”.

Trường hợp anh Nhin là một trong rất nhiều ngư dân bị tàu giã cào cuốn chìm. Theo những ngư dân thôn Bắc Hải, khi thấy những chiếc tàu giã cào từ xa hầu như các tàu nhỏ đánh bắt vùng lộng đều phải “bỏ của chạy lấy người”, chỉ cần có ý kiến với các tàu giã cào thì họ có thể bị đâm chìm bất cứ lúc nào.

Những chiếc tàu giã cào công suất lớn có thể đâm chìm thuyền nhỏ của ngư dân nếu họ có ý kiến, xua đuổi.

"Ngày xưa đi biển sợ thiên tai, giờ đi biển chỉ sợ tàu giã cào. Vì thế, hầu hết những con thuyền nan của ngư dân vùng biển chúng tôi đều phải treo thêm xốp, đề phòng những lúc bị tàu giã cào kéo lật úp thì nó trở thành cái phao để cứu mạng mình" – ông Nguyễn Văn Hoành nói.

Nhiều ngư dân còn cho biết, khi lực lượng chức năng mượn tàu của họ để ngụy trang tiếp cận xử lý những con tàu giã cào không những không xử lý được mà còn bị các đối tượng manh động đâm chìm.

Trước vấn nạn tàu giã cào, những ngư dân ở xã Thạch Hải nói riêng cũng như toàn ngư dân ở Hà Tĩnh nói chung đã rất nhiều lần trình báo lên cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tông Thắng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, vấn nạn tàu giã cào đã nắm được từ lâu. Thế nhưng, để chấm dứt tình trạng này là rất khó.

“Lực lượng kiểm ngư thì mỏng, phương tiện chỉ có một con tàu 500 CV nhưng đã sử dụng đến 20 năm. Trong khi đó, tàu giã cào có những chiếc lên đến cả nghìn mã lực. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ bỏ chạy hoặc dùng tàu đâm thẳng để chống đối nên để dẹp nạn giã cào là rất khó, chúng tôi chủ yếu đang tuyên truyền vận động” – ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết khó khăn về việc xử lý tàu giã cào.

Thượng tá Trần Đình Tứ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo, nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn liều lĩnh làm. Để xử lý triệt để, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không có phương tiện tuần tra, kiểm soát. Nếu sử dụng phương tiện của người dân đi tuần tra thì trái luật, còn nếu kết hợp với các lực lượng khác thì phải xây dựng phương án rất mất thời gian”.

Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Phan Kim Hà – Phó chính trị viên Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chia sẻ: “Tàu giã cào đánh bắt trái phép đang diễn ra thường xuyên, công tác đấu tranh của Đồn và Hải đội gặp nhiều khó khăn. Các tàu giã cào có công suất lớn, di chuyển liên tục và không thuộc con số quản lý nên rất khó xử lý. Đây là vấn đề mà trong các cuộc giao ban được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh rất quan tâm”.

Tác giả: Tiến Hiệp - Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP