Tin Liên Quan

Lừa đảo đa cấp ở miền Trung: Mang cả trăm triệu mua… niềm tin

Dù chưa được các cơ quan chức năng địa phương cấp phép, song hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp đang ngày càng vươn “vòi” mạnh mẽ lan khắp các tỉnh miền Trung.

Nghe theo lời dụ dỗ của các công ty bán hàng đa cấp, nhiều người lỡ sa chân vào mới biết mình bị lừa. Để gỡ gạc, họ tiếp tục lừa người khác, thậm chí là người thân của họ. Trước mặt mọi người, ai cũng tỏ ra là người thành đạt, tự tin, giàu có nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, thậm chí chẳng có một xu dính túi, ăn cơm nhà nói chuyện tiền tỉ ngoài thiên hạ là việc rất thường tình.

Ngỡ rằng đổi đời đầy kinh ngạc?

Cách đây nửa năm, làng K8 ở Vĩnh Sơn – Vĩnh Thạch – Bình Định cứ kháo nhau thực hư câu chuyện về Đinh Văn Lối. Lối mồ côi mẹ, ở với cha, tuổi chừng hăm mấy. Người Ba Na vốn xù xì, đen đúa, riêng nó da dẻ mướt rượt, hồng hào kiểu công tử bột. Đang học trung cấp Y tế, Lối bỏ ngang, chẳng ai rõ lý do gia cảnh khó khăn nó đưa ra có đúng hay không. Ngày đẹp trời, Lối quay lại Vĩnh Sơn khiến xóm dưới làng trên lác mắt.

“Chu cha, không biết tiền đâu ra mà nó sắm sanh chóng mặt. Hễ nó bước ra đường là người già, trẻ nhỏ, con gái, con trai lại tụm năm tụm ba, xì xào chỉ trỏ. Nó mặc veston đen mới cứng, đầu tóc láng tưng, giày da bóng lộn, phóng xe máy ào ào. Ở K8 không ai có cái miệng dẻo quẹo như nó. Nó nói chuyện thu hút lắm, ngọt ngào như ngậm cục đường” – Đinh Thị La – người bà con của Lối – nhớ lại, không phải bằng chất giọng trầm trồ, thèm muốn thuở xưa mà là một cơn giận dữ vừa sôi sục nhóm lên.

Hình ảnh anh chàng Lối hào hoa phong nhã, chải chuốt lượt là, đi đứng nghênh ngang, bạc tiền rủng rỉnh cũng đã lừa được khối người trong bản đầu tư vào đa cấp để có thể “đổi đời’ như Lối. Đi đâu, Lối cũng nói chuyện kinh doanh thu tiền tỉ, gì Lối cũng biết, ra điều kiến thức uyên thâm lắm. Cũng khối cô trong làng khi đó cũng xin chết vì tưởng đâu vớ được “đại gia miền biển”. Nào ngờ đó chỉ là cái vỏ bọc mà Lối được hướng dẫn trát vào thật khéo léo.

Đinh Thị Bé – cựu học viên trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bình Định – gọi mẹ của Đinh Văn Lối bằng dì ruột. Cầm khư khư hộp kem đánh răng nha đam hiệu FOREVER BRIGHT làm “vật chứng tố cáo”: “Em mua 180.000 đồng, dùng 1 tuần, thấy răng… mọc rêu, xỉn đen nên sợ quá, cất luôn”. Bé ra trường, thất nghiệp, nghe ông anh dỗ dành ngon ngọt, cô theo xuống Quy Nhơn, lận lưng hơn chục triệu đồng rút từ khoản gia đình được đền bù bởi công trình thủy điện Trà Xom.

Nhưng Bé tỉnh táo, chỉ 3 hôm là vẫy vùng tháo chạy. “Họ bảnh bao, ăn trắng mặc trơn nhưng đi uống cà phê cũng bắt em trả tiền. 3 cữ cà phê, một bữa cơm làm hết sạch 300.000 đồng em dành riêng ra. Thằng Lối tỉnh rụi như không. Nó hối thúc phải bỏ tiền giành lấy đẳng cấp hàng đầu tại Vĩnh Sơn”, Bé giải thích lý do khiến cô sứt mẻ niềm tin ngay buổi đầu dự định bước chân vào giấc mơ làm giàu trong phút chốc.

Tại Quy Nhơn, nhóm cô gồm 12 người được đưa đến ngôi nhà 3 tầng khang trang trên đường Nguyễn Huệ. “Người đàn ông tên Lê Huy Hóa giới thiệu nhà của ông ấy, thành quả kinh doanh đa cấp vài năm. Em chẳng tin. Ông ấy kiếm tiền nhẹ nhàng sao để cha già mẹ yếu, khổ cực lam lũ ngoài quê?”. Bé rồi phải tìm cách trở lại Vĩnh Thạnh sau một tình huống thót tim như kịch, nhờ sự giải cứu từ phía bạn bè. Cô kể tiếp: “Họ chưa tha đâu anh. Có 3 người được cử lên Vĩnh Sơn lôi kéo, dỗ dành em rất có tương lai. Em ghét… nói láo, có tương lai sao được? 10 triệu đồng còn ít đấy. Bạn em dưới thị trấn bị đòi tới 20 triệu đồng nữa kia”.

Một thời gian ngắn sau, người ta lại thấy Lối ở hẳn tại K8, ngày ngày phơi nắng phơi sương, trồng mì cuốc cỏ. Thành quả mới nhất sau quãng đời lăn lóc làm “trợ lý giám sát” cho chuỗi bán hàng đa cấp của Cty Lô Hội có trụ sở tận TP.HCM.

Lừa đảo đa cấp ở miền Trung-kỳ 3: Mang cả trăm triệu mua... niềm tin - Ảnh 1

Đông đảo học sinh sinh viên bị mắc bẫy.

Kiếm từng đồng nói chuyện kiếm tiền tỉ…

Buổi sáng, đến khu vực tiền sảnh chợ Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), chúng tôi chứng kiến từng tốp nam nữ thanh niên, người già, sinh viên… mặc áo vest, váy đen công sở lần lượt đi vào tầng 1 chợ Phú Lộc, nơi có chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang hoạt động.

Một phụ nữ dáng người đẫy đà, hét to qua điện thoại: “Yên tâm, muốn làm giàu, tự lập thì bồ tự tin theo mình; thu nhập bảo đảm không dưới 40 triệu đồng/tháng nếu bồ nhiệt tình với công việc!”.

Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị H., chủ sạp quần áo tại chợ Phú Lộc, cảnh báo: “Nhìn vậy chứ toàn nói xạo không đó em, đừng có tin! Nói thu nhập mỗi người thấp nhất là mấy chục triệu đồng, có người cả tỷ đồng/tháng, nhưng tôi thấy họ toàn ăn trưa với xôi, chuối chiên, khoai lang…”. Chị H. vừa dứt lời thì người đàn ông ngồi cạnh nói tiếp: “Có mấy đứa thuê nhà trọ trong hẻm gần đây mà không trả tiền, bị chủ chửi lên chửi xuống hoài. Tui nhìn là biết họ chỉ có cái mã bên ngoài để “dụ” người ta thôi”.

Chúng tôi tiếp cận người phụ nữ lúc nảy để xin làm “đại lý”, bà ta nhanh miệng: “Đơn giản thôi, chỉ cần cô bỏ ra 8 triệu 6 trăm ngàn đồng mua hàng rồi giới thiệu càng nhiều người vào mua sản phẩm thì thu nhập càng cao”.

Gặp chúng tôi, Hoàng Hiếu Long, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Giao thông Vận tải cho biết, mấy tháng trước, em được phụ nữ này giới thiệu làm “đại lý” cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Tưởng dễ kiếm thêm thu nhập nhưng thực tế chỉ là người đi trước “dụ” người đi sau mua hàng với giá cao ngất ngưởng để hưởng hoa hồng. “Ai vào công ty cũng bị bắt phải kiếm tiền mua áo vest, quần tây, đi giày tây, xách cặp táp cho lịch sự. Mỗi lần vào tập huấn thì phải tỏ ra tự tin, thành đạt, nhưng trong túi đôi khi chỉ có vài chục ngàn đồng nên em nhục lắm. Sau hai tháng bấm bụng làm “đại lý”, không đành lòng dụ người nhà mua hàng nên em đành bỏ cuộc”, Long nói.

Với mong muốn được làm “đại lý” chúng tôi theo chân họ để nghe thuyết trình với chủ đề “8 bước kinh doanh thành công”. Sau đó, chúng tôi được sự hướng dẫn của một thanh niên tên Kiên, sinh viên năm cuối khoa Luật đại học Huế, để chập chững vào nghề.

Sau khi “vẽ” cho chúng tôi cơ hội làm giàu có một không hai, Kiên ra điều kiện: “Muốn trở thành đại lý, chị phải bỏ ra 30 triệu đồng để mua 10 sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty. Đây là cơ hội tốt nhất mà em trao cho chị! Nghe hoàn cảnh của chị, em thấy tội nghiệp quá. Chị cứ tham gia vào đây, chỉ trong thời gian ngắn bảo đảm sẽ lấy lại được tất cả những thứ đã mất…”.

Nhìn thẳng vào Kiên, tôi hỏi: Là sinh viên luật, em hiểu rõ hơn ai hết làm gì có nghề nào lại kiếm tiền dễ như vậy? Thấy tôi đánh bài ngửa, sau một hồi quanh co, Kiên bộc bạch: “Em bị một bạn học lừa vào đây chị à. Ban đầu, em cũng chẳng tin nhưng sau thấy bạn ấy khoe vừa học vừa làm “đại lý” bán hàng đa cấp, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nên nghe theo”.

Sau khi nghe lời “đường mật” và do cha mẹ ở quê nghèo khó, không xin được tiền nên Hùng bán chiếc xe máy được 9 triệu đồng, tài sản quý nhất mà gia đình sắm cho để làm phương tiện đi học, đồng thời vay mượn thêm đủ 30 triệu đồng để mua hàng, trở thành “đại lý” của công ty. “Vừa mua hàng xong, tài khoản của em được “thối lại” hơn 3 triệu đồng, mừng lắm chị!”, Hùng nói.

Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như Kiên tưởng tượng. Nhiệm vụ tiếp theo của em là phải “dụ” cho được 10 người vào đường dây, đồng thời thuyết phục mỗi người bỏ ra 30 triệu đồng mua hàng thì lúc đó mới được tiền hoa hồng. “Em đã “dụ” được 4 người, toàn là bà con dưới quê. Bây giờ họ cũng rơi vào hoàn cảnh như em. Lúc đầu, em bỏ học và nói dối gia đình là đi làm thêm, đến khi biết chuyện thì má em buồn đến sinh bệnh. Em chỉ mong sao lấy được số tiền đã trót bỏ vào đây rồi đi học lại. Em xấu hổ quá không dám vác mặt về quê nữa”, Kiên bày tỏ.

Trường hợp của Kiên không phải là cá biệt, còn rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự chỉ vì mong muốn làm giàu nhanh chóng qua hình thức bán hàng đa cấp. Những đơn vị, cá nhân bán hàng đa cấp có cùng kịch bản là lấy phần tiền của “đại lý” cấp hai trả cho “đại lý” cấp một; lấy tiền của “đại lý” cấp ba trả cho “đại lý” cấp hai…

Hầu hết các sản phẩm mua bán ở đây đều không có giá trị sử dụng mà chỉ là phương tiện giao dịch để người chơi tự lừa đảo nhau. Cuộc chơi này bao giờ cũng kết thúc bằng sự trốn chạy của nhà tổ chức, để lại hậu quả cho những người nhẹ dạ cả tin.

Nhân viên của một số công ty đa cấp được biết đến vốn nổi tiếng với “tình yêu” mù quáng dành cho công việc “hái ra tiền” cùng những màn thuyết trình, chia sẻ ngọt như rót mật vào tai của “đồng nghiệp”. Chính những màn “rót mật” này đã lôi kéo không biết bao nhiêu hoàn cảnh bi thương sa chân vào con đường làm ăn thiếu chân chính. Trong vụ việc của công ty đa cấp MB24, hàng ngàn người đã mắc lừa bởi những màn chém gió thần sầu dưới đây. Tuy nhiên, khi họ hiểu ra thì đã muộn.

Còn tiếp…

Thanh Quỳnh / NĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP