Người đương thời

Lộc Hà: Gia đình có 5 cha con là đảng viên, hội viên hội cựu chiến binh

Về xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh hỏi gia đình ông Lê Xuân Hường ai cũng biết. Bà con biết vì quý mến ông Hường không chỉ là tính tận tụi trong công việc, gương mẫu trong cuộc sống mà còn ở phẩm chất của một gia đình có lòng yêu nước và truyền thống cách mạng khá nổi bật ở địa phương. Sinh năm 1938 – năm nay ông đã bước vào tuổi 78, ông Hường còn khỏe mạnh, đầu óc tinh anh và hoạt bát trong mọi sinh hoạt. Là con trai thứ 6 của gia đình, có cha đẻ là Đảng viên – lão thành cách mạng thời kỳ 30 – 31 của Đảng, Lê Xuân Hường là một trong số rất ít thanh niên của xã Tân Lộc tốt nghiệp khoa Kế Toán, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội những năm đầu năm 1960. Cầm tấm bằng đại học loại khá trong tay, Lê Xuân Hường hoàn toàn có cơ hội để kiếm cho mình một việc làm ở Hà Nội. Nhưng ông đã tình nguyện về quê công tác, gắn bó với ruộng đồng quê hương. Năm 1961 Lê Xuân Hường được bầu làm Phó chủ nhiệm, kiêm Kế toán trưởng Hợp tác xã nông nghiệp cấp cao Tân Lộc.

hatinh

Sau 3 năm làm Phó chủ nhiệm kiêm Kế toán trưởng, Lê Xuân Hường đã nhiều lần xung phong vào bộ đội trực tiếp cầm súng đánh giặc Mỹ xâm lược. Ba lần viết đơn vào quân đội của Lê Xuân Hường đều bị chính quyền địa phương từ chối vì công tác hợp tác xã cần đến kiến thức của anh hơn. Mãi đến lần viết đơn xung phong đi bộ đội lần thứ 4 Lê Xuân Hường mới được toại nguyện. Sau ba tháng huấn luyện anh được điều về công tác tại Cục chính trị Quân khu 4. Mãi đến năm 1972, Lê Xuân Hường mới được cấp trên biên chế về sư đoàn 304 trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, đã tham gia nhiều trận oai hùng của quân đội nhân dân ở dốc miếu Khe Sanh, Tứ Hạ, thành cổ Quảng Trị… Một vinh dự lớn nhất của Lê Xuân Hường là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngỡ đất nước được yên bình mãi mãi, nào ngờ kẻ địch phương Bắc lại gây nên cuộc chiến tranh biên giới, Hường đã cùng đồng đội ôm súng bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc. Tại mặt trận Lạng Sơn, Lê Xuân Hường đã bị thương nặng. Sau một thời gian điều trị, Lê Xuân Hường được về công tác tại Quân đoàn 2. Sau 36 năm học tập, công tác trong đó có 24 năm trong quân ngũ, Lê Xuân Hường được nghỉ hưu theo chế độ với cấp hàm Trung tá.

Về địa phương một thời gian ngắn, Lê Xuân Hường được bầu giữ chức Chủ tịch cựu chiến binh xã Tân Lộc. Với những đóng góp của mình, Lê Xuân Hường đã được cấp trên tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huân chương chiến công hạng ba, huân chương chiến sỹ vẽ vang một, hai, ba, một kỷ niệm chương giải phóng Sài Gòn – Gia Định, một kỷ niệm chương về sự nghiệp cựu chiến binh Việt Nam, và nhiều bằng khen của quân đội và các cấp chính quyền.

Nói về người Đảng viên gương mẫu Lê Xuân Hường, đồng chí Phan Thanh Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc cho biết: Gia đình đồng chí Lê Xuân Hường luôn gương mẫu, gần gủi với mọi người, được nhiều người yêu mến, là gia đình có 5 cha con đều là Đảng viên đều là hội viên cựu chiến binh Việt Nam, nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa kiểu mẫu.

Tiếp theo truyền thống ông, cha, cả 4 người con của Lê Xuân Hường bao gồm anh Lê Xuân Hiểu, chị Lê Thị Hà, anh Lê Xuân Quý và người con trai út là Lê Xuân Thìn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và quân đội giao cho. Cả 4 người con của ông đều là cựu chiến binh, đều là Đảng viên gương mẫu.

Tiến Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP