Tin Hà Tĩnh

Hai học sinh chết vì tai nạn trên QL281 ở Hà Tĩnh: Xã và huyện có vô can?

Nếu xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà di dời hàng rào tái lấn chiếm đất đã được GPMB thì 2 em học sinh nơi đây có tử vong?

Hai học sinh và chiếc xe máy đâm dính vào hàng rào thép gai

Hai cái chết đau lòng từ vụ tai nạn giao thông

Những ngày qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc về trách nhiệm của chính quyền xã Thịnh Lộc và huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) liên quan đến vụ TNGT tối ngày 24/5/2020 trên tuyến QL281 đoạn qua xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.

Theo phản ánh của bạn đọc, hàng cọc bê tông và dây rào thép gai mà chiếc xe máy chở 2 em học sinh đâm vào dẫn đến tử vong là một công trình do UBND xã Thịnh Lộc triển khai trước đó. Công trình này được xây dựng trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường ven biển (đoạn này đường ven biển trùng với QL281) trước đó. Đặc biệt, việc tái lấn chiếm này đã được chủ đầu tư dự án có văn bản gửi UBND huyện đề nghị di dời. UBND huyện Lộc Hà cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Thịnh Lộc xử lý nhưng đến nay xã này vẫn chưa thực hiện.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV Báo Giao thông đã vào cuộc xác minh và nhận thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở.

Sáng ngày 3/6, có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, PV nhận thấy đoạn đường này đã được thi công cơ bản hoàn thành; mặt đường bằng phẳng, tầm quan sát thông thoáng. Đất 2 bên đường là đất cát pha, dùng để trồng lạc và các loại dưa.

Vụ tai nạn xảy ra ngay tại cổng chính vào mô hình vườn dưa an toàn của hội quán sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc (thuộc địa phận thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc). Hương, tiền vàng và một vài mảnh vỡ của xe máy sau vụ tai nạn còn sót lại trên mặt đất, một dây thép gai bị đứt nằm lăn lóc giữa đất. Ngay cạnh đó là một thùng bê tông được đặt ngay trên mép đường để các hộ dân sản xuất dưa đựng vỏ bao, chai lọ thuốc trừ sâu.

Ông Dương Công Lý (70 tuổi, trú ở thôn Nam Sơn) cho biết: hàng rào đó được dựng lên từ đầu năm 2020, còn thùng bê tông được đặt trước hôm xảy ra vụ tai nạn khiến 2 cháu học sinh tử vong (trước ngày 24/05/2020). Ông Lý kể lại: Hai cháu bé đi xe máy trên đường ven biển, hướng thị trấn Lộc Hà đi Thịnh Lộc (hướng Nam - Bắc). Khi xe đi đến đoạn cổng vườn dưa thì mất lái lao vào cọc bê tông và dây thép gai bảo vệ vườn dưa. Vụ tai nạn khiến cả xe máy và 2 người trên xe lao vào cọc bê tông và dây thép rồi dính luôn ở đó; hai cháu bé tử vong sau đó, còn một dây thép gai bị đứt.

Xác nhận thông tin, ông Phạm Quốc Việt - Trưởng Công an xã Thịnh Lộc đính chính lại: Chiếc xe máy và 2 nạn nhân lao vào cọc bê tông và dây thép gai chứ không phải lao vào cột mốc đường như đã thông tin trước đó, đoạn dường này chưa hoàn thành, cột mốc đường chưa có. Sau khi đâm vào hàng rào bảo vệ thì cả xe và 2 nạn nhân đè lên nhau trên dây thép gai. Nạn nhân sau đó được người dân đưa ra đường để chờ xe cấp cứu thì tử vong.

Vị trí xe máy và 2 em học sinh đâm vào, 1 dây thép gai bị đứt

Công trình tái lấn chiếm phạm vi đã được giải phóng

Theo tìm hiểu của PV, công trình hàng rào bảo vệ vườn dưa an toàn của hội quán sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc dài khoảng 200m, được triển khai từ đầu năm 2020. Công trình do UBND xã hỗ trợ về cọc bê tông và dây thép gai, còn nhân dân hỗ trợ ngày công dựng lên.

Đặc biệt, công trình này đã tái lấn chiếm phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng trước đó để thực hiện Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (còn gọi là dự án đường ven biển).

Đáng nói hơn, ngày 4/5, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (Chủ đầu tư tuyến đường ven biển) đã có văn bản gửi UBND huyện Lộc Hà; Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Lộc Hà; UBND xã Thịnh Lộc kiểm tra, có giải pháp giải tỏa các công trình, vật kiến trúc chưa di dời, các công trình tái lấn chiếm ra khỏi phạm vi mặt bằng đã giải phóng. Trong đó đề cập rất rõ đến công trình bảo vệ vườn dưa (gồm cọc bê tông và dây thép gai) này đã tái lấn chiếm phạm vi đất đã GPMB trước đó.

Nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư, ngày 07/05/2020, UBND huyện Lộc Hà đã có công văn số 702/UBND-BBT gửi UBND xã Thịnh Lộc “Về việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác GPMB đối với đường quốc lộ ven biển đoạn qua xã Thịnh Lộc”.

Theo văn bản, UBND huyện Lộc Hà giao xã Thịnh Lộc xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng tái lấn chiếm mặt bằng theo quy định; tiếp tục vận động các trường hợp chưa di dời hết tài sản đã được bồi thường…

Văn bản chỉ đạo là thế, nhưng mãi đến trưa ngày 3/6, sau khi PV Báo Giao thông có phản ánh, UBND xã Thịnh Lộc mới cho di dời thùng bê tông đựng rác sang phía đối diện. Còn công trình cọc rào bảo vệ thì vẫn nguyên xi như trước khi xảy ra vụ tai nạn.

Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc thừa nhận công trình này tái lấn chiếm phạm vi đã GPMB trước đó nhưng chưa được xử lý.

Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương?

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh - Chủ đầu tư dự án đường ven biển cho biết: Vấn đề giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương. Sau khi phát hiện tình trạng tái lấn chiếm đất thuộc phạm vi đã GPMB, ban dự án đã có văn bản gửi UBND huyện đề nghị xử lý nhằm quản lý phạm vi đất đã GPMB của dự án theo đúng quy định từ đó phát huy hiệu quả trong quá trình khai thác, thuận lợi trong công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sau này.

Ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà thừa nhận: Công trình hàng rào vườn dưa sạch là do UBND xã tài trợ và nhân dân góp công dựng lên. Công trình này nằm trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng khoảng 30cm. Còn thùng bê tông đựng rác là do Hội Nông dân xã đặt để người dân bỏ vỏ, chai, lọ thuốc trừ sâu vào trong sau khi sử dụng.

Cũng theo ông Nghĩa: Xã có nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện và cũng đã yêu cầu 37 hộ dân trồng dưa dịch hàng rào vào theo đúng quy định. Thế nhưng, hợp tác xã cho biết có một số hộ dân chưa thu hoạch hết dưa nên chưa di dời vào trong được.

Khi được hỏi về trách nhiệm của UBND xã thì ông Nghĩa phân bua: Công trình này chỉ là tái vi phạm phạm vi đất đã GPMB; phần đất này chỉ phục vụ cho bàn giao công trình chứ không phải nằm trong hành lang ATGT.

Để hiểu thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, PV đã nhiều lần liên lạc trực tiếp với ông Lê Quang Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà (người ký văn bản 702/UBND-BBT yêu cầu xã Thịnh Lộc xử lý tình trạng tái lấn chiếm đất đã GPMB). Tuy nhiên, ông Huệ đều bận họp chuẩn bị cho công tác Đại hội Đảng bộ các cấp.

Nếu không có công trình này, hoặc công trình được di dời vào trong thì 2 học sinh có chết tức tưởi?

Nếu không có hàng rào thì 2 học sinh có tử vong?

Theo tài liệu ban đầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà: Hướng xe máy lưu thông trước khi xảy ra vụ TNGT là hướng thị trấn Lộc Hà - Thịnh Lộc. Nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu là do người cầm lái không làm chủ được tay lái dẫn đến tự ngã rồi lao vào hàng rào thép gai; trong hiện trường thùng bê tông đựng rác không được mô tả.

Một cán bộ Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà nêu quan điểm cá nhân: Chúng ta phải cắt nghĩa 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau là: vì công trình đó (công trình hàng rào) mà 2 cháu học sinh ngã tử vong khác với hai cháu ngã rồi đập vào công trình đó dẫn đến tử vong.

Việc UBND xã Thịnh Lộc có vi phạm hành lang ATGT hay không là việc khác, đó không phải là nguyên nhân của vụ tai nạn. Nguyên nhân của vụ tai nạn dẫn đến tử vong là do tài xế không làm chủ được tay lái rồi tự ngã. Tuy nhiên, cũng có người sẽ đặt vấn đề nếu không có hàng rào đó, xe máy lao xuống ruộng thì 2 nạn nhân có tử vong hay không?

Sau khi PV Báo Giao thông phản ánh, UBND xã Thịnh Lộc đã cho di chuyển thùng bê tông sang phía bên kia đường

Như Báo Giao thông đã đưa tin: Khoảng 22h đêm 24/5, 2 em T. Đ. S (SN 2005) và N. Q. A (SN 2005), đều trú tại thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà đi trên xe máy BKS 38L1 - 124.79 di chuyển trên tuyến QL281, hướng thị trấn Lộc Hà đi xã Thịnh Lộc.

Khi xe đi đến địa phận thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà thì mất lái rồi lao vào hàng rào bảo vệ vườn dưa của người dân bên đường. Vụ tai nạn khiến 2 em học sinh tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP