Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dự án đường di dân vùng lũ Kỳ Anh thi công kém chất lượng

Với sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát cùng với việc thi công cẩu thả của nhà thầu đã và đang đe dọa đến chất lượng của Dự án đường di dân vùng lũ xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực, đồng thời đảm bảo tính cơ động cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn di dân ra khỏi vùng ngập lũ trong mùa mưa bão, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng các hạng mục còn lại thuộc công trình Đường di dân vùng lũ xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh.

Theo đó, Dự án sẽ được triển khai xây dựng gồm các hạng mục cầu; cống và đường. Với tổng mức đầu tư 77.686.604.000 đồng, trong đó phí xây lắp là hơn 66 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát là liên danh công ty Nhật Minh và công ty Quang Thắng (Trụ sở đóng tại Thị xã Hồng Lĩnh), đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Vĩnh Phúc (trụ sở đóng tại xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh).

Đơn vị trúng thầu là công ty khá uy tín ở tỉnh Hà Tĩnh

Người dân ở hai xã Kỳ Thọ, Kỳ Ninh đã hết sức vui mừng khi dự án được đầu tư, thế nhưng trong quá trình triển khai niềm vui ấy đã không còn nguyên vẹn, họ lo lắng và bất bình trước kiểu thi công dối trá, cẩu thả từ phía đơn vị trúng thầu dự án này.

Ông N.V.N một người dân xã Kỳ Ninh bức xúc cho biết: “Không biết thi công cái kiểu gì mà nền đường yếu quá, chỉ mới xe bồn chở bê tông ra vào vài ba lượt mà nền đường đã lún, nứt hết cả rồi, không biết rồi thi công xong mặt đường có bị sao không đây?”

Đến nay, dự án đang đi vào giai đoạn cuối thế nhưng những gì PV ghi lại được tại công trường thì những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Việc đơn vị tư vấn giám sát, cán bộ kỹ thuật BQL Xây dựng cơ bản (Ban A - đại diện chủ đầu tư) thường xuyên vắng mặt tại công trường dường như là một “đặc ân” để nhà thầu mặc nhiên tự tung tự tác.

Theo thiết kế, nền đường thông thường phải đắp bằng đất đồi đầm chặt K 0,95, riêng 30cm nền đất dưới đáy áo đường đảm bảo độ đầm chặt k 0,98. Trước khi đắp, đào bóc lớp đất hữu cơ và những vật liệu không thích hợp dày tối thiểu 30cm; đánh cấp với bề rộng tối thiểu 1,0m.

Hiện tượng cao su xuất hiện chằng chịt trên mặt của nền đường, ở nhiều điểm sụt lún sâu tới 30cm.

Tuy nhiên chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát cũng không hề có một động thái nào yêu cầu nhà thầu khắc phục, chỉ đến khi cơ quan báo chí vào cuộc thì mới bắt đầu cho sửa lỗi bằng hình thức đối phó.

Theo quy trình, khi phát hiện nền đường chưa đảm bảo chủ đầu tư phải ra văn bản yêu cầu dừng thi công để khắc phục những điểm chưa đạt về độ K như thiết kế. Khi những vấn đề trên được phản ánh tới chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh thì ở dưới mới bắt đầu có những động thái cho khắc phục.

Tuy nhiên, việc khắc phục như một hình thức đối phó hơn là trách nhiệm với chất lượng của công trình, bởi ngay sau khi được chủ đầu tư thông báo đã cho khắc phục, PV đã đến hiện trường nhưng việc khắc phục sai phạm còn sơ sài, làm “cho có lệ”. Trong quá trình ấy, tư vấn giám sát vẫn không hề xuất hiện, nếu có xuất hiện thì một cách thoáng qua.

Khi việc khắc phục hoàn thành cũng không hề có một sự kiểm tra, nghiệm thu nào.

Trao đổi với ông Trần Thanh Minh – Cán bộ kỹ thuật ban A huyện Kỳ Anh thì được biết: “Khi phát hiện được nền đường bị sụt lún, cao su, chúng tôi đã cho dừng đổ bê tông và yêu cầu nhà thầu khắc phục những điểm nền đường yếu”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc sau khi nhà thầu khắc phục thì phía Ban cũng như tư vấn có lập biên bản nghiệm thu, lấy mẫu thí nghiệm độ K hay không thì ông Minh ấp úng không trả lời được.

Sau khi việc khắc phục của nhà thầu hoàn tất và cho thi công trở lại, PV đã quay lại hiện trường và ghi nhận thấy vẫn còn nhiều điểm chưa được khắc phục như chỉ đạo của chủ đầu tư.

Dưới đây là những hình ảnh PV ghi lại được tại công trình:

Tác giả: An Yên - Thành Văn

Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP