Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Chế độ của thân nhân liệt sĩ bị… “lạc” trong tủ suốt 31 năm

31 năm cũng là khoảng thời gian dài mà bà Nguyễn Thị Hồng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ròng rã đi tìm lại chế độ tiền tuất liệt sĩ của con trai đã mất.

Nhắc về quãng thời gian cùng chồng đi khắp nơi hỏi về chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ đã mất, bà Nguyễn Thị Hồng (84 tuổi, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa mừng vừa tủi. “Gia đình tôi đi “kêu” rất nhiều lần nhưng đến nay, sau 31 năm thì mới được hướng dẫn làm thủ tục để hưởng chế độ tiền tuất liệt sĩ của con”.

Theo đó, liệt sĩ Lê Văn Định (SN 1961) nhập ngũ tháng 3/1979 theo lệnh tổng động viên, thuộc Trung đoàn 760, Sư đoàn 318; hi sinh tháng 9/1979. Sau khi quân nhân Định hi sinh, Trung đoàn 760 đã gửi giấy báo tử về gia đình và UBND xã Sơn Trường kèm theo thư chia buồn của Sư đoàn 318.

Năm 1980, theo chế độ chính sách dành cho thân nhân liệt sĩ, gia đình bà Hồng được cấp 300 đồng tiền tuất và 50kg mì hột. Nhưng đến năm 1981, gia đình bà nhận thông báo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn cho biết “Tạm ngừng cấp phát tiền tuất hàng tháng cho bố mẹ liệt sĩ Lê Văn Định vì mẹ chưa đủ 55 tuổi, bố chưa đủ 60 tuổi theo quy định”. Thời điểm này, bà Hồng 49 tuổi và ông Lê Văn Tường (bố liệt sĩ) 54 tuổi.

hatinh24h (2)

31 năm nay, bà Hồng liên tục phải đi gõ cửa cơ quan chức năng hỏi về chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ.

Đến năm 1985, cả hai ông bà đủ tuổi được nhận chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ nhưng oái oăm thay, tiền tuất vẫn không được cấp. Bà Hồng cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, hai vợ chồng đã hàng trăm lần thay nhau đi hỏi từ xã, huyện và tỉnh nhưng không có kết quả. Năm 2001, chồng tôi qua đời, từ đó tôi một thân một mình, lại càng bất lực”.

Đến năm 2016, tiếp tục đến Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh xin làm việc, bà Hồng được được anh Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Người có công hưỡng dẫn. Vị này khi thấy hồ sơ của mẹ liệt sĩ thì liền nói: “Hồ sơ đầy đủ thế này sao giờ mới trình”.

Ngay sau đó, vị trưởng phòng đã liên lạc với chị Liên, cán bộ Phòng lưu trữ để tìm hồ sơ gốc. Sau một lúc tìm kiếm, chị này thốt lên: “Hồ sơ bị lạc trong tủ đã 31 năm”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Nhung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn cho biết, sau khi nhận phản ánh của bà Nguyễn Thị Hồng, cơ quan đã phối hợp với gia đình làm chế độ cho liệt sĩ Định.

“Trước đây, gia đình có quyết định trợ cấp 1 lần, nhưng hồ sơ lưu ở sở năm 1981 chỉ có bút tích ghi là Bộ LĐ-TB&XH không công nhận Lê Văn Định là liệt sĩ, còn văn bản lưu thì không có. Hiện, phòng đã làm văn bản trình sở, sở có văn bản ra bộ. Đến thời điểm này thì chưa có ý kiến của bộ nên sở và phòng chưa có hướng xử lý tiếp theo”.

VŨ TOÀN – THẮNG TUẤN

Nguồn: Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP