Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cán bộ nhanh tay sang tên, đổi chủ... "đất vàng" biến thành biệt thự

Mặc dù không có nhu cầu về nhà ở nhưng nhiều đối tượng vẫn được UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cấp đất. Điều đáng nói là ngay sau khi giao đất, các đối tượng này đã "nhanh tay" chuyển nhượng để thu về một khoản tiền lớn.

Một doanh nghiệp đã mua lại 3 suất đất liền kề để xây biệt thự


Như Infonet đã đưa tin, với tiêu chí xét "ngẫu hứng" trong việc cấp đất cho cán bộ, viên chức của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khiến nhiều cán bộ, công chức dù đã có nhà ở vẫn được cấp, ngược lại có những người chưa có nhà ở thì không trong diện được cấp. Việc cấp đất "ngẫu hứng" tràn lan như này là không đúng với chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy phải "có nhu cầu chính đáng".

Mới có 26/168 lô đất cấp được sử dụng

Theo kết luận của Đoàn kiểm tra số 199 (thuộc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh), đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 26/168 lô đất giao cho cán bộ, công chức, viên chức được đưa vào sử dụng (làm nhà ở). Điều này không đúng với quy định của pháp luật và chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy “có nhu cầu chính đáng”.

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, việc giao đất, xét, chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính cho các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang; cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn khi các đối tượng đã có đất ở, nhà ở là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Việc giao đất cho 168 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức không thông qua Hội đồng tư vấn giao đất xã Thạch Bằng; huyện trực tiếp tổ chức bốc thăm để giao đất ở cho cán bộ công chức, viên chức, sau đó mới chuyển làm các thủ tục xét, đề nghị giao đất là thực hiện không đúng trình tự thủ tục.

PV Infonet đã có mặt tại xứ đồng Lô Cốt, thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), và đã không khỏi ngạc nhiên về những căn nhà thưa thớt, nằm rải rác trong khu quy hoạch giao đất ở cho cán bộ, công nhân, viên chức hành chính huyện.

Theo thống kê của Đoàn kiểm tra số 199 (thuộc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh), đến thời điểm hiện nay mới có 26/168 lô đất giao cho cán bộ, công chức, viên chức được đưa vào sử dụng làm nhà ở. Tuy nhiên trên thực tế, trong số 27 ngôi nhà đã xây dựng (một ngôi nhà vừa xây xong, đang hoàn thiện - PV), chỉ có 12 nhà còn chính chủ. Số còn lại không thuộc diện được cấp nhưng đã mua lại từ những cán bộ được các cơ quan, tổ chức xét theo tiêu chí của Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà.

Lô đất của ông Phạm Hạnh (Nguyên CTMTTQ huyện) ngay cạnh lô đất của con trai ông là Phạm Quang Hiếu (UBND huyện), nhưng do ông Hạnh đã có nhà ở tại xã Thạch Kim nên lô đất này vẫn chưa được sử dụng


Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hiếu, Công chức địa chính xã Thạch Bằng cho biết, 12 cán bộ, công nhân viên chức được cấp đất đã tiến hành xây nhà để ở là Trần Thị Sen (Phòng LĐTBXH); Trần Thị Thuận (Phòng GD&ĐT); Nguyễn Thị Hiền (UBND huyện); Phạm Quang Hiếu (UBND huyện); Hà Minh Đức (UBND huyện); Nguyễn Thị Minh (Phòng LĐTBXH); Nguyễn Tiến Chương (Cán bộ UBND huyện); Phan Thị Hương Giang (MTTQ huyện); Bùi Trọng Thu (Công an huyện); Nguyễn Thị Tâm (Huyện ủy); Phan Thị Hạnh (Viện Kiểm sát); Nguyễn Thị Lệ Thủy (LĐLĐ huyện).

Nhận xong bán ngay?

Theo ông Hiếu, trong số những ngôi nhà còn lại, chủ nhà không thuộc đối tượng được cấp đất, mà xây dựng trên đất cấp cho cán bộ, công chức hành chính huyện. Cụ thể, họ đã xây dựng trên đất của Nguyễn Hoàng Hiếu (Thanh tra huyện); Nguyễn Thị Lệ Nhung (Phòng GD&ĐT); Ngô Đức Duẩn (Phòng TN&MT); Ngô Đức Thanh (Huyện ủy Lộc Hà nghỉ hưu); Phan Văn Thanh (Phòng NN&PTNT); Nguyễn Ngọc Thạch (CVP UBND huyện); Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Tâm (Huyện đội Lộc Hà); Trần Phi Long (Ban A huyện Lộc Hà), Tô Đình Đính (Phòng LĐTBXH); Nguyễn Khắc Diện (Huyện ủy); Đặng Thị Vinh (Phòng Nội vụ); Phan Đình Thiềng (UBND huyện); Nguyễn Nam Nhật (Ngân hàng NN Lộc Hà); Phan Văn Bằng (Viễn thông Lộc Hà).

Duy chỉ có trường hợp ông Phạm Hạnh (Nguyên CTMTTQ huyện) được cấp 1 lô đất ngay cạnh lô đất của con trai ông là Phạm Quang Hiếu (UBND huyện), nhưng do ông Hạnh đã có nhà ở tại xã Thạch Kim nên lô đất này vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Một cán bộ xin giấu tên cho biết: “Nhiều người nhận đất xong là bán ngay. Giá mỗi suất đất được bán ra rất “bèo”, chỉ dao động từ 200 triệu đến 330 triệu đồng. Chính vì thế, một giáo viên THCS đã mua một lúc 2 suất đất liền kề để ở. Đặc biệt, ông Nguyễn Khắc H., chủ một doanh nghiệp kinh doanh buôn bán bên Lào đã mua 1 lúc 3 suất đất cạnh nhau để xây biệt thự hoành tráng”.

Trao đổi về việc sang tên, đổi chủ cho những thửa đất nói trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Công chức địa chính xã Thạch Bằng cho biết, hiện có 2 hộ đã làm thủ tục sang tên đổi chủ, đó là hộ ông Nguyễn Khắc H. và hộ bà Nguyễn Thị Yến. Số còn lại thì chưa chuyển nhượng, hoặc họ viết giấy bán rồi qua công chứng để chuyển nhượng cho nhau thì không nắm được.

Trái với thông tin của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn, khẳng định, huyện chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho bất kỳ trường hợp nào trong số cán bộ, công nhân, viên chức hành chính huyện được cấp đất cả.

Trong số 168 suất đất được cấp, hiện mới có 12 cán bộ, công nhân viên chức tiến hành xây nhà để ở

Lý giải về việc cấp đất mà cán bộ, công nhân viên chức không có nhu cầu sử dụng, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Nhiều cán bộ, công nhân viên chức có nhu cầu làm nhà nhưng do điều kiện khó khăn nên vẫn chưa làm được. Riêng việc cấp đất cho cán bộ ngân hàng, viễn thông, điện lực là sai”.

Cũng theo ông Nhàn, huyện sẽ xác minh cụ thể từng đối tượng, những ai được cấp đất mà đem bán thì sẽ có hình thức kỷ luật. Bởi tại sao không có nhu cầu làm nhà mà vẫn viết đơn xin cấp đất, vẫn cam kết có nhu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tác giả: Hà Vy - Trần Hoàn

Nguồn tin: infonet.vietnamnet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP