Thế giới với Biển Đông

Đô đốc Mỹ không ‘ngậm bồ hòn’ trước Trung Quốc ở Biển Đông

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: AP

“Tôi là người nhà binh, tôi nhìn sự việc qua lăng kính u ám”, đô đốc Harry Harris nói về nguy cơ xung đột ở Biển Đông.
do-doc-my-khong-ngam-bo-hon-truoc-trung-quoc-o-bien-dong

Ông gọi các hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và bành trướng”, cáo buộc nước này “xây Trường Thành bằng cát” và “rõ ràng quân sự hóa” các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. “Chỉ có người tin trái đất phẳng thì mới nghĩ khác đi được”, ông nói trong một lần trình bày trước quốc hội Mỹ.

Đây là những lời của đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh Mỹ phụ trách các hoạt động quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông khiến nhiều người phải đau đầu ở Bắc Kinh, cũng như ở Washington vì ngôn ngữ của mình, theo NYTimes.

Đô đốc Harris không hề nuối tiếc về ngôn từ thẳng thắng của ông, điều làm Nhà Trắng lo lắng, khi họ đang tỏ ra thận trọng hơn trong những tháng cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, công việc của ông là trình bày về mối đe dọa từ động thái đó trước quốc hội, công chúng và các đồng minh nước ngoài.

“Luôn có sóng ngầm giữa những người trong chính phủ và hệ thống trực tiếp điều hành, và tôi nghĩ rằng đó là sóng ngầm lành mạnh”, ông nói. “Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình trong các cuộc họp riêng với các quan chức đứng đầu quốc gia. Một số quan điểm được ghi nhận; một số thì không”.

Quan hệ với Trung Quốc

Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Md., ông Harris được đào tạo làm sĩ quan hải quân phụ trách máy bay. Năm 1991, ông đã bay qua vịnh Persia trong một cuộc hải chiến, khi đó Mỹ đánh chìm tàu hải quân Iraq.

Khoảng một thập kỷ trước, ông làm chỉ huy tại vịnh Guantanamo. Ông từng học nguyên tắc chiến tranh tại Oxford. Sau đó, ông làm cố vấn quân sự cho ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi ông theo dõi các “bản đồ đường”, thể hiện tình trạng được thiết lập giữa Israel và Palestine.

Đô đốc từng đến Malaysia trên một chiếc máy bay do thám P-8 nhằm thuyết phục nước này gắn kết chặt chẽ trong vấn đề Biển Đông với Mỹ hơn là với Trung Quốc, nước đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho quốc gia Đông Nam Á này.

Đối với Trung Quốc, đô đốc Harris, 59 tuổi, không chỉ là một người có ngôn ngữ cứng rắn. Ông sinh ra tại Nhật Bản, có mẹ là người Nhật và cha là lính Mỹ. Người Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến gốc gác của ông như một kiểu công kích.

“Một số người có thể cho rằng việc quá nhấn mạnh vào gốc gác Nhật Bản của một tướng Mỹ là ác ý”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhuaviết. “Nhưng để hiểu được sự hung hăng bất ngờ của Mỹ, không thể nào bỏ qua dòng máu, xuất thân, xu hướng chính trị và giá trị của đô đốc Harris”.

Bình luận của truyền thông Trung Quốc có hai mục đích. Thứ nhất, họ muốn thể hiện rằng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tách biệt với phần còn lại của chính phủ Mỹ – một ý tưởng hoàn toàn không đúng sự thật, theoNYTimes.

Thứ hai, họ dường như có ý định làm xấu hình ảnh của ông. “Tôi được mô tả là một đô đốc Nhật, đó là điều không đúng sự thật. Tôi không chắc lý do tại sao họ cần phải đặt một tính từ trước chức danh đô đốc”, ông Harris nói.

Khi gia đình ông chuyển về vùng nông thôn ở Tennessee, mẹ ông từ chối dạy ông tiếng Nhật, nhấn mạnh rằng con trai mình là người Mỹ 100%. Vì vậy, đô đốc không để ý nhiều đến thực tế rằng ông là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm làm chỉ huy chiến đấu.

Những bình luận của Trung Quốc gây khó chịu đối với ông. “Về một số khía cạnh, họ cố gắng phỉ báng tôi, đó thật sự là điều xấu xí”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều lần cơ quan công vụ Trung Quốc đưa ra những bình luận không liên quan và mang tính xúc phạm”.

Theo Navy Times, đô đốc Harris là người muốn tiến hành những phản ứng cương quyết hơn đối với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông muốn đẩy mạnh hoạt động tuần tra, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp.

Theo nhà phân tích Clark tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, ông Harris có thể đang vận động để được tiến hành những cuộc tuần tra tự do đi lại mạnh mẽ hơn, bao gồm điều động trực thăng và thực hiện hoạt động tình báo trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể Trung Quốc kiểm soát.

Người nhà binh

Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra, chiếm gần trọn diện tích Biển Đông. Phán quyết được dự đoán là không có lợi cho Bắc Kinh, nhiều khả năng sẽ có tác động đến quan hệ ngày càng dễ đổ vỡ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Việc Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết của tòa cứng rắn đến mức nào là mối quan tâm lớn của đô đốc Harris. Nhiệm vụ của ông là đưa các phương án quân sự để đối phó khi Trung Quốc có động tĩnh, trong ngắn hạn hoặc dài hạn.

Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch biến bãi cạn Scarborough, thực thể Bắc Kinh chiếm kiềm quyển soát từ Philippines 4 năm trước, thành một pháo đài. Chỉ cách bờ biển Philippines gần 200 km, nó sẽ là mối đe dọa tiềm tàng đến một đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, buộc máy bay dân sự phải bay đường vòng dài và tốn kém để tránh nguy cơ chạm trán với không quân Trung Quốc.

do-doc-my-khong-ngam-bo-hon-truoc-trung-quoc-o-bien-dong-1

Vị trí bãi cạn Scarborough. Đồ họa: Google Maps

Nguy cơ này cao đến mức ông Obama đã cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp ở Washington rằng không nên cải tạo bãi cạn Scarborough hay thiết lập ADIZ ở khu vực, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Không bên nào muốn xung đột nổ ra trên biển. Nhưng khả năng này phải được xem xét nghiêm túc, và bãi cạn Scarborough là nơi các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ sẽ giữ quan điểm cứng rắn.

Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph F. Dunford Jr., đã hỏi đô đốc Harris về vấn đề này. Một nhà báo đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người tại Lầu Năm Góc nhưng không nghe rõ câu trả lời của đô đốc.

Sau đó, khi được hỏi lại về khả năng xung đột nổ ra ở bãi cạn Scarborough, đô đốc bật cười. “Thật tốt là giọng tôi khá nhỏ”, ông nói khi mở một chai nước ngọt. “Tôi phải nói rằng tôi là người nhà binh. Tôi nhìn mọi việc qua lăng kính u ám, đó là việc tôi được trả tiền để làm”.

Ông nói rằng ông không quá lo lắng về nguy cơ tính toán sai lầm ở Biển Đông, giữa quân đội Trung Quốc và các lực lượng của các nước khác. “Tôi xem họ là một quân đội chuyên nghiệp”, đô đốc cho biết. Ông cho rằng nguy cơ lớn hơn là các vụ đụng độ do tàu bán quân sự Trung Quốc gây ra có thể khiến lực lượng Mỹ phải đứng ra để bảo vệ các đồng minh.

Để bảo vệ lợi ích của Mỹ, “tôi phải làm điều đó với những công cụ tôi có, đó phải là những công cụ quân sự, đó là những công cụ tuyệt vời”.

“Về Trung Quốc, chúng ta phải có sức mạnh để sẵn sàng đối mặt tất cả hậu quả”, đô đốc Harris nói, cho dù là về vấn đề bãi cạn Scarborough, Biển Đông, hay tấn công mạng.

Phương Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP