Tin Hà Tĩnh

Chưa có phương án xử lý 46 trụ sở xã dư thừa sau sáp nhập tại Hà Tĩnh

Theo Nghị quyết 819 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh thì từ ngày 1.1.2020, tỉnh Hà Tĩnh sẽ hình thành 34 xã mới trên cơ sở sắp xếp 80 xã, giảm 46 xã. Với Nghị quyết này, giảm 46 xã cũng đồng nghĩa với việc tỉnh Hà Tĩnh sẽ dư thừa 46 trụ sở xã cũ.

Trụ sở UBND xã Thạch Hương (cũ) này dư thừa không sử dụng đến sau khi sáp nhập 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương thành xã Tân Lâm Hương. Ảnh: Trần Tuấn


Để tránh lãng phí, Sở Tài chính Hà Tĩnh đã liên tục đôn đốc các địa phương trình phương án xử lý đối với các trụ sở xã đó.

Liên tục đôn đốc

Ngày 11.2, ông Lê Khánh Toàn – Chuyên viên Phòng Quản lý giá và công sản – Sở Tài chính Hà Tĩnh – cho biết, liên quan đến việc quản lý, sử dụng trụ sở, máy móc, thiết bị, tài sản khác tại các trụ sở làm việc khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 26.8.2019, Sở Tài chính Hà Tĩnh đã có văn bản 3158 hướng dẫn thực hiện về đất, tài sản trên đất, máy móc, thiết bị và tài sản khác tại các trụ sở.
Đến ngày 16.1.2020, Sở Tài chính có văn bản số 199 đôn đốc các xã rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất các xã sau sáp nhập về UBND các huyện, thị xã, thành phố trước ngày 7.2 để UBND cấp huyện tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phương án sắp xếp, xử lý gửi về Sở Tài chính trước ngày 14.2.

Đến ngày 31.1, Sở Tài chính tiếp tục có văn bản số 297 đôn đốc trình phương án đề xuất xử lý đối với nhà, đất của các trụ sở xã sau sáp nhập.

Thế nhưng, theo ông Toàn, hiện vẫn còn nhiều đơn vị chưa gửi phương án xử lý về cho Sở Tài chính. Nếu như hết thời hạn, vẫn còn đơn vị chưa hoàn thiện trình thì Sở Tài chính sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc.

Chi hơn 75,9 tỉ đồng hỗ trợ những người thôi việc

Theo Phòng quản lý huyện, xã - Sở Tài chính Hà Tĩnh, thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh, tính đến cuối tháng 12.2019, toàn tỉnh có 1.589 người dôi dư phải nghỉ việc tương ứng với việc tỉnh phải trích ngân sách hơn 75,9 tỉ đồng để hỗ trợ cho họ vì mất việc.

Đáng chú ý, có một trường hợp trong số này được hỗ trợ số tiền hơn 700 triệu đồng là ông Phạm Đức Trung – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Điền (sau sáp nhập là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Đây cũng là trường hợp được nhận hỗ trợ lớn nhất ở Hà Tĩnh.

Giải thích cơ sở nào để ông Trung nhận số tiền lớn như vậy, cán bộ Phòng quản lý huyện, xã – Sở Tài chính Hà Tĩnh đã chỉ ra rằng, ông Trung thuộc diện được hưởng 2 chế độ.

Thứ nhất, theo chế độ 108, do ông Trung có 31 năm đóng bảo hiểm nên áp dụng theo mức lương hiện hưởng thì tính toán ra, được hỗ trợ 251 triệu. Thứ 2, thực hiện theo Nghị quyết 164 (trong đó Hà Tĩnh có sửa đổi nâng cao mức hỗ trợ hơn so với một số địa phương khác), ông Trung thuộc đối tượng áp dụng theo khoản 2, điều 6 nên tính ra được 450 triệu. Tổng cộng cả 2 chế độ hỗ trợ mà ông Trung được hưởng là hơn 700 triệu.

Cán bộ Phòng quản lý huyện, xã – Sở Tài chính Hà Tĩnh còn cho hay, mức hỗ trợ cho những người được hưởng cả 2 chế độ 108 và Nghị quyết 164 tại Hà Tĩnh chủ yếu ở mức 300 – 400 triệu đồng.

Cũng theo cán bộ này, hiện Hà Tĩnh có gần 400 người đang tiếp tục được vận động để nghỉ việc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, việc vận động gặp khó khăn vì họ vẫn muốn tiếp tục làm việc.

Tác giả: TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP