Trong nước

'Biết tao là ai không?', tấm lưới, con cá và chiếc thòng lọng

Khi bị ông Nguyễn Đức Chung gọi điện, ông Tứ đã không tỉnh ra để biết sợ cái 'người' mà ngay cả ông Chung cũng phải khiếp sợ.

"Người mà ông Chung cũng phải khiếp sợ"

Trước khi ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, những vòng vây xung quanh ông đã lần lượt thít chặt từng nút một.

Ngay khi vụ án Nhật Cường bị khởi tố và người đứng đầu nó đột nhiên biến mất, những người hiểu chuyện đã bắt đầu nảy trong đầu từ khóa "Nguyễn Đức Chung".

Khi các đương kim và cựu quan chức Sở Kế hoạch và Đầu tư dính vòng lao lý; khi lái xe riêng của ông Chung bị bắt, một lần nữa, người ta nhìn thấy vòng vây đã khép.

Nhưng thông thường, người ta chỉ nhìn thấy chiếc lưới bủa vây con cá, mấy ai nhìn thấu thảm cảnh: Chính con cá tham lam đã tự chui đầu vào lưới, chính con cá ấy đã khiến tấm lưới phải hoạt động!

Nguyễn Văn Cường (Đoan Hùng, Phú Thọ), vừa phải trả giá bằng 7 tháng tù giam vì đấm người thi hành công vụ và cao giọng ở chốt kiểm soát dịch: "Mày biết tao là ai không?".

Khi hành vi và phát ngôn ngông cuồng ấy xảy ra, ai cũng biết Cường sẽ "là người dính vòng lao lý", chỉ có Cường không biết điều đó. Hỏi người, trong khi mình chẳng biết chính mình là ai.

Nhật Cường trúng thầu được là nhờ hai cuộc gọi can thiệp của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố.

Khi gọi điện cho ông Tứ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù có dùng ngôn từ nhã nhặn thế nào đi chăng nữa, thì hàm ý "biết tao là ai không" vẫn khiến thuộc cấp cảm nhận được. Nếu như cuộc điện thoại đó đến từ thuộc cấp của ông Tứ, hoặc một người bình thường, câu chuyện nhiều khả năng đã không kết thúc như trong cáo trạng.

Nhưng dù biết rõ mình là "Chủ tịch thành phố" khi gọi điện can thiệp thì ông Chung vẫn không biết mình thực sự là ai. Quyền lực chính đáng của một Chủ tịch thành phố nằm ở chỗ chí công vô tư, mang lợi lạc cho người, chứ không nằm ở vị thế một con sâu ngồi tót sỗ sàng lên ghế cao để đục khoét niềm tin và rường cột đất nước.

Khi nhận được điện thoại của ông Chung, ông Tứ biết rất rõ ông Chung là vị cấp trên quyền lực của mình, nhưng ông Tứ lại không biết sợ "người" đáng sợ hơn ông Chung nhiều lần - người mà ngay cả ông Chung cũng khiếp sợ - đó chính là luật pháp và nhân quả.

Thòng lọng vô hình và màn "tự bắt cóc"

Trên chiếc ghế quyền lực, ông Chung tưởng rằng biết rất rõ mình là ai, nhưng còn quá nhiều thứ ông chưa biết về chính mình, về người nhà mình.

Để được trúng thầu, Nhật Cường đã phải ký với công ty Minh Hoa của vợ ông Chung một hợp đồng mà cơ quan thuế xác định là hợp đồng khống. Ông Chung bảo sau khi bị khởi tố mới biết về hợp đồng này. Điều này có thể đúng và có thể chưa đúng, nhưng chắc chắn một điều ông Chung không hiểu thấu, đó chính là chiếc thòng lọng nguy hiểm nhất, thường đến từ người thân của quan chức.

Một ông quan liêm chính thực sự thì buộc phải bít chặt cửa hậu, để những cám dỗ không đi theo đường đó, làm hại mình và vợ con mình. Con đường mua chế phẩm xử lý nước thải ở Hà Nội đi qua công ty do vợ ông Chung điều khiển, chính là một kiểu cửa hậu tưởng tinh vi, nhưng lại dễ lòi ra nhất.

Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch thành phố, trong hội nghị quán triệt về trật tự an toàn đô thị, ông Chung đã làm rất nhiều người nức lòng khi răn đe: "Các Bí thư, Chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của Bí thư, Chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả".

Chỉ hơn một thời gian sau, câu nói răn đe ấy, vận vào đúng người răn đe. Gần như tất cả những người ngã ngựa, đều gắn chặt với những hệ lụy, đổ vỡ đau đớn mang tên "người nhà". Đó là chiếc thòng lọng vô hình bện bằng tình cảm và máu mủ.

Nguyễn Đức Chung đã từng tay không và một mình vào phòng để giải cứu thành công vụ bắt cóc con tin, thuyết phục đối tượng bắt cóc đầu hàng.

Nhưng chính vụ tự bắt cóc cuộc đời, danh dự của mình, thì ông Chung không thể giải cứu. Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình – như lời đức Phật dạy – là như thế. Hầu hết chúng ta đều bị tham sân si bắt cóc mình, theo nhiều cách.

Sau 3 lần khởi tố ở 3 vụ án khác nhau, có lẽ một người đã từng có nhiều công trạng và truyền cảm hứng mạnh mẽ như ông Chung, đã ít nhiều thấm thía cái thành bại được mất ở đời. Nên bài viết này, đề cập nhiều về ông Chung, nhưng lại không thực sự hướng đến ông Chung. Cuộc sống sẽ bớt đau đớn, phiền não, khổ lụy nếu nhiều người đi sau tránh được vết xe đổ của người đi trước.

Tất cả những người có tư tưởng "biết tao là ai không", cậy quyền, lộng quyền, ngang ngược, lợi mình hại người, đều không thấu nhân quả. Không thấu nhân quả thì không tìm cách khống chế tham sân si. Không chống chế được tham sân si thì luôn luôn không hiểu mình là ai.

Và cuối cùng, đáng buồn thay, họ không hề biết rằng, mình hóa ra chỉ là một con cá đang tự chui đầu vào tấm lưới nhân quả vô hình, càng quẫy, lưới càng thít chặt.


Tác giả: Bùi Hải

Nguồn tin: Báo Tổ Quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP