Cộng đồng mạng

Xót xa dòng chia sẻ từ người dì của nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường: "Gia đình mình không còn trọn vẹn vì thiếu con"

Tài khoản P.P đau đớn chia sẻ: “Đã xong việc của con trọn vẹn, chỉ là đại gia đình mình không còn trọn vẹn vì thiếu con".

Sự việc nữ sinh Y.N (lớp 10A15 – Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Ai cũng bày tỏ sự xót thương trước sự ra đi đột ngột của nữ sinh xinh đẹp – tài giỏi, đồng thời hi vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tìm lại công bằng.

Tối qua (17/4), tài khoản Facebook P.P – dì ruột của Y.N bất ngờ lên tiếng khiến bao người không cầm nổi nước mắt. Theo đó tài khoản này đau đớn chia sẻ: “Đã xong việc của con trọn vẹn, chỉ là đại gia đình mình không còn trọn vẹn vì thiếu con.

Y.N là cái tên mà dì và cậu đã đặt cho con – đứa cháu đầu tiên nên được cưng chiều hết mực. Con lớn lên trong sự yêu thương và tự hào của gia đình. Con được dạy dỗ cẩn thận, từ việc nhỏ nhất như ăn thế nào cho lịch sự, đi đứng ra sao… Con thông minh, khéo tay hay làm, vui vẻ và hài hước.

Vừa mới khoe với cả nhà là được học bổng. Vậy mà giờ này đau đứt từng khúc ruột con ơi!... Dì và mẹ đã chụp rất nhiều ảnh sống mũi cao đẹp của con để sau này con tự hào là mũi xịn. Mẹ và dì cũng hẹn con thi xong đại học là ta đi chơi và làm nhiều thứ. Vậy mà con ơi, sao đau thế này con ơi!

Người dì của Y.N đã có những chia sẻ đầy đớn đau. (Ảnh chụp màn hình)

Bấy lâu là N. nấu dì ăn, giờ thì dì nấu N. ăn nhé! Chỉ có điều là dì không nấu được ngon như N. thôi, chịu khó nha. Cả nhà yêu con rất nhiều! Và nhớ con lắm con ơi!”.

Chị P.P cũng cho biết bản thân định không làm gì nhưng thấy thông tin bịa đặt về vụ việc của cháu gái nên đã đăng tải vài tấm ảnh Y.N nhắn tin với mẹ để làm rõ. Chị khẳng định hai mẹ con Y.N thân nhau, trò chuyện như bạn bè hoặc thi thoảng trêu đùa như chị em. “Giờ con đi thì phải làm sao? Mẹ con đã hi vọng vào chị cả rất nhiều mà con. Mẹ đã hi vọng con là chỗ dựa cho hai em sau này mà con ơi. Đau quá con à”, người phụ nữ xót xa.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết của chị P.P đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng với hàng nghìn lượt thích, hàng chục nghìn bình luận và hàng trăm nghìn lượt chia sẻ. Nhiều người nhân vụ việc của Y.N đã nhớ lại quá khứ bị bạn bè bắt nạt, bạo lực học đường.

Liên quan đến bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết bạo lực học đường là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của học sinh. “Có những lời đe dọa ngay từ lúc đầu là xích mích nhỏ, phải có hoạt động nhóm hòa giải ngang hàng để ngay từ xích mích nhỏ được giải tỏa, các em hiểu nhau rồi, không làm bùng phát lên thành các vụ việc nghiêm trọng nữa.

Không phải nhà trường mới có trách nhiệm, mà gia đình phải có trách nhiệm. Trong đó, đối với nhà trường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phòng tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Tất cả phải chung tay thì mới kiểm soát được tình trạng bạo lực học đường này”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Cũng theo vị PGS.TS, trong năm qua xảy ra hơn 1600 vụ việc bạo lực học đường giữa học sinh và có đến 11.000 học sinh đã bị kỷ luật vì hành vi bạo lực học đường. Và còn nghiêm trọng hơn là bạo lực đã dẫn đến những hậu quả không thể đảo ngược.

“Nhận thông tin bạo lực nhưng xử lý không tới nơi, không dừng được những hành vi tấn công tinh thần của những kẻ bạo lực dẫn đến cái chết là sự tắc trách rất lớn. Ở những quốc gia phát triển, một nhà tâm lý trong quá trình làm việc với thân chủ, nếu thiếu hành động để thân chủ tự hại, tự tử thì anh ta sẽ bị tước bằng hành nghề và thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự rồi”, PGS.TS Trần Thanh Nam nói.

Trao đổi với báo chí, đại diện Trường THPT chuyên ĐH Vinh cho biết, Ban giám hiệu nhà trường đã đến chia buồn, động viên với gia đình của em Y.N. Về nguyên nhân chính xác của vụ việc, đại diện nhà trường cho biết cơ quan công an đang điều tra làm rõ.

Trước đó, một tài khoản nhận là người thân của nữ sinh đã đăng thông tin chia sẻ với nội dung: "Nữ sinh vốn học giỏi nhất nhì lớp, thế nhưng nữ sinh đã bất ngờ bỏ học và từng nói với mẹ "con sợ đi học, con sợ đến trường". Sau đó, khi mẹ tìm hiểu ra mới biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Mẹ có tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng nhận được các lời hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm nên mẹ tạm yên tâm nghĩ con sẽ tự xử lý được vấn đề của con... Ai ngờ đâu con vẫn bị sống trong môi trường áp đảo ấy kéo dài hàng tháng trời. Con đã lên kế hoạch mua dây thừng mới và nhằm lúc bố mẹ vắng nhà đã khóa trải cửa và thắt cổ tự vẫn. Con hưởng dương 17 tuổi tròn...".

Hiện vụ việc vẫn thu hút sự quan tâm từ dư luận.

Tác giả: NGỌC HÀ

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP