Khám phá

Xem dê đọ sừng phô trương sức mạnh đầu năm Mùi

Sáng mới, mảng trời trước núi vẫn còn tim tím chứ chưa rạng mà cả nhà ông Lý Văn Sáng (Hàm Yên, Tuyên Quang) đã bật đèn thức.

Loài dê còn được người vùng cao coi như một biểu tượng của sự dũng mãnh, chinh phục đỉnh cao, bản năng sinh sản mãnh liệt. Người miền xuôi xem lũ dê đâm bổ vào chọi nhau thì thích thú lắm.
Đông đảo người dân địa phương, khách du lịch đi xem chọi dê vào dịp đầu năm tại Hàm Yên. Điều thú vị là những chú dê chọi ở Tuyên Quang, Hà Giang đều rất đẹp, lông dài bóng mượt chứ không xơ xác như dê ở đồng bằng mà ta thường thấy - Ảnh: Hữu Lê
Đông đảo người dân địa phương, khách du lịch đi xem chọi dê vào dịp đầu năm tại Hàm Yên. Điều thú vị là những chú dê chọi ở Tuyên Quang, Hà Giang đều rất đẹp, lông dài bóng mượt chứ không xơ xác như dê ở đồng bằng mà ta thường thấy – Ảnh: Hữu Lê

Con trâu trong chuồng hóng tiếng chủ, gục gặc cặp sừng vào cái gióng tre lạch cạch. Đàn lợn rung rúc chuồng bên rít lên như tiếng còi xe. Mỗi người một việc, tất bật hơn vì hôm nay chợ phiên đầu. Sương vẫn chưa tan mà cả nhà đã quần áo tươm tất.

Ông chủ nhà người Dao lớn tiếng bắt cậu con trai lớn phải ôm lấy chú dê chọi lên ngồi sau xe máy, chứ không được dắt bằng dây như mọi ngày. Hôm nay chú dê lông trắng nặng tới 50kg ấy thay mặt cả gia đình thi thố với thiên hạ.

Chợ họp trên bãi rộng, đoạn từ ngoài quốc lộ vào được dựng cổng chào. Hàng nghìn chiếc xe máy gửi tràn ra các nhà dân xung quanh, giờ người vùng cao không cưỡi ngựa nữa.

Lũ dê được chủ dẫn ra một góc chợ, chỗ đó sát vách núi, mỗi con cách nhau một đoạn khá xa để tránh hục hặc với nhau.

Chợ Hàm Yên phiên đầu năm nay sôi động hơn vì lần đầu tổ chức hội chọi dê. Với người vùng cao chọi dê cũng chẳng lạ lẫm mấy, nhưng với người xuôi lên được xem lũ dê đâm bổ vào chọi nhau thì quả là thú lắm.

Trên đây là những gì tôi được tận mắt chứng kiến trong hội chọi dê đầu năm ngoái, một hoạt động mang tính văn hóa của vùng Hàm Yên, huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang với các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông… cùng chung sống.

Trong đàn gia súc của mỗi gia đình vùng cao, con dê nằm trong “lục súc” nên không thể thiếu. Đặc tính lành, gần với hoang dã giúp việc gây dựng  và nuôi đàn dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà không tốn nhiều công chăm sóc.

Không những thế, loài dê còn được bà con coi như một biểu tượng của sự dũng mãnh, chinh phục đỉnh cao, bản năng sinh sản mãnh liệt, hợp với tâm tính của người vùng cao.

Trước đây mỗi lúc nông nhàn, nhà nọ thách nhà kia mang dê ra chọi vui. Cứ thế thành lệ, hội chọi dê hình thành với quy mô lớn hơn, thành hẳn cuộc thi có giải. Dê chọi được chọn từ các hộ chăn nuôi trong vùng.

Dê chọi cũng có miếng, có thế. Miếng đòn tiêu biểu là đứng dựng hai chân sau lên rồi bổ cặp sừng cong cứng như thép xuống đầu dối thủ. Vài cú như thế mới đến những cú ghìm sừng, khóa cẳng…

Bên ngoài hàng rào, cả nhà chủ dê kéo nhau ra hò reo cổ vũ cho dê nhà mình. Dê đực thường là con đầu đàn, rất lì đòn, chẳng mấy con bỏ chạy sớm như trâu chọi nên màn thi đấu nào cũng căng thẳng, hấp dẫn.

Ăn thua nhau có khi chỉ do cân lạng không đồng đều. Giải tuy không lớn, chỉ vài ba triệu đồng nhưng bà con thì máu mê lắm. Con dê nhà mà thắng cuộc lại được đưa về đàn, lại sản sinh con cháu cho mùa chọi năm sau chứ không “lên thớt” như chọi trâu.

Ở khu vực miền núi của phía Bắc, ngoài Hàm Yên của Tuyên Quang, còn có Hoàng Su Phì (Hà Giang) cũng có hội chọi dê vào đầu năm mới.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chọi dê là trò chơi dân gian đã có từ xa xưa thường được đồng bào các dân tộc tổ chức vào dịp đầu xuân.

Tuy nhiên, để trò chơi dân gian này thành ngày hội thật sự thì cũng chỉ mới tổ chức cách đây vài ba năm. Vào dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, Hội chọi dê ở Hoàng Su Phì được tổ chức vào ngày 26 tháng giêng.

Còn năm nay, hiện tại các công ty du lịch khi rao tour đi Hà Giang dịp đầu năm Ất Mùi cũng quảng cáo lễ hội chọi dê như một đặc sản về văn hóa của bà con người dân tộc.

HỮU LÊ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP