UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi xin ý kiến các bộ ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.
Theo Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan, nếu xét trên lý thuyết quy hoạch đô thị dựa vào giao thông công cộng (hệ thống tàu điện ngầm hoặc đường sắt đô thị - lý thuyết về TOD), việc phát triển đô thị tập trung xung quanh các nhà ga là hợp lý.
Theo đó xung quanh ga sẽ cho phép đầu tư xây dựng tập trung với mức độ khai thác đất đai cao hơn, nhiều nhà cao tầng hơn, tạo ra những khu vực dân cư cao và đậm đặc các hoạt động đô thị hơn.
Ga Hà Nội có lịch sử hàng trăm năm |
Cụ thể, nếu khu trung tâm ga Hà Nội có đủ 3 tuyến đường sắt tập trung thì việc nhà cao tầng xung quanh ga không phải là vấn đề lớn xét về mặt gây áp lực giao thông trên đường phố. Bởi lúc đó người dân sẽ đi lại chủ yếu bằng vận tải công cộng, đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, hệ thống đường sắt cần được đầu tư trước hoặc ít nhất là đồng bộ với việc phát triển nhà cao tầng.
Thế nhưng xét trên khía cạnh bảo tồn di sản, bà Loan cho rằng, Hà Nội cần thận trọng khi đề xuất phát triển nhà cao tầng xung quanh ga Hà Nội. Nếu phát triển khu đô thị với những không gian siêu lớn, nhà cao tầng dày đặc sẽ dẫn đến nguy cơ phá hỏng không gian kiến trúc lịch sử hàng ngàn năm tại khu vực này.
“Sở dĩ việc xây dựng khu đô thị ga Hà Nội có nhiều tranh luận vì đây là khu nằm ở vùng lõi Thủ đô với mật độ đô thị đã khá cao. Kết cấu không gian khu vực này gắn liền với những ngôi nhà Pháp cổ rất đẹp nên nếu thay thế bằng những tòa nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn kết cấu không gian lịch sử”, bà băn khoăn.
Những năm trước đây Hà Nội đã có những quy định cấm xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô và có quy chế để quản lý chiều cao các công trình trong TP. Không hiểu sao việc áp dụng quy định này lại không nhất quán.
Vì vậy mô hình TOD cho phép xây dựng cao tầng tập trung xung quanh các ga đường sắt đô thị sẽ phù hợp hơn, nơi quỹ đất dồi dào và không bị ràng buộc bởi các yêu cầu bảo tồn.
Nên bố trí 3 ga đường sắt tại trung tâm ga Hà Nội
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê cho rằng, đây là lần đầu tiên Hà Nội chuẩn bị để tiến hành một tập hợp các dự án lớn cho việc phát triển giao thông kết hợp tổ chức và xây dựng lại các khu dân cư thành một khu đô thị phức hợp văn minh, hiện đại.
Việc xây dựng ga Hà Nội thành một trung tâm giao thông lớn đa phương thức hoàn toàn phù hợp với những quyết định 108/1998; 1259/2010 và 519/2016 của Thủ tướng.
Quá nhiều nhà cao tầng tập trung ở trung tâm nội đô đang là áp lực lớn lên giao thông đô thị Hà Nội |
Ông phân tích: Về nguyên tắc để có thể phát huy hết công suất của các tuyến đường sắt đô thị, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho việc chuyển tuyến, nối tuyến của hành khách đi tàu đường sắt đô thị, tại QĐ108 của Thủ tướng trước đây đã chỉ rõ ga HN phải là nơi hợp lưu của cả 3 tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà nội), số 1 (Yên Vên - Ngọc Hồi) và 2A (Cát Linh -Hà Đông).
Nếu tuyến đường sắt đô thị số 3 chọn phố Trần Hưng Đạo làm ga chính với công suất 60.000 hành khách/giờ thì giao thông ở đây sẽ rất khó khăn phức tạp do chuyển sang tuyến số 1 và 2A xa. Trong khi quảng trường trước Cung văn hóa Việt Xô thường là nơi tổ chức sự kiện lễ hội sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại trong việc kết nối. Vì thế ga ngầm của tuyến số 3 nên đưa vào trong trung tâm ga Hà Nội.
Ông Khuê cũng cho biết thêm, việc xây dựng đồng bộ trung tâm trung chuyển giao thông và đô thị mới tại đây chắc sẽ phải kéo dài nhiều năm, trong khi nhu cầu chống ùn tắc giao thông lại rất cấp bách.
Vì vậy những thành phần nào của dự án liên quan đến giao thông đô thị như xây dựng hoàn chỉnh 3 tuyến đường sắt đô thị 1, 2A, 3 cùng với các bãi xe buýt, taxi, bãi ngầm đỗ xe cần được tách ra để ưu tiên, gấp rút triển khai trước để kịp đáp ứng tình hình.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet