Trong nước

Vụ lương khủng chứng tỏ kê khai thu nhập “đơ” trước tham nhũng

Chính phủ báo cáo có 113.000 cán bộ đã kê khai tài sản thu nhập (đạt 97,9%) nhưng UB Tư pháp nhận định, việc chi lương khủng của lãnh đạo các DN công ích ở TPHCM kéo dài nhiều năm mà không phát hiện cho thấy tính hình thức của biện pháp PCTN này.

Sáng 18/9, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác PCTN năm 2013. UB Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng.

Không phát hiện lương khủng qua kê khai thu nhập


Báo cáo thẩm tra thống nhất nhận định của Chính phủ là công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm và vẫn còn bất cập, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, chưa nghiêm minh.


Về tổ chức, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra đánh giá hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện xử lý còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng vẫn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng quy định. Một số vụ án, bị can được khởi tố điều tra về tội tham nhũng nhưng sau đó việc thu thập chứng cứ không đầy đủ nên cũng phải chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. Việc này thể hiện chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách PCTN.


Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa nhìn chung còn hạn chế. “Thực tế cho thấy mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa song tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn” – Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.


Cụ thể, ông Hiện chỉ rõ, ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiên hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân để vụ lợi. Việc củng cố, tăng cường phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về mặt tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, khen thưởng, kỷ luật.


Biện pháp kê khai tài sản thu nhập được chỉ rõ điểm yếu là mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai.


Những con số thống kê của Thanh tra Chính phủ như trong năm 2012, có 113.000 người kê khai tài sản lần đầu, trên tổng số gần 116 nghìn người phải kê khai (đạt 97,9%); có hơn 519 nghìn người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); hơn 376 nghìn người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan… được cho là không mang lại nhiều ý nghĩa.


Báo cáo thẩm tra đầy tính thời sự khi đề cập vụ lương “khủng” (lương hàng tỷ đồng, thậm chí đến 2,6 tỷ đồng/người/năm) của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở TPHCM. Việc chi lương này đã kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được. UB Tư pháp nhận định, điều đó cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này.


Lãnh đạo bao che tham nhũng vì bệnh thành tích


Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, UB Tư pháp cho là còn rất lúng túng và có biểu hiện không nghiêm minh.


Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Trong năm 2013, đã có 364 CBCC nộp, trả lại quà tặng đúng quy định cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị 178 triệu đồng.


Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra tính toán, số lượng các vụ án tham nhũng năm 2013 được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm 2012.


Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cũng phê, một số nơi cấp ủy, chính quyền còn né tránh, nể nang trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.


Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra dẫn chứng, có địa phương, trong 2 năm, thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính. Đoàn giám sát của UB Tư pháp đánh giá, kết quả chưa dáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.


Khảo sát của UB Tư pháp cho thấy việc xử lý hành chính nhiều vụ việc tham nhũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cơ quan chức năng thậm chí vẫn đình chỉ điều tra những vụ án nghiêm trọng. Trong thời gian hơn 2 năm (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013), riêng VKSND tối cao đã đình chỉ 4 vụ án với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác.


Tòa án thì vẫn áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc chỉ phạt cải tạp không giam giữ. Nhóm bị cáo được “đỡ án” này chiếm hơn 31% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử.


Đây đều là những hạn chế được nêu ra nhiều lần trong báo cáo thường niên của Chính phủ nhưng việc khắc phục rất chậm.


Nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc tình hình nghiêm trọng đoàn giám sát đánh giá là tình trạng suy thoái đạo đức của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên. Bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nề nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng.


P.Thảo

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG