Pháp luật

Vụ đoàn liên ngành kiểm tra, chủ vựa mì tử vong: Nhiều dấu hiệu trái luật

Đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành cho thấy đoàn liên ngành đã làm sai pháp luật

Vụ việc bà Nguyễn Thị Bích bị tử vong khi làm việc với đoàn liên ngành (ĐLN) xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh hôm 15-8 đã làm dư luận bức xúc, yêu cầu xử lý những người có liên quan theo quy định pháp luật. Bức xúc của dư luận là hoàn toàn có cơ sở.

Không phải trường hợp kinh doanh có điều kiện

Theo Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thu mua củ mì không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đối với chủ thể kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình theo khoản 2 điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Ông Trần Tiến Hiệp, người đứng tên trên giấy phép kinh doanh (GPKD), khi trả lời Báo Người Lao Động cho biết bà Bích là người làm thuê cho ông. Ông thuê bà Bích đứng ra thu mua củ mì, mỗi tấn (1.000 kg) được ông trả tiền công 100.000 đồng. Bà Bích mới thu mua được vài ngày, được vài trăm kg thì xảy ra sự việc nêu trên. Đối chiếu trường hợp của bà Bích với khoản 2 điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, bà Bích không phải ĐKKD vì đây không phải là ngành nghề có điều kiện và thuộc trường hợp thu nhập thấp. Việc bà xuất trình giấy ĐKKD là để chứng minh bà có làm cho ông Hiệp. Trong trường hợp người có trách nhiệm nghi ngờ về việc này, có thể liên hệ với ông Hiệp để nắm thông tin, bởi lẽ nhà ông Hiệp và nơi ĐLN làm việc là cùng xã. Tuy nhiên, như ông Hiệp cho biết không ai có trách nhiệm ở xã hỏi ông về việc này.

Các con bà Nguyễn Thị Bích trong đám tang mẹ Ảnh: Như Phú

Lập đoàn liên ngành có đúng luật?

Theo thông tin giải thích của người có trách nhiệm ở xã Tân Hội sau khi sự việc xảy ra, xã thành lập ĐLN là để kiểm tra, phòng ngừa chuyện thu mua củ mì, cao su có nguồn gốc trộm cắp. Cứ cho là xã thành lập ĐLN là vì mục đích "tốt đẹp" này nhưng cách hành xử của người được giao nhiệm vụ thực thi lại không "đẹp" như vậy.

Khi bà Bích xuất trình GPKD đứng tên ông Hiệp, người có trách nhiệm của ĐLN lại đòi tịch thu số củ mì của bà Bích, thu giữ GPKD. Việc dọa tịch thu này, nếu báo chí phản ánh là đúng, đã cho thấy có sự lạm quyền của người có trách nhiệm trong ĐLN. Bởi lẽ, giả sử trong trường hợp bà Bích có hành vi vi phạm như ĐLN quy kết thì theo điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, mức xử phạt đối với hộ kinh doanh cá thể từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Về biện pháp khắc phục hậu quả, điều luật không có hình thức tịch thu hàng hóa thu mua. Chính vì hành động đòi tịch thu hàng hóa và GPKD mới dẫn đến cự cãi.

Thế nhưng, theo lời khai của những người trong gia đình nạn nhân, thay vì giải thích pháp luật cho người dân thì một thành viên lại xô ngã bà Bích dẫn đến chấn thương sọ não. Càng băn khoăn hơn khi sự việc xảy ra, người dân phát hiện các thành viên trong đoàn mang theo tuýp sắt. Không hiểu quy định pháp luật nào cho phép cán bộ thực thi công vụ ở xã được trang bị tuýp sắt? Việc trang bị, sử dụng tuýp sắt này nhằm mục đích gì?

Về thẩm quyền thành lập ĐLN cũng không phù hợp pháp luật. Theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quy định về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tại điều 5 quy định thẩm quyền kiểm tra là các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ NN-PTNT, theo phân công của bộ này. Ở địa phương thì UBND cấp tỉnh quyết định dựa trên phân công, phân cấp của Bộ NN-PTNT, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của Sở NN-PTNT.

Như vậy, muốn thành lập ĐLN kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương, ít nhất phải có quyết định của UBND tỉnh. Thông tư 45 không quy định UBND xã có quyền thành lập ĐLN kiểm tra cơ sở kinh doanh nông lâm nghiệp.

Chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập ĐLN

Chiều 20-8, bà Nguyễn Thị Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - cho biết Công an tỉnh vẫn đang chờ các kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an vụ bà Nguyễn Thị Bích tử vong. "Quan điểm của địa phương là có sai phạm phải xử lý chứ không bao che" - bà Thành khẳng định.

Về ĐLN đi kiểm tra điểm thu mua mì, bà Thành cho biết do chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập. "Gần đây tình trạng trộm mì, trộm mủ cao su về bán rất nhiều nên chính quyền địa phương mới kiểm tra các điểm thu mua mì để chấn chỉnh. Tùy tình hình của địa phương, phức tạp nội dung gì thì kiểm tra nội dung đó, căn cứ vào nội dung chỉ đạo tại các cuộc họp, căn cứ vào các văn bản pháp lý cả" - bà Thành nói.

Về việc lực lượng chức năng của xã cầm công cụ hỗ trợ đến nhà bà Bích, bà Thành cho rằng do thời điểm đó, lực lượng chức năng xã đang cầm công cụ hỗ trợ làm nhiệm vụ, xử lý một vụ trộm củ mì gần nhà bà Bích, khi nghe tin báo, họ qua luôn chứ không có ý cầm công cụ đe dọa gia đình bà Bích (!).

N.Phú

Tác giả: Luật sư Nguyễn Văn Đức

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP