|
Khi kiểm tra vi phạm, CSGT phải thực hiện các bước theo quy trình |
Là lãnh đạo Phòng trực tiếp phụ trách tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) phía Bắc, quan điểm của ông như thế nào trước phản ánh CSGT kiểm tra xe tải, xe khách siêu nhanh trên QL1 vào ban đêm ở Hà Tĩnh?
Ngay sau ca TTKS, Tổ công tác đã báo cáo với lãnh đạo phòng việc có PV đến ghi hình và làm việc. Tôi cho rằng hoạt động tác nghiệp của PV hay sự giám sát của người dân là việc làm cần thiết, vừa giúp lực lượng chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, vừa có tác dụng đôn đốc các cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.
Liên quan đến việc CSGT kiểm tra siêu nhanh như phản ánh trong bài viết, chúng tôi sẽ kiểm tra lại để đôn đốc, chấn chỉnh. Nếu sai thì phải sửa. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải báo cáo lên cấp trên, còn trong phạm vi cho phép thì sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh.
Trao đổi với PV, Đại úy Lê Ngọc Sáng – Tổ trưởng tổ TTKS có khẳng định từ 18h – 20h50 đã lập biên bản 10 trường hợp vi phạm nhưng không đưa ra được biên bản để chứng minh. Ông có thể nói gì về điều này?
Diễn biến trong quá trình làm việc như thế nào thì chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với tổ TTKS hôm đó và sẽ trả lời sau.
Ông có thể nói rõ quá trình TTKS ban đêm, những trường hợp như thế nào CSGT được phép ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra?
Ban đêm, lỗi vi phạm phát hiện được thường là không có đèn bên phải, không có đèn chiếu xa, chiếu gần (không có đủ thiết bị chiếu sáng hoặc thiết bị không đảm bảo – PV) hoặc CSGT phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì sẽ yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Tuy vậy, do ban đêm, phương tiện hoạt động chủ yếu là ô tô nên các tổ TTKS thường tập trung kiểm tra xử lý với 3 loại phương tiện là ô tô con, xe tải và xe khách.
Ông có thể nói rõ hơn về quy trình cụ thể sau khi ra hiệu lệnh dừng xe, CSGT phải làm gì?
Theo quy trình, CSGT khi dừng xe kiểm tra theo điều lệnh, phải kiểm tra người điều khiển phương tiện, giấy tờ và điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, khi xét thấy lỗi thì mới xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình TTKS, có thể qua quá trình làm việc, có những trường hợp CSGT không nhất thiết phải ra phương tiện để kiểm tra.
Theo ghi nhận trong cuốn biên bản xử lý vi phạm số 013 của tổ TTKS phía Bắc sử dụng ngày 25/2, có một biên bản số 0000613 do Đại úy Lê Ngọc Sáng lập không ghi lỗi vi phạm, không có chữ ký của người vi phạm nhưng lại có sẵn ý kiến thừa nhận lỗi được ghi tại nơi dành cho người vi phạm và chữ ký của tổ trưởng ở dưới? Ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Đó là nghiệp vụ của người ta, còn trình tự lập biên bản ra sao tôi không thể nói được. Cái này phải trực tiếp Trưởng phòng trả lời.
Tuy nhiên, căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn đã được học và căn cứ vào các điều khoản trong Luật xử lý vi phạm hành chính… thì các cán bộ, chiến sĩ ra quyết định xử lý theo đúng lỗi hành vi vi phạm. Cán bộ CSGT phải viết đầy đủ các nội dung theo các mục của biên bản vi phạm hành chính.
Tôi cho rằng, không thể có biên bản nào mà trên chưa ghi lỗi vi phạm, ở dưới người vi phạm đã nhất trí với lỗi vi phạm cả. Người ta không có lỗi làm sao có thể ký nhận lỗi. Ngoài ra, theo tôi, cũng không thể có trường hợp CSGT viết sẵn vào biên bản, nếu như vậy thì chắc chắn người lập biên bản xử lý sai, cái này phải có cơ sở pháp lý chứ không thể nói không được.
Cảm ơn ông!
Văn Thanh – Văn Lộc