Tin

Vụ 214 giáo viên mất việc: Người sử dụng lao động đã phạm luật!

Liên quan đến vụ việc hơn 200 giáo viên, nhân viên thuộc diện hợp đồng bị chấm dứt lao động của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có đến 122 lao động làm việc không được đóng bảo hiểm, có người làm việc 12 năm cũng không được đóng.

Cụ thể, tại thị xã Kỳ Anh: 39 lao động hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội (thời gian hợp đồng từ 1 năm đến dưới 2 năm có 5 người; từ 2 năm đến dưới 3 năm có 9 người; 3 năm trở lên có 25 người).

01
Hiện có 122 giáo viên, nhân viên thuộc diện lao động hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội.

Tại huyện Kỳ Anh: có 83 lao động hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội (thời gian hợp đồng từ 1 năm đến dưới 2 năm 3 người, từ 2 năm đến dưới 3 năm 53 người, từ 3 năm đến dưới 4 năm 26 người, từ 5 năm đến dưới 6 năm 1 người).

Chị Nguyễn Thị Nga, giáo viên tiểu học ở huyện Kỳ Anh (cũ) đã có 12 năm công tác, trong đó từ năm 2009 đến 2012 là dạy hợp đồng với trường và từ tháng 9/2012 đến nay là hợp đồng với huyện. Thế nhưng điều lạ là chị không được đóng BHXH.

Trong bản hợp đồng lao động, đã ghi rõ lao động không được hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT
Trong bản hợp đồng lao động, đã ghi rõ lao động không được hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT

“Tính trong nghề thì tôi đã có 12 năm công tác. Tôi cũng như nhiều giáo viên không được đóng bảo hiểm. Chúng tôi thấy rất lạ”, chị Nga cho biết.

“Tôi 4 năm liền ký hợp đồng lao động với huyện nhưng đều không được đóng bảo hiểm, tôi thấy rất vô lý. Không được đóng bảo hiểm khiến chúng tôi mất đi rất nhiều quyền lợi”, một giáo viên khác bức xúc.

Đó là thực trạng chung của 122 giáo viên, nhân viên thuộc diện hợp đồng ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Vi phạm luật vẫn không bị xử lý!

Theo quy định luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 có quy định: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên thì sẽ được đóng bảo hiểm xã hội.

Và trách nhiệm của đại diện người sử dụng lao động là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.. Nếu người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

Tuy nhiên, người sử dụng lao động mà cụ thể ở đây là UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo hiểm xã hội, gây nhiều thiệt thòi cho người lao động.

Để tìm hiểu về vấn đề này, PV đã có trao đổi với các cơ quan chức năng.

Bà Dương Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh (cũ) thì được vị này cho biết, bây giờ đã chuyển công tác mới. Tuy nhiên, khi PV thắc mắc trước đây bà Anh với chức trách là Trưởng phòng Nội vụ thì sẽ phải nắm rõ thì vị này liền chối bỏ bằng cách “theo quy chế phát ngôn thì tôi không được phép và đề nghị PV liên hệ với người được phép phát ngôn!”.

Chúng tôi tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Thủy, phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (người phát ngôn báo chí của huyện Kỳ Anh) thì vị này cho biết: “Toàn bộ thông tin đã báo cáo với Sở Nội vụ với lại tôi đang đi đại hội nên không thể nắm được số liệu cụ thể”.

Tuy nhiên, điều dư luận thắc mắc và muốn làm rõ là tại sao nhiều giáo viên, nhân viên làm việc lâu năm, có người đến 4 – 5 năm, thậm chí có người đến 12 năm không được đóng BHXH thì liệu đơn vị sử dụng lao động có vi phạm luật lao động? thì vị này cho biết: “Cái này thì anh cũng không thể phát ngôn được vấn đề này, cái này phải đưa ra văn bản mới trả lời được”.

“Các anh cứ về tìm hiểu bên dưới rồi đối chiếu, cái nào sai. Chứ chúng tôi không phải bao che gì cả. Chúng tôi cũng mong làm rõ sự việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động”, ông Thủy nói.

Chương II: Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định:

Điều 15. Quyền của người lao động

Người lao động có các quyền sau đây:1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội; 2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc; 3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời; 4. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 5. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18; yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin quy định tại khoản 11 Điều 20 của Luật này;…

Điều 18. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây: a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội; b) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; c) Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc; d) Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; đ) Trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động;…

Điều 91. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động

1. Hằng tháng, người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.

Xuân Sinh / Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP